Gần đây, hoàng loạt các trái phiếu xếp hạng AAA của nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã vỡ nợ, kích hoạt tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu nước này, theo Sound of Hope.
Ảnh chụp màn hình Youtube/CGTN
Giới đầu tư ngờ rằng các doanh nghiệp nhà nước này có ý định “trốn nợ”, và vụ việc đã kinh động đến các quan chức cấp cao. Vài ngày trước, Phó Thủ tướng phụ trách tài chính của ĐCSTQ, Lưu Hạc, nói rằng ông ta sẽ áp dụng thái độ “không khoan nhượng” đối với các vụ việc tài chính bất thường. Một số nhà phân tích môi giới chỉ ra rằng Ủy ban Tài chính ĐCSTQ tuyên bố rằng nó có thể tránh được rủi ro tín dụng lan rộng hơn nữa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ tín dụng có giảm được hay không còn tùy thuộc vào mức độ cải thiện kinh tế và cải thiện xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp nhà nước đối mặt giông bão liên miên, Lưu Hạc bày tỏ ý kiến
Ngày 21/11, Phó Thủ tướng phụ trách tài chính ĐCSTQ Lưu Hạc, đã tuyên bố tại một cuộc họp của Ủy ban Tài chính rằng sự gia tăng gần đây các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố như chu kỳ kinh tế, hệ thống kinh tế của ĐCSTQ và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông cho rằng cần duy trì chính sách “không khoan nhượng”, điều tra nghiêm ngặt việc chuyển giao tài sản có mục đích xấu và các loại hành vi “trốn nợ” khác nhau, để tránh phát sinh nguy cơ rủi ro đối với toàn hệ thống.
Tuần trước, Tập đoàn Điện lực và Than Vĩnh Thành (Vĩnh Doanh) thuộc sở hữu nhà nước ở tỉnh Hà Nam đã phải đối mặt khả năng vỡ nợ trái phiếu trị giá 26,5 tỷ nhân dân tệ (4 tỷ USD). Tuần trước, khoản nợ 1 tỷ Nhân dân tệ của tập đoàn này không được thanh toán đúng tiến độ, cấu thành việc vi phạm hợp đồng. Vĩnh Thành sẽ có nhiều trái phiếu đáo hạn hơn, và thị trường lo ngại những trái phiếu này có thể vỡ nợ.
Hôm thứ Hai (23/11), Vĩnh Thành đã thông báo rằng hai trái phiếu siêu ngắn hạn, “20 Vĩnh Thành SCP004” và “20 Vĩnh Thành SCP007”, với số tiền phát hành là 1 tỷ nhân dân tệ mỗi trái phiếu kèm thời gian đáo hạn lần lượt là 270 và 210 ngày, sẽ đến hạn chi trả vào ngày 22/11 và ngày 23/11. Do tính thanh khoản của doanh nghiệp không đủ, các khoản hoàn trả cho số trái phiếu siêu ngắn hạn hai giai đoạn đã không được chuyển cho tổ chức giám sát một cách đúng hạn và đầy đủ. Hiện tại, việc hoàn trả lãi và gốc của hai trái phiếu vẫn chưa chắc chắn.
Tờ Financial Times của Anh ngày 23/11 đưa tin, các nhà đầu tư trái phiếu Trung Quốc thường tin rằng các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ ĐCSTQ nắm vốn, bất kể tình trạng tài chính của họ như thế nào, đều sẽ an toàn hơn vì họ được hưởng sự đảm bảo ngầm từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những vi phạm gần đây đã phá vỡ quan điểm này.
Các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ gần đây đã được các tổ chức xếp hạng của Trung Quốc xếp hạng AAA ở mức cao nhất, điều này đã tác động lớn đến niềm tin của nhà đầu tư, tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp nhà nước phải tạm dừng phát hành trái phiếu. Vì các công ty này phải phát hành trái phiếu mới để trả nợ cũ nên có thể có nhiều vụ vỡ nợ hơn trong tương lai.
Vĩnh Doanh có 180.000 công nhân, và một số công nhân cho biết họ đã không được nhận lương trong vài tháng và đang đối diện với các đợt sa thải quy mô lớn.
Kinh tế Trung Quốc đi xuống, chính phủ không giúp được các doanh nghiệp nhà nước
Sau khi trái phiếu của hai doanh nghiệp nhà nước Liêu Ninh Brilliance Group và Hà Nam Vĩnh Doanh bị vỡ nợ, thị trường trái phiếu tín dụng sơ cấp đã phải đối mặt với sự trì trệ. Thị trường trái phiếu liên ngân hàng đã hủy bỏ hoặc trì hoãn các thông báo phát hành ở khắp nơi, với quy mô được mở rộng đáng kể so với giai đoạn trước. Tại thị trường thứ cấp, các trái phiếu “rủi ro cao” như Tập đoàn Than Vĩnh Doanh, Năng lượng và Hóa chất Hà Nam, Thanh Hoa và Chí Quang đã gia tăng rõ rệt, với những đợt sụt giá mạnh theo thời gian.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc bày tỏ hy vọng sẽ xua tan nỗi lo của thị trường về vấn nạn “trốn nợ”, cho biết ông sẽ giữ thái độ “không khoan nhượng” đối với các vụ vỡ nợ tài chính, nhưng không nêu ra chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể nào đi kèm. Nhiều nhà phân tích bày tỏ hoài nghi về việc liệu cuối cùng có thể ngăn chặn được sự bùng phát rủi ro nợ tín dụng hay không.
Ủy ban Tài chính Trung Quốc nhìn nhận rằng có ba yếu tố gây ra các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước gần đây, yếu tố đầu tiên là chu kỳ kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đang theo một chu kỳ đi xuống, và tài chính của ĐCSTQ cũng không khá hơn trước đây, do đó không thể chi tiền giúp đỡ các doanh nghiệp dưới quyền. Hồi tháng trước Sở Tài chính Hà Nam đã tuyên bố rằng chi tiêu tài khóa của chính phủ vượt quá nguồn thu, và ĐCSTQ đang phải đối mặt với một “tình huống nghiêm trọng”.
Báo cáo mới nhất của Jianghai Securities tin rằng thái độ của Ủy ban Tài chính Trung Quốc có thể tránh được rủi ro tín dụng lan rộng trong ngắn hạn để ngăn chặn tác động lớn đến thị trường tài chính, nhưng trong trung hạn, rủi ro vỡ nợ của thị trường tín dụng trái phiếu có thể thực sự giảm được không, thì vẫn còn phụ thuộc vào mức độ cải thiện kinh tế và nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp.
Theo báo cáo, “Kể từ đợt dịch này, tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô (tỷ lệ trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước) đã tăng lên đáng kể. Một khi chính sách bắt đầu được thu lại vào năm sau, áp lực vỡ nợ đối với doanh nghiệp có thể tăng lên. Do đó, chưa thể lạc quan rằng rủi ro tín dụng sẽ giảm bớt”.
Nhóm nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Tạ Á Hiến của tập đoàn vân tải đa quốc gia China Merchants Securities đã chỉ ra rằng vụ vỡ nợ đột ngột của Vĩnh Doanh đã vượt khỏi dự đoán của thị trường, nhưng kết hợp với bối cảnh vĩ mô hiện tại, điều này cho thấy sự gia tăng tình trạng suy yếu tài chính dưới điều kiện thắt chặt biên thanh khoản vĩ mô dự kiến là tất yếu.
Nhóm của Tạ Á Hiến cho biết từ đầu năm nay, tỷ lệ đòn bẩy của các doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, và tỷ trọng trái phiếu trong các khoản nợ phải trả lãi của nhiều công ty cũng đạt mức cao. Trong bối cảnh đó, một khi tỷ lệ thanh khoản vĩ mô bắt đầu thắt chặt, các sản phẩm trái phiếu sẽ tạo ra những ràng buộc cứng nhắc và áp lực thanh toán đối với doanh nghiệp, dẫn đến rủi ro vỡ nợ.