Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐường sắt VN đang "ngắc ngoải" vì Covid-19

Đường sắt VN đang “ngắc ngoải” vì Covid-19

Những ngày cuối năm 2020, bức tranh của ngành đường sắt hiện lên thật sự ảm đạm với khung cảnh nhà ga trống vắng, các chốt chắn buồn thiu.

Nhà ga vắng như chùa Bà Đanh

Ga Hà Nội những ngày này không khí vắng lặng đến không ngờ. Tại quầy bán vé, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, chỉ lác đác người đến mua vội vã rồi về, cho dù giai đoạn này đang cao điểm bán vé Tết.

Một nhân viên bán vé cho biết, nhiều thời điểm nhân viên chỉ biết chơi dài chờ khách. Lượng vé được bán ra mỗi ngày thấp nhất trong 10 năm trở lại.

“Bạn có tin không, cả chuyến tàu từ ga Hà Nội đến ga TP.HCM chỉ có khoảng 100 khách”, một nữ nhân viên ngành đường sắt ưu tư.

Quầy soát vé cũng rơi vào cảnh không một bóng người. Bên trong sân ga, những con tàu cũng nằm dài chờ đợi.

Không chỉ ga Hà Nội mà hầu hết các nhà ga ở các tỉnh thành khác cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Câu chuyện một hành khách đi nguyên khoang trên các chuyến tàu Bắc- Nam giờ không còn là chuyện hiếm. Thậm chí có những nhà ga cả ngày chỉ bán chưa đến 10 vé.

Ngay cả ga Sài Gòn cũng ghi nhận kỷ lục lần đầu tiên vắng khách đến mua vé tàu Tết. Và cũng chưa bao giờ  vé tàu Tết lại bán chậm như năm nay.

Lý giải về việc ga vắng khách, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam VNR cho biết, lý do chính khiến ga, tàu vắng khách là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do tâm lý cùng sự suy giảm kinh tế khiến nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Lượng khách lên tàu hiện chỉ đạt khoảng 50%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ 2019.

Có thời điểm, ngành đường sắt chỉ duy trì chạy từ 1-2 đôi tàu khách/ngày. Các đoàn tàu địa phương khác cũng phải cắt giảm, chỉ tổ chức chạy tàu vào các ngày cuối tuần, thậm chí một số tuyến phải tạm dừng chạy tàu… Bên cạnh đó, sau 5 năm ngành đường sắt triển khai hệ thống bán vé điện tử, đa số hành khách đã có thói quen mua vé qua mạng nên lượng hành khách đến ga mua vé giảm đáng kể.

Gánh nặng đè lên vai nhân viên

Lỗ 725 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2020, hơn 4.000 lao động bị thiếu và mất việc làm, ngành đường sắt đang đối diện với những khó khăn khủng khiếp do COVID-19.

Trong khi các lãnh đạo đường sắt đau đầu với những thiệt hại nặng nề, với những chính sách chiến lược để tồn tại thì nhân viên trong ngành cũng khốn khổ để xoay xở với tiền lương “ba cọc, ba đồng” mà vẫn bị cắt giảm.

Một nhân viên bán vé ở ga Hà Nội tâm sự, ca trực của chị bắt đầu từ 8h đến khoảng 14h. Mùa COVID-19, số lượng ca trực của chị phải giảm đi một nửa, đồng nghĩa với thu nhập giảm theo. Chị cho biết, nhiều nhân viên khác cũng phải nghỉ luân phiên vì lượng khách quá ít, tàu lại bị cắt giảm chuyến, không cần nhân viên phục vụ.

Có thâm niên trong ngành gần 20 năm, đây là lần đầu tiên chị Thủy – nhân viên quản lý quầy vé ở ga Hà Nội – bị cắt lương trong nhiều tháng. Chị buồn bã tâm sự, từ khi xảy ra dịch, thu nhập của chị và nhiều đồng nghiệp bị giảm nghiêm trọng, chỉ còn 1/3 so với trước.

Chị Vũ Thị Hằng, Trạm trưởng trạm chắn ga Gia Lâm (Hà Nội) kể, chị đã có 28 năm gắn bó với công việc này, gắn bó với ngành đường sắt Việt Nam. Một ca trực của chị kéo dài 12 tiếng, hết ca sẽ được nghỉ 24 tiếng. Hơn 28 năm qua, ngày nào cũng như ngày nào, bất kể nắng mưa, mỗi lần tàu đến, tàu đi, chị phải ra đứng gác chắn chờ tàu trước 15 phút, kéo gác chắn tàu để đảm bảo an toàn cho người dân khi tàu chạy qua.

Theo chị Hằng, trước kia, khi chưa có dịch COVID-19, tàu chạy nhiều, từ khi có dịch bệnh, tàu chở khách bị cắt giảm. Tuy nhiên, ở ga Gia Lâm, tàu hàng lại được tăng cường nhiều hơn nên công việc của kíp gác trạm chắn vẫn vất vả như thế. Dù không bị cắt giảm lương do mức lương đã quá thấp nhưng chị Hằng và đồng nghiệp rất nhớ những chuyến tàu khách sáng đèn, nhộn nhịp tiếng nói cười của khách. COVID-19 đã làm cho những chuyến tàu chở khách thưa thớt dần, không còn bóng người lên xuống tấp nập khi tàu vào sân ga nữa. Những chuyến tàu còn lại cũng chỉ chạy cầm cự với lượng khách ít ỏi. “Công việc vốn đã là lối mòn, nhàm chán giờ còn buồn thảm hơn. Không biết đến bao giờ khách mới đông đúc như xưa”, chị Hằng nói.

Chị Hằng cho biết, với kịch bậc 5/5, lương của chị cũng chỉ vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng. Không đủ chi tiêu nên gia đình chị mở thêm tiệm tạp hóa nhỏ phục vụ khách đi tàu, do nhà chị ở khu tập thể đường sắt này. Nhưng từ khi có dịch, không có khách đi tàu nữa, nguồn thu nhập ít ỏi của chị cũng bị chặn đứt, cuộc sống càng thêm vất vả hơn.

Là một người có 35 năm thâm niên công tác trong ngành đường sắt từ những năm 80, ông H.V.T. chưa bao giờ nghĩ khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, ngành lại gặp khó khăn lớn đến vậy. Hiện ông T. phải làm thêm nghề sửa chữa xe vào những lúc rảnh rỗi để có thêm thu nhập.

Tâm sự về nghề của mình, chị Trương Bích Diệp, nhân viên gác chắn tàu trạm G1 (gần trạm Hà Đông) nói: “Nếu nói nghề canh gác chắn tàu nhàn thì là sai lầm. Chúng tôi không nâng, hạ barie đơn thuần mà chúng tôi đang góp phần bảo vệ tính mạng của người dân. Đó thực sự là công việc vất vả, thậm chí là nguy hiểm khi phải làm đêm hôm và cũng phải chịu sự khó chịu của không ít người”.

Vất vả là thế, nhưng chị Diệp, cũng như các nhân viên đường sắt hiện nay đều đang nuôi mong mỏi COVID-19 sớm đi qua, để họ được gắn bó lâu dài với nghề, có thu nhập ổn định giữa cuộc sống bộn bề khó khăn. “Chúng tôi có niềm tin rằng nỗ lực của toàn cộng đồng thời gian qua sẽ cho quả ngọt, những toa tàu sáng đèn, đông khách sớm quay lại, thắp lên niềm hy vọng phục hồi cho một ngành kinh tế quan trọng của đất nước”, ông T. nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới