Việc huyện đảo Lý Sơn giải thể chính quyền cấp xã dẫn đến nhiều chế độ, chính sách cho người dân không còn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống còn nhiều khó khăn của nhân dân huyện đảo tiền tiêu.
Huyện đảo Lý Sơn đã giải thể chính quyền cấp xã nên nhiều chế độ chính sách của người dân cũng không còn
Thực hiện Nghị quyết 867 ngày 1/4/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Quảng Ngãi đã giải thể 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm An Hải, An Vĩnh, An Bình. Hiện huyện đảo Lý Sơn là chính quyền một cấp.
Việc giải thể chính quyền cấp xã dẫn đến nhiều chính sách liên quan của huyện đảo Lý Sơn cũng không còn hiệu lực. Đặc biệt là chế độ ưu tiên trong thi cử của học sinh, sinh viên; bảo hiểm y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ ăn trưa cho bậc mầm non, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên…
Bên cạnh đó, Quyết định số 1995 ngày 4/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn (giai đoạn 2015-2020) đến thời điểm này cũng hết hiệu lực. Hiện nay, huyện đảo Lý Sơn cũng không còn được hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị định 76 ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Hàng loạt chế độ chính sách không còn, trong khi đời sống của người dân huyện đảo còn nhiều khó khăn. Huyện đảo thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, điều kiện đi lại khó khăn, chi phí sinh hoạt tăng cao, chất lượng giáo dục, y tế… còn nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chính thức có văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho huyện đảo Lý Sơn tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ, phát triển theo Quyết định số 1995 ngày 4/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đưa huyện Lý Sơn vào danh sách ưu tiên hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn (như huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị).