Do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc và nhu cầu người tiêu dùng giảm do đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc, theo Sound of Hope.
Một robot xe đạp do Murata Manufacturing sản xuất.
Cách đây vài ngày, Murata, một nhà sản xuất linh kiện thụ động lớn của Nhật Bản, đã thông báo họ sẽ kết thúc hoạt động kinh doanh của Murata Thăng Long Technology (công ty con của Murata) ở quận Long Cương, Thâm Quyến vào tháng 12 tới. Theo đó hơn 1.500 nhân viên sẽ bị mất việc làm.
Được thành lập năm 2005, công ty Murata Thăng Long, chủ yếu sản xuất cuộn dây, chất bán dẫn, gốm sứ điện tử và các sản phẩm khác. Đại diện công ty cho biết, đại dịch (Virus Vũ Hán) vừa qua đã khiến nhu cầu toàn cầu giảm, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu biến động, tình hình cạnh tranh trở nên gay gắt, đơn đặt hàng giảm mạnh. Đây là những nhân tố chính buộc các nhà máy phải đóng cửa.
Ngoài ra, chi phí hoạt động tại Trung Quốc gia tăng là nguyên nhân khiến các nhà máy phải đóng cửa. Lấy ví dụ, trong vòng 10 năm qua, giá thuê nhà xưởng ở quận Bảo An, Thâm Quyến đã tăng khoảng 5 lần, còn ở quận Long Cương tăng khoảng 7 lần.
Vào tháng 12 năm 2019, công ty Murata đã đóng cửa thêm hai công ty con là Huajian Electronics và Huaju Technology tại Sán Đầu, Quảng Đông. Trong đó, Huajian Electronics là nhà máy đầu tiên do Murata thành lập sau khi vào Trung Quốc, lý do đóng cửa nhà máy là do tình hình cạnh tranh gia tăng.
Ngoài Murata, nhiều công ty nổi tiếng của Nhật Bản cũng đã đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Lấy ví dụ, vào năm 2018, hãng máy ảnh kỹ thuật số khổng lồ Olympus của Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy ở Thâm Quyến, còn nhà sản xuất thiết bị điện tử Omron của Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy ở Tô Châu. Năm 2019, tập đoàn Sharp của Nhật, có vốn đầu từ gã khổng lồ Foxconn, cũng thoái vốn tại Trung Quốc để chuyển nhà máy sang Việt Nam. Tập đoàn Sony của Nhật cũng đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Kinh.
Do sự bùng phát và lây lan dịch viêm phổi Vũ Hán, chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy nguy cơ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của mình. Do đó, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập một khoản ngân sách 329,5 tỷ Yên để khuyến khích các công ty Nhật rút khỏi thị trường Trung Quốc để chuyển nhà máy về Nhật Bản hoặc chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Số liệu thống kê cho thấy, bắt đầu từ năm 2015, số lượng doanh nghiệp sản xuất đăng ký thường niên tại Thâm Quyến đã giảm dần theo từng năm. Đến năm 2020, con số này chỉ bằng một phần ba so với năm 2015.