Riêng 24 doanh nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần bổ sung số vốn hơn 163.000 tỷ đồng.
Năm 2019 vẫn còn đến 44 doanh nghiệp cần phải bổ sung vốn điều lệ
Báo cáo tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019, tổng số doanh nghiệp (DNNN và công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên) được đầu tư bổ sung vốn điều lệ là 88 doanh nghiệp theo 2 hình thức là: đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ cho DNNN đang hoạt động và đầu tư vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên với tổng số vốn đầu tư là 21.429,83 tỷ đồng.
Trong đó, có 54 doanh nghiệp (bao gồm 53 DNNN và 1 công ty cổ phần) thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và 34 doanh nghiệp (bao gồm 32 DNNN và 2 công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên) thuộc địa phương.
Cụ thể, về tình hình bổ sung vốn điều lệ với DNNN đang hoạt động: Trong năm 2019 có 85 DNNN đang hoạt động được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với tổng số vốn đầu tư trong năm là 21.182,98 tỷ đồng. Lũy kế hết năm 2019, vốn lũy kế đầu tư bổ sung là gần 81.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn đến 44 doanh nghiệp cần phải bổ sung vốn điều lệ, trong đó có 24 doanh nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, với tổng vốn cần bổ sung là hơn 163.000 tỷ đồng; 20 doanh nghiệp thuộc khối địa phương, cần bổ sung với số vốn hơn 3.300 tỷ đồng.
Tổng số vốn điều lệ của 44 doanh nghiệp còn phải bổ sung gần 166.400 tỷ đồng (tương đương 7,2 tỷ USD).
Bộ Tài chính cho biết, nguồn bổ sung vốn điều lệ năm 2019 cho các DNNN đang hoạt động chủ yếu từ Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp hơn 10.162 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hơn 540 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hơn 3.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 3.000 tỷ đồng, nguồn khác là 4.216,97 tỷ đồng.
Bổ sung từ ngân sách Trung ương chủ yếu là đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (987,27 tỷ đồng), 1 doanh nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT từ tiếp nhận tài sản từ hạng mục, công trình hình thành qua đầu tư và dự án hoàn thành (1.901,6 tỷ đồng) và 1 doanh nghiệp thuộc khối địa phương (UBND TP Hà Nội) từ tiếp nhận tài sản được hình thành từ các công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (333 ,38 tỷ đồng).
Bổ sung từ ngân sách địa phương là các doanh nghiệp thuộc khối địa phương như UBND tỉnh Phú Thọ (704,73 tỷ đồng), UBND thành phố Hà Nội (2.314,53 tỷ đồng)…
Bổ sung từ các nguồn khác chủ yếu là nguồn từ: do xác định lại giá trị tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải để tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (1.409,84 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT); nguồn từ thu lãi trái phiếu đặc biệt (118,4 tỷ đồng đối với NH NN-PTNT Việt Nam); nguồn từ Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (2.248 tỷ đồng đối với Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng).
Về tình hình đầu tư vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên, theo Bộ Tài chính, trong năm 2019 có 3 công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với tổng số vốn được đầu tư là 246,85 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty CP Bệnh viện GTVT thuộc Bộ GTVT tăng vốn điều lệ là 22 3,46 tỷ đồng do xác định lại giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Bệnh viện GTVT sau khi quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện; 2 doanh nghiệp thuộc khối địa phương là UBND tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh An Giang thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần với tổng số vốn đầu tư thực hiện trong năm là 23,39 tỷ đồng, chiếm 9,48% tổng số đầu tư, trong đó nguồn bổ sung từ ngân sách địa phương là 2 tỷ đồng, nguồn từ cổ tức, lợi nhuận được chia là 21,34 tỷ đồng.