Wednesday, May 1, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ lại liên tiếp có hành động gây hấn ở Biển Đông

TQ lại liên tiếp có hành động gây hấn ở Biển Đông

Khi mà năm 2020 dần trôi đi thì Trung Quốc lại liên tiếp có những hành động hung hăng gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông, đe dọa hòa bình ổn định ở khu vực.

Trung Quốc đưa tàu đổ bộ tấn công Type 075 đầu tiên chạy thử ở Biển Đông. Tháng 10/2020, tàu Type 075 rời khỏi xưởng đóng tàu ở Thượng Hải đi xuống phía Nam. Đầu tháng 11, tàu này neo đậu tại căn cứ hải quân Du Lâm, thành phố Tam Á nằm ở bờ Đông của đảo Hải Nam, hướng ra Biển Đông.

Cùng với việc đưa tàu Type 075 chạy thử, ngày 24/11, tài khoản weibo chính thức của Hải quân Trung Quốc đăng hình ảnh một cuộc tập trận đổ bộ diễn ra vài ngày trước đó. Khung cảnh cuộc tập trận cho thấy nó diễn ra ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng. Tri Tôn là thực thể nằm ở Tây Nam Hoàng Sa và gần Việt Nam nhất trong số những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo này. Năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam cách không xa Tri Tôn, gây làn sóng phẫn nộ trong người dân Việt Nam.

Thời gian qua, giữa lúc căng thẳng eo biển Đài Loan gia tăng, với nhiều tin đồn râm ran về việc Trung Quốc có kế hoạch đánh chiếm quần đảo Pratas do Đài Loan chiếm giữ, Trung Quốc thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận đổ bộ ở Biển Đông. Tuy nhiên, dựa vào thời điểm và vị trí của Tri Tôn, việc chọn hòn đảo này cho cuộc tập trận nói trên mang hàm ý với Việt Nam nhiều hơn. Một số chuyên gia nhận định rằng cuộc diễn tập này được tiến hành trùng với thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien thăm Việt Nam từ ngày 20-22/11 là có ý đe dọa nhằm vào Hà Nội.

Đáng chú ý là tờ Hoàn Cầu thời ngày 25/11 ngang nhiên khoe rằng 3 tàu đổ bộ Type 071 cùng nhiều tàu tên lửa tàng hình Type 022 tiến hành hai cuộc tập trận ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Theo tờ Hoàn Cầu, 3 tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn, Trường Bạch Sơn và Ngũ Chỉ Sơn thuộc Chiến khu Nam bộ tiến hành cuộc tập trận 4 ngày ở Biển Đông, tập trung vào những chủ đề như phòng thủ toàn diện, diễn tập bắn đạn thật, hoạt động lục soát và bắt giữ tàu; cuộc tập trận này thể hiện một lực lượng đổ bộ hùng mạnh, có thể tham gia một chiến dịch đổ bộ trên đảo lớn hay một nhóm đảo và bãi đá. Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng nội dung cuộc tập trận của các tàu đổ bộ nói trên cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho các cuộc phiêu lưu mới, kể cả việc đánh chiếm các thực thể ở Biển Đông; cảnh báo các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát sao động thái của Bắc Kinh.

Trong khi đó, tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5402 liên tục quấy rối hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Ngày 30/10, tàu 5402 rời đảo Hải Nam; ngày 10/11, tàu 5402 tuần tra xung quanh lô dầu khí ở phía tây cụm bãi cạn Luconia, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Tàu hải cảnh 5402 uy hiếp giàn khoan Gunnlod của công ty Borr Drilling của Anh do Malaysia thuê để khoan thăm dò dầu khí động tại lô SK410B trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia và được hai tàu tiếp tế xa bờ của Malaysia là Lewek Plover và JM Abadi hỗ trợ (vị trí hoạt động của giàn khoan Gunnlod chỉ cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia 40 hải lý).

Tàu hải cảnh 5402 tiến sát giàn khoan Gunnlod hết sức nguy hiểm, có lúc chỉ cách khoảng 2 hải lý. Malaysia đã phải điều tàu tiếp tế hậu cần Bunga Mas Lima và tàu tuần tra KD Keris của hải quân để ứng phó gây nên tình trạng đối đầu căng thẳng. Hành vi bắt nạt, cưỡng ép của Trung Quốc diễn ra tương tự như những gì đã diễn ra xung quanh giàn khoan ở lô 06-1 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2019. Tàu hải cảnh 5402 cũng chính là con tàu đã quấy rối, uy hiếp hoạt động của giàn khoan Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019.

Những hoạt động hung hăng kể trên trong những ngày qua của Bắc Kinh làm cho tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng. Một số nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn mới ở Biển Đông trong những ngày qua là vì:

Thứ nhất, cách đây đúng một năm, virus corona xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc rồi bùng phát và lan ra cả thế giới gây ra đại dịch Covid-19. Trong những ngày này thế giới lại đang nhìn lại những gì đã xảy ra cách đây 1 năm và trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc gây ra đại dịch Covid-19 làm hàng chục triệu người nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Financial Times vừa công bố kết quả điều tra kéo dài trong 6 tháng, theo đó sự tắc trách của giới cầm quyền Bắc Kinh là nguyên nhân gây ra đại dịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh gia tăng các hoạt động hung hăng ở Biển Đông để hướng dư luận ra ngoài nhằm giảm sự quan tâm của quốc tế đối với trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc gây ra đại dịch Covid-19.

Hai là, chính quyền của Tổng thống Trump đang bước vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ này lại đang vướng vào cuộc chiến pháp lý xung quanh kết quả bầu cử Tổng thống, nên có thể ít quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông. Trung Quốc tranh thủ tình hình này để gia tăng các hoạt động trên Biển Đông, tạo sự đã rồi nhằm thực hiện mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông. Song Trung Quốc đã tính toán sai lầm, những hành động hung hăng ngày càng leo thang của Bắc Kinh như “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho Washington thêm tức giận và gia tăng các hình thức trừng phạt đối với Trung Quốc, trong đó có việc trừng phạt thêm một số công ty Trung Quốc, gồm cả Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) – chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981, từng xâm phạm vùng biển miền Trung Việt Nam năm 2014.

Ba là, việc Trung Quốc liên tiếp có các hành động gây hấn ở Biển Đông là nhằm “răn đe” các nước ven Biển Đông không được “vào hùa” với Mỹ. Bất chấp những khó khăn chồng chất trong năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò chủ tịch luận phiên của ASEAN và đạt được những thành quả quan trọng trong việc tạo đồng thuận cao hơn trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông theo tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao vai trò giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Điều này rõ ràng làm Bắc Kinh không hài lòng. Đặc biệt, các nước ASEAN còn bày tỏ sự hoan nghênh Mỹ đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định khu vực làm giới lãnh đạo Trung Quốc rất tức tối bởi Bắc Kinh đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.

Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Indonesia, Việt Nam hồi cuối tháng 10 và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ thăm Việt Nam, Philippines vừa qua có những phát biểu mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông khiến Bắc Kinh khó chịu. Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động hiếu chiến ở Biển Đông là nhằm chuyển đến những nước Đông Nam Á này thông điệp đe dọa “chớ có đi theo Mỹ”.

Ngoài ra, trước những khó khăn trong nội bộ, kinh tế giảm sút mạnh trong năm 2020 do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và quan hệ đối ngoại Trung Quốc gặp khó khăn (khi mâu thuẫn với Ấn Độ, Úc ngày càng gay gắt lại bị các nước Châu Âu xa lánh và sáng kiến “vành đai con đường” vấp phái sự chỉ trích mạnh mẽ), giới cầm quyền Bắc Kinh gia tăng các hoạt động hung hăng ở Biển Đông nhằm hướng dư luận ra bên ngoài để giảm bớt những mâu thuẫn bất bình trong nước. Đây là cách thức mà Bắc Kinh thường sử dụng bấy lâu nay.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn những tranh cãi, không loại trừ khả năng Bắc Kinh lợi dụng việc Mỹ bận rộn với những công việc nội bộ trong quá trình chuyển giao quyền lực để đẩy mạnh các hành động gây hấn, bắt nạt mới với các nước láng giềng trong thời gian tới để đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới