Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaCách đào tạo cán bộ của TQ

Cách đào tạo cán bộ của TQ

Trong số các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc hiện nay, nhân vật Lục Hạo giới thiệu dưới đây có một quá trình trưởng thành rất đặc biệt, tiêu biểu cho lớp người lớn lên sau cải cách mở cửa.

Ảnh minh họa

Đó là lớp người có thực tài, có ý chí phấn đấu vì dân vì nước, trên thực tế đã trải qua các cương vị lãnh đạo ở nhiều cấp từ thấp lên cao,  có những cống hiến cụ thể trong công tác. Họ được dư luận quan tâm, đồng thời được lãnh đạo cấp cao chú ý sử dụng, đào tạo thành lớp cán bộ lãnh đạo kế tiếp.

Lục Hạo (陆昊 Lu Hao) người gốc Thượng Hải, sinh tháng 6 năm 1967 tại Tây An. Ngay từ thủa còn học trung học, anh đã có chí phấn đấu vươn lên trở thành lớp người đi đầu trong mọi công việc. Lên phổ thông cấp III (Cao trung), Hạo chọn phân ban văn, đi sâu vào văn, sử, chính trị học, đồng thời phấn đấu gương mẫu học tập và công tác đoàn thể. Năm 18 tuổi, Lục Hạo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, là đảng viên-học sinh phổ thông duy nhất, cũnglà Ủy viên thành ủy Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (TNCSTQ) duy nhất đang học phổ thông của thành phố Tây An hồi bấy giờ.

Tốt nghiệp Trung học xuất sắc, Lục Hạo được vào thẳng Học viện Quản lý kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh. Nhờ gương mẫu học tập và công tác mà hai năm sau, chàng trai 20 tuổi này được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bắc Kinh. Anh học giỏi, được thầy giáo là nhà lý luận kinh tế nổi tiếng Lệ Dĩ Ninh tín nhiệm giao cho nhiệm vụ biên soạn một tập trong bộ sách “Bình luận về các nhà kinh tế đương đại của Trung Quốc”.

Ra trường, Lục Hạo được phân công về làm trợ lý giám đốc nhà máy Len dạ Bắc Kinh, nơi có 5.000 công nhân. Anh vừa công tác vừa học tại chức, lấy được bằng Thạc sĩ Quản lý kinh doanh. Sau đó anh được cử làm Phó Giám đốc, rồi ở tuổi 28 (1995) trở thành Giám đốc Nhà máy này.

Sau 3 năm dưới quyền lãnh đạo của vị Giám đốc trẻ nhất Thủ đô, nhà máy Len dạ Bắc Kinh chuyển từ kinh doanh thua lỗ sang có lãi. Hai năm liền Lục Hạo được bầu là Giám đốc ưu tú ngành dệt Trung Quốc, có tên trong danh sách Mười thanh niên kiệt xuất khóa X của thành phố Bắc Kinh, được gọi là “Lá cờ đầu tuổi trẻ các xí nghiệp quốc doanh”.

Ngày ấy báo đài Bắc Kinh sôi nổi bàn thảo về “Hiện tượng Lục Hạo”, một nhân vật xuất chúng giỏi cả lý luận và thực tiễn. Sau mấy năm lãnh đạo nhà máy Len dạ Bắc Kinh, anh viết bài báo khoa học “Hiệu ích kinh tế với sự sống và chết của xí nghiệp quốc doanh”, đề xuất biện pháp mới đánh giá công tác kế toán xí nghiệp và kiến nghị giải quyết nợ của xí nghiệp. Bài báo này từng gây tranh cãi lớn trong giới kinh tế Trung Quốc. Cuối cùng các kiến nghị của Lục Hạo đượcỦy ban kinh tế thương mại Nhà nước chấp nhận.

Năm 1999, Lục Hạo 32 tuổi được cử làm Giám đốc Ban Quản lý Khu Khoa học công nghệ cao Trung Quan Thôn (Bắc Kinh), nơi được gọi là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, tập trung nhiều công ty nghiên cứu công nghệ cao hàng đầu. Tại Khu Khoa học công nghệ lớn nhất Trung Quốc này, tài năng sáng tạo và lãnh đạo của anh được dịp phát huy hơn bao giờ hết; đồng thời tầm mắt của anh cũng được mở rộng ra quốc tế. Dưới sự chỉ đạo sáng tạo, mạnh dạn của Lục Hạo, các công ty công nghệ cao Trung Quốc ở Trung Quan Thôn có được những điều kiện thuận lợi để triển khai nghiên cứu ứng dụng, mang lại nhiều thành quả cụ thể đưa khoa học công nghệ Trung Quốc dần dần tiến lên theo kịp trình độ tiên tiến thế giới.

Đầu năm 2003, Lục Hạo mới 35 tuổi được đại hội Hội đồng nhân dân Bắc Kinh nhất trí bầu làm Phó Chủ tịch [nguyên văn: Phó Thị trưởng] thành phố Bắc Kinh, phụ trách công nghiệp và thương mại. Dư luận lại được một phen bàn thảo sôi nổi về đường lối đào tạo đề bạt cán bộ trẻ của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đó là những cán bộ có lý tưởng và niềm tin kiên định, có bản lĩnh, có kinh nghiệm công tác ở cơ sở, từ quần chúng đi lên; có trình độ lý luận và trình độ chuyên môn của thời đại; có tư duy sáng tạo, tầm mắt quốc tế, thích ứng với nhu cầu cạnh tranh trên thế giới.

Năm 2008, ở tuổi 41, Lục Hạo được cử làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc (TNCSTQ), một chức vụ tương đương Bộ trưởng trong chính phủ. Dư luận gọi ông là Cán bộ lãnh đạo cấp bộ trưởng loại trẻ nhất ở nước này.

Sau 5 năm (4/2008~3/2013) lãnh đạo hơn 75 triệu đoàn viên TNCSTQ, Lục Hạo được bổ nhiệm làm Chủ tịch [nguyên văn: Tỉnh trưởng] tỉnh Hắc Long Giang, là Chủ tịch tỉnh trẻ nhất đương thời (46 tuổi). Tháng 3/2018, ở tuổi 51, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên tự nhiên trong Chính phủ Trung Quốc, là Bộ trưởng trẻ nhất trong Chính phủTrung Quốc lúc đó.

Lục Hạo ngay từ thời trẻ đã có một bề dày công tác đáng nể, ở cương vị nào cũng tỏ ra xuất sắc, nhạy bén đổi mới, theo kịp nhu cầu thời đại. Trình độ chuyên môn trên đại học chuyên ngành khoa học nhân văn xã hội, có kinh nghiệm công tác cơ sở, công tác có thành tích tốt, luôn sáng tạo đổi mới và luôn lập kỷ lục “trẻ nhất” trong mọi chức vụ – lý lịch trưởng thành của Lục Hạo phản ánh xu thế và tiêu chuẩn lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo dự bị mà Đảng CSTQ đang tiến hành.

RELATED ARTICLES

Tin mới