Hà Bắc đang là địa phương trọng điểm về phòng chống dịch Covid-19 trước Tết nguyên đán tại Trung Quốc khi mỗi ngày tỉnh này ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm mới.
Hà Bắc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn dân.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát Covid-19 hiện nay của Trung Quốc, tỉnh Hà Bắc dường như đang trải qua câu chuyện của tỉnh Hồ Bắc khi dịch bệnh lần đầu xuất hiện vào cuối năm 2019.
Sáng ngày 9/1/2021, ông Hàn (66 tuổi, cựu Phó Giám đốc Công an huyện), thường trú tại khu Văn Hoa Uyển, huyện Cao Ấp, thành phố Thạch Gia Trang, Hà Bắc, đã vi phạm các quy định liên quan về phòng chống dịch, không chấp hành sự hướng dẫn và xúc phạm nhân viên phòng chống dịch đã gây bức xúc dư luận.
Ngày hôm sau, quận Cao Ấp ra thông báo cho biết, cơ quan công an đã tạm giữ hành chính đối với Hàn trong 5 ngày, và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật huyện đã quyết định cảnh cáo nghiêm khắc đối với ông này trong nội bộ đảng. Hàn sau đó cũng đã xin lỗi các nhân viên phòng chống dịch đang làm nhiệm vụ.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra sau khi ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được xác nhận tại tỉnh Hà Bắc từ ngày 2/1/2021.
Theo báo cáo mới nhất trong cuộc họp báo sáng 10/1 tại tỉnh Hà Bắc, từ 00h00 đến 10h00 cùng ngày, 40 ca nhiễm mới đều được xác nhận ở Thạch Gia Trang. Hà Bắc hiện ghi nhận khoảng 640 ca nhiễm.
Theo Giám đốc Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Hà Bắc kiêm chuyên gia dịch tễ học Sư Giám trong cuộc họp báo ngày 10/1, dựa trên thời điểm xuất hiện của ca bệnh sớm, ước tính ban đầu “bệnh nhân số 0” xuất hiện trước ngày 15/12. Nói cách khác, dịch bệnh ở tỉnh Hà Bắc cần phải lùi nửa tháng trước nữa kể từ trường hợp đầu tiên được xác nhận vào ngày 2/1.
Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, một số hỗn loạn trong công tác phòng chống dịch tại tỉnh Hà Bắc còn được thể hiện qua hoạt động công bố thông tin dịch. Ví dụ, khi thông báo lần lượt 1 ca và 13 ca nhiễm tại địa phương vào ngày 2/1 và ngày 3/1, Ủy ban Y tế tỉnh không cho biết nơi cư trú của bệnh nhân. Cuộc họp báo ngày 5/1 thậm chí được gọi là một “thảm họa”. Cuộc họp đã được dự đoán từ trước và thu hút hơn hàng chục triệu sự chú ý nhưng nó đã khai mạc sau nhiều tiếng đồng hồ bị trì hoãn cùng những thông tin lấy lệ trong cuộc họp.
Một số nhà phân tích cho rằng, do Hà Bắc chưa thực sự phát triển như nhiều tỉnh thành khác, đợt dịch bệnh lần này lại xuất hiện ở vùng nông thôn trong khi công tác phòng chống dịch ở vùng nông thôn không hoàn thiện như ở các thành phố lớn như Bắc Kinh nên tiến độ phát hiện, thống kê, phòng chống chắc chắn sẽ bị chậm trễ.
Ngoài ra, hệ thống lãnh đạo của tỉnh Hà Bắc trong việc ứng phó dịch bệnh cũng gây ra sự khó hiểu.
Theo báo cáo chính thức của tỉnh Hà Bắc, tiểu tổ lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh của tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến lần đầu vào tối 9/1: “Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tổ trưởng tiểu tổ lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh tỉnh, ông Vương Đông Phong tham dự và phát biểu tại hội nghị. Chủ tịch tỉnh kiêm Tổ trưởng tiểu tổ lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh Hứa Cần chủ trì cuộc họp”.
Đa chiều nhận định, điều này có nghĩa là có hai lãnh đạo trong tiểu tổ lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh của tỉnh Hà Bắc, gồm Bí thư tỉnh ủy Vương Đông Phong và Chủ tịch tỉnh Hứa Cần, đây được coi là mô hình “nhị long trị thủy” (ý chỉ hai lãnh đạo cùng giữ một vị trí xử lý công việc).
Tuy nhiên, mô hình “nhị long trị thủy” này ở tỉnh Hà Bắc không phải là trường hợp cá biệt. Ví dụ, vào ngày 9//1, tỉnh Phúc Kiến cũng tổ chức hội nghị tiểu tổ lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh. Trong đó, Bí thư tỉnh ủy Doãn Lực và Chủ tịch tỉnh Vương Ninh đều được bổ nhiệm là Tổ trưởng tiểu tổ lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh tỉnh.
Tuy nhiên mô hình này đang dấy lên thắc mắc về hiệu quả công việc cũng như lo lắng việc liệu cơ cấu này có dẫn đến nhiều mệnh lệnh và hỗn loạn chỉ huy hay không.