Trung Quốc hiện đại hóa nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải, nhằm thực hiện kế hoạch đóng các tàu sân bay nặng 100.000 tấn Type 003 năm 2025.
Trung Quốc mở rộng nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải.
Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải đang hoàn thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc thuộc dự án 002. Con tàu có lượng choán nước 85.000 tấn. Hệ thống máy phóng điện từ trên tàu sân bay này tương đương với các tàu sân bay mới nhất của Mỹ như USS Gerald Ford.
Sau khi hoàn thành, nhà máy đóng tàu sẽ bắt đầu chương trình hiện đại hóa kéo dài 3 năm, bao gồm việc thành lập một trung tâm thiết kế mới và mở rộng các khu vực đóng tàu.
Theo Military Watch, việc hiện đại hóa nhà máy đóng tàu Giang Nam có liên quan đến kế hoạch đóng các tàu sân bay nặng 100.000 tấn của Trung Quốc là Type 003 vào năm 2025.
Không giống các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ, tàu Type 002 của Trung Quốc trang bị nhà máy điện phi hạt nhân. Khả năng di chuyển của nó có thể bao phủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, tàu nguyên tử Type 003 có lượng choán nước hơn 100.000 tấn (tàu sân bay của Mỹ chỉ có lượng giãn nước 90.000-98.000 tấn), được thiết kế để tác chiến toàn cầu, di chuyển đến khu vực ở xa bờ biển Trung Quốc.
Bắc Kinh đồng thời lên kế hoạch phát triển một máy bay vận tải, tương tự như C-2 Grayhound của Mỹ, nhằm phục vụ nhiệm vụ vận tải hàng hóa cùng với tàu sân bay mới này.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ trang bị cho tàu sân bay lớn nhất thế giới này nhiều loại máy bay đa nhiệm. Trong đó có máy bay chiến đấu hạng nặng J-15B, máy bay cảnh báo sớm KJ-600 AWACS và phiên bản máy bay không người lái GJ-11 dành cho tàu sân bay.
Kế hoạch đến năm 2025, Hải quân Trung Quốc sẽ có 7 tàu chở máy bay, bao gồm 3 tàu sân bay thuộc Dự án 001, 001A, 002 và 4 tàu đổ bộ có khả năng tiếp nhận trực thăng và máy bay hạ cánh thẳng đứng.
Hiện các nhà máy đóng tàu Trung Quốc có thể hạ thủy 8-10 tàu khu trục mỗi năm. Trong số đó có các tàu thuộc dự án Type 055. Để hoàn thành kế hoạch trên, Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa các nhà máy chế tạo và tăng tốc độ đóng tàu nội địa.