Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaCâu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn...

Câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn TQ

Ở vùng nông thôn Trung Quốc, các bậc cha mẹ thường phải đưa ra quyết định sống xa con cái để lên thành phố làm việc – ngay cả những người từng là những đứa trẻ bị bỏ rơi trong quá khứ.

Những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau của Trung Quốc hầu như cả năm không được gặp cha mẹ.

Fang Tiantian vẫn không thể quên nỗi đau ngày nhỏ khi cha mẹ cô gói ghém đồ đạc và bỏ cô lại ngôi làng nhỏ ở Tây Nam, Trung Quốc.

Đến năm 30 tuổi, cô mới hiểu tại sao bố mẹ cô lại phải làm vậy. Vào đầu những năm 90, quê hương cô ở tỉnh Quý Châu rất nghèo và con đường thoát nghèo duy nhất dường như là tìm việc ở các thành phố lớn.

Nhưng những tổn thương mà Fang trải qua thì không thể xóa nhòa. Sống với ông bà ngoại già yếu, cô hầu như phải tự chăm sóc mình. Cô trở nên ít nói và thu mình, cô biết rằng mình không thể dựa vào bất kỳ ai khác.

Cô nói: “Lần đầu tiên có kinh nguyệt, tôi nghĩ mình sắp chết”.

Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, Fang lại dẫm vào bước chân của cha mẹ cô. Ngay sau khi sinh con, cô và chồng quay trở lại làm việc ở Thượng Hải – để đứa con gái nhỏ ở lại Quý Châu cách Thượng Hải hơn 2.000 km.

Đó là một mô hình đang lặp lại trên khắp các vùng quê Trung Quốc. Nhiều thập kỷ sau khi làn sóng di cư ồ ạt đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 90, các rào cản kinh tế và chính sách khiến người lao động nhập cư không thể mang theo con cái cùng đến các thành phố lớn.

Kết quả là, hàng triệu cha mẹ, con cái của người lao động nhập cư phải sống xa nhau. Xu hướng này đang tạo ra một thế hệ thứ hai của những đứa trẻ bị bỏ rơi; các chuyên gia lo ngại sự xa cách khi còn nhỏ sẽ lưu lại vết sẹo tình cảm lâu dài.

Mặc dù số lượng trẻ em bị bỏ rơi lại nông thôn đã giảm trong những năm gần đây, nhưng con số này vẫn còn rất lớn. Theo thống kê, tính đến tháng 8/2018, có dưới 7 triệu trẻ vị thành niên đang sống ở một thành phố khác với cả cha và mẹ. Tuy nhiên, thực tế, phải có đến thêm hàng triệu, hàng chục triệu, nhiều hơn nữa trẻ em không sống cùng cha hoặc mẹ.

Lü Lidan, trợ lý giáo sư về nhân khẩu học tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc, cho biết những đứa trẻ bị bỏ lại là một nhóm lớn và điều này có khả năng tồn tại lâu dài.

Đối với nhiều lao động nhập cư, hệ thống đăng ký hộ khẩu của Trung Quốc vẫn là một trở ngại không thể vượt qua và nó ngăn cản họ đưa gia đình cùng chuyển đến thành phố. Mặc dù người Trung Quốc ở nông thôn có quyền tự do chuyển đến các khu vực thành thị, nhưng họ lại không thể có được thẻ thường trú. Điều này hạn chế quyền tiếp cận một loạt các dịch vụ công quan trọng – bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Do đó, với mức lương ở tầng lớp lao động thấp và chi phí sinh hoạt đắt đỏ, người lao động nhập cư khó có thể nuôi sống cả gia đình ở thành phố.

“Họ không đủ nguồn lực tài chính và nhà ở trong thành phố, vì vậy con cái của họ phải ở nhà. Những người gắng gượng mưu sinh tại thành phố cuối cùng chỉ là người nghèo thành thị.”

Ở một số vùng, gia đình ly tán đã trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống.

Fang mô tả cuộc sống của cô ấy là “điển hình” của một đứa trẻ đến từ vùng Quý Châu. Sau khi bỏ học sớm, cô chuyển đến Thượng Hải năm 16 tuổi để làm việc tại một thẩm mỹ viện. Cô trở về quê hương lúc 20 tuổi để kết hôn và sinh con, nhưng sau đó, cả cô và chồng lại phải bỏ lại con gái vừa tròn 2 tuổi cho ông bà chăm sóc.

Vào thời điểm đó, Fang không bao giờ nghĩ nhiều đến việc ở cùng con ở Quý Châu. Bất chấp tuổi thơ bất hạnh của mình, cô cảm thấy việc rời khỏi quê đi làm ở thành phố là điều bình thường mà mọi người vẫn làm.

Fang nói: “Hầu hết mọi người làm trong thẩm mỹ viện đều được ông bà nuôi dưỡng khi còn nhỏ. Bây giờ, cha mẹ chúng tôi ở quê lại tiếp tục chăm sóc con cái cho chúng tôi.”

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng – cho dù những đứa trẻ bị bỏ lại có thể nhận thức hoàn cảnh của mình bình thường đến đâu thì chúng đều có khả năng bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trạng thái cảm xúc của những đứa trẻ bị bỏ lại tiêu cực hơn đáng kể so với những đứa trẻ khác và chúng cảm thấy khó giao tiếp. Nhiều người thậm chí còn sinh ra cảm giác oán hận sâu sắc đối với cha mẹ khi 10% mô tả cha mẹ của chúng là “đã chết”.

Đối với Fang, hồi chuông cảnh tỉnh đến vào năm 2015 khi cô nhìn thấy tin tức 4 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại vùng nông thôn Quý Châu đã tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu. Cô nói, sự việc của những đứa trẻ mới từ 5 đến 13 tuổi ở vùng quê nghèo khó khiến cô đau đớn hơn.

Fang nói: “Tôi không thể giữ được bình tĩnh. Những đứa trẻ phải tuyệt vọng đến mức nào khi nói rằng cái chết là giấc mơ của chúng trong nhiều năm?” Ngay tối hôm đó, Fang đã gọi cho con gái mình ngay sau khi cô làm việc xong để kiểm tra xem con có ổn không.

Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho rất nhiều người và gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn quốc. Hoàn cảnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi còn được đưa lên chương trình nghị sự chính trị của Trung Quốc. Vào đầu năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu “giảm đáng kể ” số trẻ em bị bỏ lại vào năm 2020.

Trong những năm tiếp theo, chính quyền Trung Quốc đã thông qua một loạt cải cách nhằm khuyến khích các gia đình nông thôn sống cùng nhau. Chiến lược tái nông thôn đã cố gắng để tạo ra công ăn việc làm ở nông thôn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người di cư có nhu cầu chuyển nhà.

Chính phủ thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với hệ thống sổ hộ khẩu, yêu cầu các thành phố có dân số từ 1 triệu đến 3 triệu người cho phép người lao động nhập cư đăng ký làm thẻ thường trú. Các thành phố lớn hơn, đặc biệt là các siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải, vẫn duy trì các rào cản đối với việc đăng ký sổ hộ khẩu, tuy nhiên, họ sẽ tạo điều kiện cho trẻ em có cha mẹ nhập cư đến trường dễ dàng hơn.

Những nỗ lực này đã đạt ra một số thành công nhất định. Năm 2019, ước tính có khoảng 8,5 triệu lao động nhập cư đã trở về quê hương làm ăn, lớn hơn nhiều so với con số 2,4 triệu vào năm 2015. Nhiều người lựa chọn quay trở lại các thành phố nhỏ ở tỉnh, và các chủ lao động có xu hướng chuyển công việc kinh doanh từ các vùng ven biển của Trung Quốc đến các tỉnh miền Trung và miền Tây có chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Do sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển giữa các khu vực của Trung Quốc – chẳng hạn như GDP bình quân đầu người của Thượng Hải cao gấp 3 lần so với Quý Châu – người di cư thường khá miễn cưỡng trở về quê hương.

Người lao động nhập cư còn gặp nhiều thách thức trong việc nuôi dạy con cái. Mặc dù nhiều bậc cha mẹ rất cố gắng làm việc, nhưng họ thường buộc phải gửi con về quê khi chúng học xong tiểu học do tình trạng thiếu suất học tại các trường trung học cơ sở công lập ở thành phố lớn.

Mỗi năm, khoảng 70.000 học sinh trung học cơ sở rời các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến để trở về vùng nông thôn Trung Quốc. Những “trẻ em bị trả lại” này hiện chiếm hơn 20% học sinh tại các trường nội trú nông thôn, nơi các em thường dễ bị lạm dụng và bắt nạt.

Trong khi đó, ở một số làng, ly tán gia đình vẫn là một điều bình thường. Liu Yue, hiệu trường một trường mẫu giáo nông thôn ở tỉnh Hà Nam ước tính rằng 70 trong số khoảng 100 học sinh của cô là trẻ em bị bỏ rơi.

Mặc dù chồng của Liu và nhiều người hàng xóm đã rời quê đi làm nhưng cô gái 27 tuổi vẫn chưa tính đến chuyện rời đi. Từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, cô ấy nói rằng cô ấy không bao giờ có thể rời xa đứa con gái 2 tuổi của mình.

“Một nửa bạn bè của tôi lựa chọn không bỏ lại con cái của họ, bởi vì chúng tôi đều biết cảm giác sống xa bố mẹ đau khổ thế nào. Chúng tôi không muốn con mình trải qua những điều tương tự,” Liu chia sẻ.

Khi còn nhỏ, Liu chỉ gặp cha mình một lần mỗi năm, và cô nhớ như in cảm giác phấn khích xen lẫn rụt rè khi cha trở về trong những chuyến thăm nhà ngắn ngủi.

Liu nói: “Vào ngày đầu tiên, tôi chỉ dám đứng từ xa nhìn ông ấy từ xa. Đến ngày thứ hai tôi mới đủ can đảm để gọi một tiếng bố.”

Liu tin rằng sự vắng mặt dài ngày của cha đã tạo nên cảm giác bất an mà cô thường cảm thấy. “Tôi sợ phải chấp nhận rủi ro. Tôi cảm thấy sẽ không ai đỡ tôi nếu tôi ngã.”

Liu nói rằng cô ấy có thể dễ dàng biết được những học sinh mới đến có cha mẹ ở nhà hay không. Giống như cô, những đứa trẻ bị bỏ rơi thường thiếu tự tin, nhưng rất kiên cường và tự chủ.

“Nếu bị ngã, những đứa trẻ sẽ không khóc. Chúng sẽ tự đứng dậy, phủi bụi bẩn trên quần áo và tiếp tục đi. Chúng khiến tôi nhớ lại bản thân mình khi tôi còn nhỏ”.

Cô cũng cố gắng hết sức để mang đến sự hỗ trợ tinh thần cho những đứa trẻ này khi cần thiết. Bởi vì thiếu vắng cảm giác thân mật từ bố mẹ, những đứa trẻ thường rất háo hức được ôm và dành thời gian cùng giáo viên.

“Tôi hiểu rằng những đứa trẻ bị bỏ rơi cần được giao tiếp và tiếp xúc nhiều hơn, vì vậy tôi cố gắng dành cho chúng nhiều cái ôm hơn mỗi ngày.”

Công nghệ hiện đại đã giúp các bậc cha mẹ giữ liên lạc với con cái của họ dễ dàng hơn, ngay cả khi họ sống cách xa hơn 1.000 km. Cô Liu chụp rất nhiều ảnh của học sinh trong giờ học, chia sẻ với phụ huynh của bọn trẻ thông qua ứng dụng xã hội WeChat vào mỗi thứ Sáu.

Do đó, với cô Liu, thế hệ thứ hai của những đứa trẻ bị bỏ rơi có mối quan hệ thân thiết với cha mẹ hơn nhiều so với thế hệ của cô.

“Các bậc cha mẹ liên tục mua đồ cho con cái họ qua mạng và giao hàng đến tận làng, và họ cũng có thể trò chuyện video gần như mỗi ngày nếu họ muốn. Không giống như thời chúng tôi. Tôi thậm chí hiếm khi có thể nghe thấy giọng nói của cha tôi hồi đó.”

Tuy nhiên, không nhiều người lạc quan như cô Liu. Theo Jiang Nengjie, một nhà làm phim 35 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam, xét theo khía cạnh khác, những đứa trẻ bị bỏ rơi bây giờ còn khó khăn hơn so với khi anh còn nhỏ.

Khi Jiang sinh ra vào cuối những năm 80, các nhà máy của Trung Quốc vẫn chưa thực sự bùng nổ. Mãi đến năm 1995, mẹ anh mới quyết định rời làng. Bà tìm được một công việc tại nhà máy ở Quảng Châu, cách đó khoảng 600 km, sau đó vài năm, cha Jiang cũng đến Guảng Châu cùng mẹ.

Jiang nói: “Khi mẹ tôi rời đi, tôi cũng lên 10 tuổi rồi. Lúc đó, mối quan hệ của tôi cùng bố mẹ khá sâu đậm. Nhưng những đứa trẻ tôi quay phim bây giờ, cha mẹ chúng đã bỏ đi trước khi chúng tròn 1 tuổi.”

Trong những năm gần đây, Jiang đã ghi lại cuộc sống của hàng chục gia đình trong làng quê của mình. Không giống như Liu, anh không tìm thấy bằng chứng cho thấy những đứa trẻ bị bỏ lại ở làng quê ít có khả năng bỏ rơi con cái sau khi chúng trở thành cha mẹ.

Jiang nói: “Những bậc cha mẹ ngay nay vẫn không quan tâm đến con cái của họ. Họ nghĩ rằng chỉ cần bọn trẻ có đủ cơm ăn, áo mặc là tốt rồi.”

Tuy nhiên, Jiang không đồng tình với ý nghĩ như vậy. Khi còn là một đứa trẻ, anh và các anh chị em luôn cảm thấy mất mát khi biết bất cứ khi nào mẹ anh sẽ phải trở lại Quảng Châu, và gần 12 tháng nữa, họ mới được gặp lại nhau.

“Mỗi lần, chúng tôi ăn sáng cùng nhau ở nhà, và không ai nói chuyện trong bữa ăn đó. Sau đó, chúng tôi đứng ở cửa, nhìn bà ấy rời đi mà không nói một lời nào. Tôi sẽ không bao giờ bỏ lại các con của mình,” Jiang nói.

Ở Thượng Hải, Fang và chồng cô đã tự vấn lương tâm rất nhiều trong vài năm qua. Cô làm việc từ 10 giờ sáng đến 11 giờ đêm, sáu ngày mỗi tuần, do đó, cô có rất ít thời gian gọi điện cho con gái. Họ chỉ gặp nhau mỗi năm một lần, khi thẩm mỹ viện cho Fang nghỉ lễ 10 ngày trong dịp Tết Nguyên đán.

Fang nói: “Mỗi lần quay lại, tôi cảm thấy con gái của mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, nhưng chúng tôi ngày càng càng ít giao tiếp hơn”.

Sau dịch bệnh, Fang nhận ra mình cần phải thay đổi. Khi Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa đầu năm ngoái, cuối cùng cô ấy đã dành hơn hai tháng cho con gái.

Trong khoảng thời gian này, người mẹ đau lòng khi thấy đứa con 9 tuổi của mình lấy trộm tiền của ông bà nội rồi nói dối về hành vi trộm cắp. Cô cũng nhận ra con gái mình chưa bao giờ được dạy nói không với người lạ.

Bên cạnh đó, Fang cũng nhận thấy rằng một số người làng đã chuyển về quê và kiếm sống bằng việc bán nông sản thông qua các nền tảng phát trực tuyến như Alibaba. Sau khi nói chuyện nghiêm túc với chồng, cả hai đồng ý mùa xuân năm sau, họ sẽ cùng nhau trở về Quý Châu.

“Trước đây, bố mẹ tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm việc ở thành phố. Nhưng bây giờ chúng tôi có nhiều cách để kiếm tiền mà không phải rời đi. Vậy tại sao tôi phải bỏ lại con gái mình?”

RELATED ARTICLES

Tin mới