Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaTQ sẽ là đối thủ của Nga về xuất khẩu vũ khí

TQ sẽ là đối thủ của Nga về xuất khẩu vũ khí

Trung Quốc đã chuyển từ vị thế khách hàng sang đối thủ vượt mặt Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, không chỉ về số lượng vũ khí được sản xuất.

Một chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố vào tháng 12.2020, Trung Quốc vượt mặt Nga, trở thành nhà sản xuất vũ khí số 2 thế giới trong giai đoạn từ năm 2015-2019. Trong khi Mỹ vẫn giữ vị trí số 1.

Dữ liệu của SIPRI cho thấy 4 trong số 25 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu năm 2019 là của Trung Quốc. Bộ tứ này chiếm 16% tổng doanh số bán vũ khí toàn cầu và kiếm được 56,7 tỉ USD. Trong khi đó, chỉ có 2 công ty Nga lọt vào top 25, chiếm dưới 4% tổng số và doanh thu đạt 13,9 tỉ USD.

Một số quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga và các nhà phân tích cho rằng báo cáo của SIPRI không chính xác vì Trung Quốc không luôn giữ kín thông tin, theo chuyên san Asian Nikkei Review.

Dù vậy, một số chuyên gia Nga vẫn thừa nhận Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển từ khách hàng lâu năm sang đối thủ vượt mặt Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Ông Vadim Kozyulin, Giám đốc Dự án An ninh Châu Á của Trung tâm PIR ở thủ đô Moscow, nhận xét Trung Quốc đã vượt mặt Nga về công nghệ máy bay không người lái, một số loại tàu chiến và có thể cả tên lửa siêu thanh.

Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc chủ yếu dựa vào vũ khí Nga để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, điều này dần dần thay đổi khi Trung Quốc tăng cường chi tiêu quốc phòng và xây dựng nền công nghiệp quốc phòng nội địa.

Gần đây, Trung Quốc trình làng chiến đấu cơ nội địa được trang bị động cơ sản xuất trong nước thay vì động cơ Nga như lâu nay. Tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng việc Trung Quốc quyết định thay thế động cơ của máy bay tiêm kích J-20 cho thấy nước này nhanh chóng thu hẹp khoảng cách quân sự với Nga.

Trong khi đó, một số khí tài mới nhất của Trung Quốc như chiến đấu cơ J-11 và tên lửa đất đối không HQ-9 lại có thiết kế trong giống với các phiên bản mua từ Nga. Hồi tháng 12.2019, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Rostec đã công khai cáo buộc Trung Quốc “sao chép bất hợp pháp” một loạt công nghệ vũ khí của Nga trong suốt gần 2 thập kỷ.

Bất chấp những lo ngại này, hoạt động buôn bán vũ khí giữa hai nước vẫn tiếp diễn. Từ năm 2014-2015, Moscow đã đồng ý cung cấp cho Bắc Kinh 6 hệ thống phòng không S-400 và 24 chiến đấu cơ Su-35. Hiện vẫn chưa không rõ Trung Quốc sẽ cần vũ khí Nga đến bao giờ vì chỉ trong vòng 20 năm qua, Bắc Kinh đáp ứng hầu hết các nhu cầu quân sự trong nước, cùng lúc xuất khẩu.

Chuyên gia Kozyulin cảnh báo Nga đang tụt hậu trong các công nghệ mới nổi quan trọng như Trí tuệ Nhân tạo (AI) phục vụ mục đích quân sự. “Nếu không đầu tư mạnh vào công nhệ mới thì ngành công nghiệp quốc phòng Nga có nguy cơ khó theo kịp Trung Quốc và Mỹ”, theo ông Kozyulin.

Chuyên gia Siemon Wezeman của SIPRI dự báo: “Về lâu dài, Trung Quốc có khả năng loại các nhà sản xuất vũ khí Nga ra khỏi những thị trường truyền thống của họ ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh”. Ông Wezeman lưu ý Trung Quốc có vị thế tốt để cạnh tranh với Nga trên các thị trường này vì Bắc Kinh có thể kết hợp các hợp đồng vũ khí với giá cả thấp hơn cùng những thỏa thuận kinh tế hấp dẫn kèm theo.

RELATED ARTICLES

Tin mới