Tổng thống Joe Biden có thể vẫn duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như chính quyền tiền nhiệm.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu hai tàu chiến USS Bunker Hill (trái)
và USS John Finn của Mỹ trên Thái Bình Dương trong tháng này.
Các máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc đã “chạm trán” gần Đài Loan hôm 26/1. Trung Quốc thông báo tập trận quân sự, trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông.
Theo SCMP, những động thái trên cho thấy “đối đầu” quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn tiếp diễn dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Một chiếc EP-3E của Hải quân Mỹ và Y-8G của Trung Quốc, cả hai đều là máy bay trinh sát điện tử, đã bay song song nhau ở khu vực gần phía bắc Đài Loan hôm 26/1.
Cùng ngày, cơ quan hàng hải Trung Quốc thông báo một cuộc tập trận quân sự sẽ diễn ra ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ ngày 27-30/1.
Trung Quốc không tiết lộ thông tin chi tiết về cuộc tập trận, tuy nhiên thông báo được đưa ra trong bối cảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đang di chuyển tới gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Bãi cạn này là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trong nhiều năm qua.
Một nhà quan sát quân sự Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.
“Mỹ đã thực hiện một chiến dịch lớn ở gần Đài Loan và quân đội Trung Quốc phải để cho Mỹ biết rằng Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng”, nhà quan sát quân sự Trung Quốc nhận định.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông hôm 23/1 qua kênh Bashi nằm giữa Philippines và Đài Loan. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết động thái này nhằm thúc đẩy “tự do trên biển” và “xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy an ninh hàng hải”. Đây cũng là chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ ở Biển Đông kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20/1.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt được hộ tống bởi tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell và USS John Finn.
Theo Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông, một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh, ít nhất 7 máy bay quân sự của Mỹ đã tiến hành các hoạt động bay theo hành trình của tàu sân bay Theodore Roosevelt và đây là chiến dịch quy mô lớn hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Bảy máy bay của Mỹ bao gồm 4 máy bay tuần tra hàng hải đa nhiệm P-8A, một máy bay tác chiến điện tử và trinh sát EP-3E, một máy bay cảnh báo sớm chiến thuật E-2C và một máy bay vận tải C-2A.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng triển khai 13 máy bay quân sự tới rìa phía nam của eo biển Đài Loan, gồm một máy bay vận tải Y-8, 8 máy bay ném bom H-6K, 4 máy bay chiến đấu J-16. Trước đó, Trung Quốc chỉ đưa một máy bay vận tải Y-9 tuần tra khu vực này.
Giới phân tích cảnh báo nguy cơ xảy ra va chạm bất ngờ khi hàng loạt máy bay quân sự Mỹ – Trung hiện diện trong khu vực.
Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng Trung Quốc đang tìm cách “thăm dò và thử chính quyền Biden” đồng thời “đo mức độ giới hạn” tại những điểm nóng trong khu vực.
Chuyên gia Koh nhận định, các chính quyền mới của Mỹ đôi khi vẫn cứng rắn về vấn đề Biển Đông trong giai đoạn đầu khi mới nhận nhiệm sở. Một ví dụ là vụ va chạm giữa máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng, 3 tháng sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức.
Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng không thể kỳ vọng quân đội Mỹ và Trung Quốc thân thiện với nhau chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
“Ông Biden sẽ chủ yếu tập trung vào các vấn đề nội bộ của Mỹ. Ông Biden có thể không “mạnh tay” hơn ông Trump trong các vấn đề quân sự, nhưng có lẽ cũng không mềm mỏng hơn. Cả hai lực lượng quân sự đều cần duy trì lập trường cứng rắn, do vậy không có nhiều cơ hội để cải thiện mối quan hệ này”, chuyên gia Liu nhận định.