Theo tạp chí “Đa chiều” số tháng 1/2021, các chính trường địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi năm 2020 là năm trọng đại để cải tổ.
Ông Doãn Lực sẽ đảm nhận vị trí Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến |
Việc điều chỉnh các chức vụ lãnh đạo đã diễn ra dày đặc ở hàng chục tỉnh trong hai tuần cuối năm 2020. Theo thống kê, đã có tổng cộng 26 vị trí lãnh đạo đảng và chính quyền (bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng) ở 31 khu vực hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc có sự thay đổi trong gần một năm qua, chiếm gần 42%, trong đó có 9 tỉnh thay đổi cả quan chức đảng lẫn chính quyền.
Mặc dù thay đổi nhân sự bình thường không phải là chuyện lạ, nhưng việc điều chỉnh quan chức các địa phương trên quy mô lớn như vậy có thể khiến người ta hiểu theo ý khác: Việc bố trí nhân sự của ĐCSTQ cho Đại hội XX đang được đẩy nhanh.
Nhiều quan chức địa phương có cơ hội thăng chức
Để so sánh, trong năm 2018 và 2019, chỉ có 12 chức vụ lãnh đạo địa phương có sự thay đổi. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2020, có 26 vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của đảng và chính quyền ở các tỉnh địa phương của Trung Quốc có sự thay đổi, nhiều hơn gấp đôi so với hai năm qua. Nếu không có sự cố bất ngờ, cơ cấu nhân sự của các tỉnh, bộ và ủy ban này sẽ được giữ nguyên cho đến Đại hội XX năm 2022.
Logic chung của sự thay đổi nhân sự nói trên vẫn là đến tuổi nghỉ hưu và thay cũ đổi mới, những người bị miễn nhiệm đều đã đến tuổi nghỉ hưu, còn những người được thăng chức đều là những người vẫn còn đủ tuổi bổ nhiệm và có đủ điều kiện sức khỏe. Nhưng một điểm quan trọng hơn là trong những thay đổi nhân sự nói trên, nhất là đối với chức vụ bí thư đảng ủy địa phương hoặc “nhân vật quyền lực số 2” cấp tỉnh, thành phố ở các vùng trọng điểm chính trị như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh…, các quan chức được đề bạt đều là ủy viên Bộ Chính trị, những nhân vật có cơ hội được thăng chức và giành được ghế tại Đại hội XX.
Trong số những biến động nhân sự lãnh đạo địa phương trong năm 2020, phải kể tới Ứng Dũng, Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm Hồ Bắc, người đã đến Hồ Bắc “chữa cháy” khi dịch COVID-19 bùng phát. Ứng Dũng là người tỉnh Chiết Giang, sinh năm 1957, từng là Thị trưởng Thượng Hải. Khi ở Chiết Giang, ông từng có thời gian công tác với Tổng Bí thư Tập Cận Bình và được coi là một quan chức có năng lực điều hành tốt và tính cách cứng rắn. Năm 2007, ông được điều động đến Thượng Hải giữ chức Chánh án Tòa án cấp cao Thượng Hải trong 5 năm. Đây là giai đoạn đi xuống trong sự nghiệp chính trị của ông. Nhưng từ năm 2013, ông bắt đầu được thăng cấp nhanh, giữ chức ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức thành ủy Thượng Hải, 1 năm sau được thăng chức Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 2016, ông kiêm nhiệm làm Phó Thị trưởng thường trực Thượng Hải. Năm 2017, Ứng Dũng giữ chức Thị trưởng Thượng Hải, đến tháng 2/2020 được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc. Việc xoay chuyển một cách xuất sắc cục diện Hồ Bắc chắc chắn là điểm cộng cho sự nghiệp chính trị của Ứng Dũng trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu mới được bổ nhiệm Thầm Di Cầm, sinh năm 1959, là nữ Bí thư tỉnh ủy dân tộc thiểu số (dân tộc Bạch) duy nhất trên chính trường Trung Quốc cho đến nay. Bà có thời gian dài công tác ở Quý Châu, có danh tiếng và hình ảnh chính trị tốt. Trong thời gian ở Tỉnh ủy Quý Châu, Thầm Di Cầm đã lần lượt làm việc cùng với 5 đời bí thư tỉnh ủy, 3 người trong số họ đã trở thành các lãnh đạo đảng và nhà nước, bao gồm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư; Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Triệu Khắc Chí; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ. Là Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu, vùng trọng điểm chính trị của ĐCSTQ, Thầm Di Cầm trong tương lai có khả năng trở thành một trong những thành viên nữ của Bộ Chính trị. Nhiều ý kiến cho rằng bà rất có thể trở thành ứng cử viên kế nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Tôn Xuân Lan.
Cung Chính là người kế nhiệm Ứng Dũng làm Thị trưởng Thượng Hải vào tháng 3/2020. Trước đó, ông giữ chức Tỉnh trưởng Sơn Đông, một tỉnh có quy mô kinh tế lớn trong 3 năm. Ông cũng là Thị trưởng Thượng Hải đầu tiên được điều từ nơi khác trong 30 năm qua sau cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ. Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm Lý Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, từng giữ chức Tỉnh trưởng Chiết Giang và làm việc với Cung Chính ở Chiết Giang trong 5 năm. Đây được coi là lực đẩy chính khiến Cung Chính chuyển đến Thượng Hải. Trước khi đảm nhiệm chức vụ ở Sơn Đông, Cung Chính từng công tác 7 năm ở Chiết Giang, một vùng trọng điểm chính trị của Trung Quốc, và đã thiết lập được nhiều mối quan hệ với các quan chức ở địa phương này. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp sự nghiệp chính trị của ông phát triển. Cung Chính được đánh giá là người có tư duy nhìn xa trông rộng, thực tế, giỏi phát hiện và giải quyết vấn đề.
Trương Quốc Thanh, người trẻ tuổi nhất (sinh tháng 8/1964) trong số những “nhân vật quyền lực số 1” của các tỉnh địa phương, trở thành Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh vào tháng 8/2020. Trương Quốc Thanh xuất thân từ hệ thống công nghiệp quân sự, 43 tuổi đã giữ chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Trung Quốc (Norinco), được mệnh danh là “nguyên soái ngành công nghiệp vũ khí”. Trước khi được điều chuyển đến Liêu Ninh, Trương Quốc Thanh từng kinh qua vị trí thị trưởng ở hai thành phố trực thuộc Trung ương là Trùng Khánh và Thiên Tân. Xét về lý lịch, chắc chắn ông là một trong những người xuất sắc trong số các bí thư tỉnh ủy địa phương, có tiền đồ chính trị rất rộng mở.
“Phe Đông Nam thế hệ mới” xuất hiện
“Phe Đông Nam” có màu sắc đa dạng nhất trên chính trường Trung Quốc, từ lâu đã chiếm vị trí quan trọng trong ĐCSTQ. Đã 8 năm trôi qua kể từ Đại hội XVIII đến nay, mặc dù “phe Đông Nam” không có nhiều người từng trải, nhưng ba tỉnh, thành phố Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải vẫn đóng vai trò quan trọng trên bản đồ chính trường ĐCSTQ. Tại đây, “phe Đông Nam thế hệ mới” đã xuất hiện và được đào tạo, dự kiến sẽ trở thành lực lượng mạnh hơn trên chính trường trong và sau Đại hội XX.
Các vùng trọng điểm chính trị mới ở ven biển phía Đông Nam như Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải… sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, những gương mặt quan chức mới xuất thân từ Chiết Giang đã liên tiếp xuất hiện. Đầu tháng 12/2020, cùng với tin đồn Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam Lưu Tứ Quý nghỉ hưu vì lý do sức khỏe, tỉnh Hải Nam – cực Nam của Trung Quốc – đã xuất hiện hàng loạt biến động nhân sự. Phùng Phi, sinh tháng 12/1962, người vừa được luân chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, đã được bổ nhiệm làm quyền Tỉnh trưởng Hải Nam. Việc thăng chức của Phùng Phi có thể nói là trường hợp đặc biệt trong biến động nhân sự chính trị lần này. Trong chính trường địa phương Trung Quốc hiện nay, Phùng Phi hoàn toàn không thuộc nhóm quan chức trẻ tuổi, nhưng lại được coi là quan chức có tài nhưng thành đạt muộn. Trong 5 năm, từ cấp thứ trưởng, ông đã bước vào hàng ngũ quan chức cấp bộ trưởng, hơn nữa lại nắm quyền điều hành một tỉnh. Đây là thành tích ít ai đạt được.
Cách đây 5 năm, Phùng Phi được thăng chức từ Vụ trưởng Vụ Chính sách ngành nghề Bộ Công nghệ và Thông tin lên Thứ trưởng Bộ này, đứng vào hàng ngũ thứ trưởng khi 52 tuổi. Từ năm 1993 đến năm 2014, trước khi chuyển sang Bộ Công nghệ và Thông tin, Phùng Phi đã có 21 năm công tác tại Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc cơ quan chiến lược Trung Nam Hải của Quốc vụ viện. Ông từng nhiều lần tham gia nghiên cứu giai đoạn dự thảo Quy hoạch 5 năm. Chỉ sau 1 năm công tác trên cương vị Thứ trưởng Bộ Công nghệ và thông tin, Phùng Phi đã được điều chuyển đến Chiết Giang, giữ chức từ Phó Tỉnh trưởng đến Phó Tỉnh trưởng thường trực, rồi đến Tỉnh trưởng Hải Nam, vỏn vẹn trong thời gian 4 năm. Phùng Phi không thuộc “phe Đông Nam” theo nghĩa truyền thống, bởi suy cho cùng thời gian giữ chức của ông ở Chiết Giang cũng không quá 3-4 năm, nhưng giống như nhiều quan chức được thăng chức, kinh nghiệm của ông ở Chiết Giang là rất quan trọng.
So với Phùng Phi, Trịnh San Khiết (sinh tháng 11/1961), người đã thăng chức từ Phó Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Thành ủy Ninh Ba lên Tỉnh trưởng Chiết Giang vào tháng 9/2020, mang màu sắc “phe Đông Nam” rõ ràng hơn nhiều. Từ năm 1997 đến năm 2008, Trịnh San Khiết đều công tác ở Hạ Môn, từng bước thăng tiến một cách thuận lợi từ quận trưởng, đến Văn phòng chính quyền thành phố, rồi đến Ủy ban cải cách phát triển. Cũng trong thời gian đó, vào năm 1996, Tập Cận Bình đã lên chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến. Ngoài ra, Hà Lập Phong, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển, cũng từng có thời gian dài công tác ở Hạ Môn, và Trịnh San Khiết từng là cấp dưới của ông. Trịnh San Khiết có 7 năm công tác tại Ủy ban Cải cách phát triển, mãi đến tháng 2/2015 mới thăng chức từ Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển tỉnh Phúc Kiến lên Phó Tỉnh trưởng, nhưng chỉ nửa năm tại vị đã được triệu về Bắc Kinh giữ chức Phó Cục trưởng Cục năng lượng. Tháng 5/2017, Trịnh San Khiết từ Phó Cục trưởng Cục năng lượng đột ngột được điều động giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện, nhưng chỉ giữ chức vụ đó trong 7 tháng, rồi được luân chuyển về Chiết Giang trở thành người đứng đầu chính quyền địa phương. Trong vòng 5 năm, Trịnh San Khiết đã thăng tiến từ cấp thứ trưởng đến cấp bộ trưởng.
Liêu Quốc Huân (sinh tháng 2/1963) là một trong hai “nhân vật quyền lực số 1” người dân tộc thiểu số trong chính quyền cấp tỉnh không phải người địa phương hiếm có trên chính trường Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ông, giống như Quyền Tỉnh trưởng Cam Túc Nhậm Chấn Hạc (sinh tháng 2/1964) mới được thăng chức hồi tháng 12/2020, có khả năng thăng chức hơn nữa. Liêu Quốc Huân và Nhậm Chấn Hạc được coi là “song hùng của dân tộc Thổ Gia” và đều có kinh nghiệm công tác ở Chiết Giang. Liêu Quốc Huân tiến về phía Bắc vào tháng 9/2020, thăng chức từ Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp Thượng Hải lên Thị trưởng Thiên Tân. Trước đó, từ khi bước vào con đường quan lộ năm 1986 đến khi rời khỏi Quý Châu năm 2015, Liêu Quốc Huân đã trải qua 30 năm gian nan thử thách trên chính trường Quý Châu. Sau khi rời khỏi Quý Châu, Liêu Quốc Huân trước tiên chủ trì công tác tổ chức ở Chiết Giang, sau đó cuối năm 2016 chuyển sang Thượng Hải giữ chức Ủy viên thường vụ thành ủy, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Thượng Hải. Hai năm sau, ông được thăng chức, trở thành Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính pháp Thượng Hải. Nhậm Chấn Hạc trước khi trở thành quan chức địa phương cũng từng có hơn 2 năm kinh nghiệm ở Chiết Giang, trải qua các chức vụ Trưởng ban tổ chức và Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật tỉnh ủy Chiết Giang.
Là tỉnh trưởng trẻ nhất hiện nay, Tỉnh trưởng Thiểm Tây Triệu Nhất Đức (sinh tháng 2/1965) mang màu sắc “phe Đông Nam” rõ rệt. Ông là người Ôn Lĩnh, Chiết Giang, trước đó công tác ở tỉnh Chiết Giang, từng giữ các chức vụ Thị trưởng Ôn Châu, Bí thư thành ủy Cù Châu, tháng 6/2012 giữ chức Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Chiết Giang; tháng 9/2015 chuyển sang giữ chức Bí thư thành ủy Hàng Châu. Tháng 3/2018, ông rời Chiết Giang sang Hà Bắc giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy, đến tháng 7/2020 giữ chức Tỉnh trưởng Thiểm Tây. Trong thời gian Tập Cận Bình cầm quyền ở Thiểm Tây, Triệu Nhất Đức lần lượt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh đoàn Chiết Giang, Bí thư Tỉnh đoàn Chiết Giang, Phó Bí thư thành ủy Ôn Châu. Là một thành viên quan trọng của “phe Đông Nam”, hướng đi tiếp theo của Triệu Nhất Đức đáng được người ta kỳ vọng.