Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam lên tiếng về công hàm Biển Đông của Nhật Bản

Việt Nam lên tiếng về công hàm Biển Đông của Nhật Bản

Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN, sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.

Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.

Tại cuộc họp báo trực tuyến của Bộ Ngoại giao chiều 4/2, khi được đề nghị đưa ra bình luận về công hàm gần đây của Nhật Bản về Biển Đông, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam “hoan nghênh lập trường của các nước phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”.

“Lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau. Các dân tộc và cộng đồng quốc tế có lợi ích chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Theo đó, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm UNCLOS 1982 là thiết yếu”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố chung dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Với tinh thần đó, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có cả các nước đối tác của ASEAN, sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế và UNCLOS, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam luôn đóng góp “tích cực và có trách nhiệm” vào quá trình này.

Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông ngay đầu năm 2021 có diễn biến mới khi Nhật Bản gửi công hàm phản đối một công hàm của Trung Quốc về Biển Đông. Công hàm của Nhật Bản được gửi tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, đề ngày 19/1/2021 ghi rõ: “Nhật Bản, với tư cách một thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bác bỏ lập trường của Trung Quốc cho rằng “việc vẽ đường cơ sở phân chia lãnh hải do Trung Quốc thực hiện trên các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung”.

Công hàm này khẳng định “Tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo trên biển và trên không xung quanh và trên các thực thể biển được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, mà bản thân chúng không có lãnh hải và không phận, như những gì đã được tuyên bố trong Phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016 – phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc đối với tất cả các bên tranh chấp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới