Saturday, January 11, 2025

Quà của Paris?

Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp gần đây đã tiến hành cuộc tuần tra qua Biển Đông. Động thái diễn ra chỉ 1 tháng sau khi Mỹ có tổng thống mới, phải chăng là “quà” của Paris cho Washington?

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly

Thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly, xác nhận, rằng Paris đã triển khai tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Émeraude cùng với tàu hỗ trợ BSAM Seine đến khu vực Biển Đông. Mục đích của chuyến đi là để khẳng định: Luật pháp quốc tế cần được tôn trọng ở bất kỳ vùng biển nào.

Như muốn giải tỏa triệt để sự đoán già, đoán non của dư luận, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp nhấn mạnh thêm: “Cuộc tuần tra bất thường này vừa hoàn thành việc đi qua khu vực Biển Đông. Đây là bằng chứng rõ nét về năng lực triển khai tầm xa và lâu dài của hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược Australia, Mỹ và Nhật Bản. Hành động của Paris là một phần trong nỗ lực quốc tế rộng lớn hơn nhằm duy trì luật pháp quốc tế trên các tuyến đường biển toàn cầu”.

Nào đã hết. Chỉ sau đó ít ngày, lại có thêm các chiến hạm rời căn cứ Toulon để bắt đầu sứ mệnh hàng hải Jeanne d’Arc 2021 ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả việc di chuyển qua Biển Đông. Liên quan sự kiện này, Pháp còn “cố tình rò rỉ” như một sự khoe khoang, các thông số thuộc loại “khủng” về uy lực của tàu đổ bộ tấn công Tonnere, như: Tầm hoạt động tối đa có thể lên tới 19.800km; sức chứa được một tiểu đoàn xe tăng khoảng 30 chiếc; 450-900 binh sĩ tùy theo lộ trình hành quân cùng 16-35 trực thăng hạng nhẹ hoặc hạng nặng tùy theo nhiệm vụ,v.v…

Động thái quân sự của Pháp được các nước trong khu vực, nhất là các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, tiếng là tranh chấp, nhưng thực ra là bị Trung Quốc dùng sức mạnh cơ bắp gây hấn, bắt nạt lâu nay, hả hê, hoan hỉ. Nhưng nó lại khiến Trung Quốc tức giận.

Pháp phô trương quy mô, sự tối tân, “năng lực triển khai tầm xa và lâu dài” lực lượng hải quân của mình, Bắc Kinh không chấp. Pháp là cường quốc biển, tuy nhiên, thời điểm này, chưa thể nói là “trên cơ” sức mạnh hải quân Trung Quốc. Điều Trung Quốc cảm thấy như bị chọc giận là ở tính chất vừa như hệ thống, lại vừa  như bất thường của trong các động thái ngoại giao “nặng mùi pháo hạm” của Paris.

Về tính hệ thống: Trước đó, năm 2019, Pháp đã điều chiến hạm Vendémiaire tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải chưa từng có ở eo biển Đài Loan – một khu vực quá ư nhạy cảm. Còn nhớ lần đó để đáp lại, Bắc Kinh nắn gân Paris bằng cách rút lại lời mời phái đoàn Pháp tham gia lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) tại thành phố cảng Thanh Đảo. Trong năm 2020, cũng Pháp, cùng với Đức và Anh, đã gửi một công hàm chung tới LHQ, cáo buộc Trung Quốc “không tuân thủ luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do trên biển, đặc biệt là quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại vô hại ở Biển Đông”…

Về tính bất thường – cũng là điều Trung Quốc khó chịu nhất: thời điểm tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Émeraude và tàu đổ bộ tấn công Tonnere xuất hiện ở Biển Đông chỉ sau chưa đầy 3 tuần ông Joe Biden – người từng cảnh báo về một kỷ nguyên mới của “sự cạnh tranh gay gắt” với Trung Quốc và kêu gọi các đồng minh có phản ứng chung  – tiếp quản một cách vất vả chiếc ghế tổng thống từ ông Donald Trump. Nó cũng trùng với hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông đầu tiên của hai nhóm tác chiến tàu sân bay của chính quyền mới tại Mỹ, động thái có thể coi như câu trả lời của ông Biden với dư luận về một trong những chính sách đối ngoại quan trọng nhất.

Tại sao Paris không điều tàu ngầm và các chiến hạm trên tới Biển Đông sớm hơn hoặc muộn hơn? – Đó là điều Bắc Kinh không thể không đặt ra.

Về câu trả lời, trong những nhân vật quyền lực ngự trị tại Trung Nam Hải, chắc chắn không thể không có người đặt ra giả thuyết: Rất có thể, với động thái quân sự mới nêu trên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn gửi một “món quà” mang thông điệp ủng hộ tới tân tổng thống Mỹ – ông Biden? Nếu thật thế, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc vốn đã và đang bị cô lập, sẽ càng bị cô lập hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới