Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngVai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và...

Vai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và ngăn ngừa xung đột (Kỳ 2)

Việc tranh giành các tài nguyên cá và tài nguyên đại dương của Biển Đông là một yếu tố khác góp phần làm gia tăng căng thẳng. Các tàu thuyền đánh cá thường xuyên qua lại các vùng chồng lấn. Trong quá khứ, việc này có thể chấp nhận được, nhưng tần suất ngày càng cao của nó giờ đã làm đẩy lên các mối lo ngại.

Ảnh minh họa

Các tranh chấp về nghề cá

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm thường niên ở Biển Đông mà Trung Quốc coi là khu vực đánh bắt riêng của ngư dân nước mình và muốn ngăn cấm các nước khác. Việt Nam phàn nàn về việc ngư dân của mình thường xuyên bị tàu tuần tra của Trung Quốc bắt giữ, tàu thuyền bị tịch thu, sau đó bị buộc phải nộp một khoản tiền bảo lãnh để được thả. Lệnh cấm đầu tiên của Trung Quốc được đưa ra từ tháng 6 đến tháng 7 năm 1999, và kể từ năm 2009, được ban hành từ 16/5 đến 01/8. Phạm vi của lệnh cấm được quy định mập mờ, dù nó bao trùm một khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, nhưng không kéo dài về phía Nam đến Trường Sa. Việt Nam đã phản đối lệnh cấm này một cách gay gắt do nó đã tác động tiêu cực đến an sinh của ngư dân nước này. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ quyền đánh cá của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã cử cái mà họ gọi là tàu “tuần tra đánh cá”, nhưng thực chất là các tàu hải quân đã cải tiến. Việc các tàu Ngư chính mang tên Yuzheng 311 và Yzheng 202. Vận hành cùng với tàu đánh cá của Trung Quốc đã trở thành mô hình thường trực. Trong năm 2009, Trung Quốc đã bắt 17 thuyền cá của Việt Nam cùng với 210 ngư dân; trong một vụ việc gây xôn xao dư luận, một tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt giữ thuyền đánh cá của Việt Nam cùng với 12 thuyền viên ở khu vực gần Hoàng Sa vào tháng 3/2010. Việt Nam tuyên bố rằng, tính từ năm 2005 đến 2010, đã có 63 thuyền đánh cá cùng với 725 thuyền viên đã bị Trung Quốc bắt giữ ở Biển Đông. Indonesia tuyên bố rằng, trong năm 2009, đã có khoảng 180 tàu thuyền bị bắt do đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của mình, một vài trong số đó cũng đến từ Malaysia. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã công bố các kế hoạch tăng cường sức mạnh cho lực lượng tuần tra trên biển với 16 máy bay và 350 tàu thuyền từ nay cho đến năm 2015. Các con tàu như Haixun-31 sẽ được sử dụng để theo dõi vận tải hàng hải, thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, “bảo vệ an ninh trên biển”, và điều tra các tàu thuyền hoạt động ở “biển của Trung Quốc”. Đài Loan cũng đã tuyên bố sẽ cử một trong hai thuyền tuần tra hang Seagul của mình đến Biển Đông để bảo vệ vùng yêu sách của mình ở Đảo Thái Bình.

DOC và COC

Trung Quốc đã bị buộc phải tham gia cùng ASEAN vào việc ký kết Tuyên bố ở Biển Đông vào tháng 7/1992, theo đó, Trung Quốc và ASEAN cam kết phải giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông “bằng các biện pháp hòa bình, và không sử dụng vũ lực”. Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông [DOC] vào ngày 20/11/2002 với ASEAN. Đây được coi là sự thay đổi về chiến thuật, và được cộng đồng ASEAN tán dương là một tiến triển hết sức tích cực. Trước đó, Trung Quốc khăng khăng giữ nguyên lập trường về đàm phán song phương với các bên yêu sách, nhưng lần này đã chấp nhận một văn bản đa phương. Sau đó, Trung Quốc tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC) vào ngày 08/10/2003, theo đó, các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình. Cùng ngày, một “kế hoạch tổng thể” nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2005 – 2010 đã được ASEAN thông qua, trong đó đề xuất nhiều cách khác nhau để thực thi DOC; một trong số đó là thông qua các cuộc họp định kỳ quan chức cấp cao [SOM] ASEAN – Trung Quốc, một cách khác là thành lập nhóm công tác để dự thảo các kiến nghị cho việc thực thi DOC và đưa ra các nguyên tắc chính sách cho SOM ASEAN – Trung Quốc. Tháng 12/2004, các quan chức cấp cao ASEAN Trung Quốc đã quyết định thành lập Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về việc Thực thi DOC [ASEAN-ChinaJWG]. Các bên cũng đã nhất trí về việc hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử. Nhóm JWG đã họp sáu lần, lần đầu tiên được tổ chức ở Manila vào năm 2005, và lần thứ sáu vào tháng 3/2011, nhưng không đem lại mấy hiệu quả.

ASEAN muốn ràng buộc Trung Quốc vào một Bộ Quy tắc ứng xử chính thức [COC] để giảm thiểu số lượng các vụ va chạm ở Biển Đông và để ngăn chúng khỏi leo thang nếu có xảy ra. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN [ARF] lần thứ 16, tháng 7/2009, phát biểu của Chủ tịch Hội nghị đã chỉ ra rằng ASEAN sẽ “tiến hành ký kết các nguyên tắc thực thi DOC”. Bài tuyên bố cũng nói rằng, các bên “hướng tới việc ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử khu vực trong tương lai”. Việt Nam đã rất kỳ vọng vào việc đạt được tiến triển cho Bộ Quy tắc ứng xử khi nước này làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2010. Tuyên bố của Chủ tịch Diễn đàn ARF vào tháng 7/2010 ở Hà Nội đã chỉ ra rằng, các thành viên “khuyến khích những nỗ lực để hướng tới việc thực thi đầy đủ Tuyên bố và hướng tới ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử trong khu vực”. Một khó khăn lớn cho việc xây dựng COC là về phạm vi khu vực mà bộ quy tắc sẽ được áp dụng. Việt Nam muốn thúc đẩy việc áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa, điều mà phía Trung Quốc đã phản đối. Tuy vậy, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Liu Jianchao vẫn tuyên bố rằng, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán quy tắc ứng xử với ASEAN; trong khi đó, nước này đã áp dụng các chiến thuật trì hoãn. Trung Quốc không muốn có một bộ quy tắc ứng xử mà qua đó sẽ hạn chế quyền tự do hành động của mình ở khu vực và có khả năng dẫn đến việc đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông, Indonesia là nước thúc đẩy mạnh mẽ cho Bộ Quy tắc, trong khi đó Việt Nam cũng đã có được sự đồng ý của Philippines khi Quyền Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đến thăm Hà Nội vào ngày 05/04/2011. Tuy nhiên, tại Diễn đàn ARF lần thứ 18 tổ chức ở Bali vào tháng 7/2011, Trung Quốc cũng mới chỉ chấp nhận “các nguyên tắc thực thi tuyên bố ứng xử”. Các nguyên tắc này bao gồm tám câu ngắn. trong đó kêu gọi các bên tham gia đối thoại, tham vấn, và thực hiện các CBM để “dần hướng tới việc hiện thực hóa bộ Quy tắc ứng xử”, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trí cho biết, nước này ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua hợp tác và đàm phàn, và khi các điều kiện đã “chín muồi” Trung Quốc sẽ sẵn sàng bàn bạc với ASEAN về quy tắc ứng xử. Văn bản trên chỉ đơn thuần là nhắc lại các câu nói đã được phát biểu hàng năm nay mà không ràng buộc bất kỳ bên nào đối với bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, ít nhất nó cũng đã cho thấy rằng, Trung Quốc sẽ chấp nhận các văn bản đa phương về Biển Đông nếu được thúc đẩy một cách thường xuyên. Văn bản này được Ngoại trưởng Hillary Clinton và các quan chức khác của Mỹ ca ngợi vì đã có thể làm giảm căng thẳng đối với vấn đề Biển Đông, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều mối nghi ngờ về hiệu quả của nó. Sau đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã gặp ông Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh và tuyên bố rằng, Trung Quốc và Philippines đã nhất trí về sự cần thiết phải có một bộ quy tắc mang tính ràng buộc và một “hiệp định thi hành” cho nó, không chỉ là một tuyên bố về các nguyên tắc, mà là một hiệp định mang tính ràng buộc về cách thức mà các bên cần phải ứng xử ở Biển Đông. Liệu người Trung Quốc đã sẵn sàng hay chưa lại là một vấn đề khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới