Trước những lo ngại về Trung Quốc, các nước như Nhật Bản hay Mỹ không chỉ “tự thân” mà còn liên minh với các đồng minh, đối tác của mình để đối phó Bắc Kinh.
Tàu tuần duyên Nhật tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Nhật Bản “nắn gân” Trung Quốc
Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông làm quan hệ Nhật – Trung “nóng” thêm khi tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng tranh chấp với Nhật Bản với tần suất liên tục. Năm 2020, tàu Trung Quốc hiện diện xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tới 333 ngày, mức cao kỷ lục. Bước sang năm 2021, tàu Trung Quốc có trang bị cả pháo lại bị tố vào vùng biển Nhật Bản gần quần đảo trên.
Nhật Bản đã liên tục phản đối Trung Quốc bằng con đường ngoại giao, nhưng động thái mới đây nhất được đánh giá là quyết liệt hơn hẳn. Theo đó, một số thành viên đảng cầm quyền Nhật Bản cho biết các quan chức hữu trách trong chính phủ hôm 25.2 đã thông báo về việc diễn giải các luật hiện hành của nước này rằng lực lượng bảo vệ bờ biển có thể trực tiếp khai hỏa nhằm vào tàu công vụ nước ngoài có mục đích đổ bộ vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật chỉ được phép nổ súng trực tiếp vào tàu nước ngoài trong trường hợp tự vệ và thoát hiểm khẩn cấp. Theo diễn giải mới, việc các tàu chính quy nước ngoài đổ bộ vào quần đảo trên là phạm tội bạo lực và hành động của lực lượng Nhật là hợp pháp.
Theo Kyodo News, động thái của Nhật là nhằm đáp trả luật hải cảnh mới có hiệu lực của Trung Quốc. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà Bắc Kinh cho là xâm nhập trái phép vùng biển của mình.
Nhật và nhiều nước đã lên tiếng phản đối luật mới của Trung Quốc với những lo ngại về hành động khó lường của Bắc Kinh tại những vùng biển tranh chấp hoặc những nơi Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền phi lý.
Mỹ nhắm mọi mặt trận
Trong khi đó, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu và không chỉ giới hạn ở một lĩnh vực. Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung đã trải khắp từ kinh tế, thương mại, chính trị, quân sự cho đến sức ảnh hưởng ở các khu vực và trên trường quốc tế.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng không nằm ngoài đường đi đó. Ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, các quan chức cấp cao đã và sắp được bổ nhiệm tỏ rõ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc thông qua các phiên điều trần về đối ngoại. Điều đáng nói, chống Trung Quốc là vấn đề được lưỡng đảng Mỹ đồng thuận.
Mỹ thực hiện các chuyến hải hành thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cho tàu tập trận tại khu vực, điều tàu đi qua eo biển Đài Loan. Không chỉ vậy, chính giới Mỹ còn muốn chính quyền Tổng thống Biden mạnh tay hơn với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
Về thương mại, ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ Katherine Tai coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đáng gờm và cho rằng Mỹ cần đáp trả bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả cưỡng chế thương mại để chống lại chiến lược và tham vọng của Bắc Kinh.
Trên mặt trận chiến lược, Mỹ đang ra sức tăng cường ảnh hưởng ở nhiều khu vực, gần nhất là châu Phi, nơi Trung Quốc đã chú ý từ lâu. Mỹ nhận thấy rõ vai trò của châu Phi trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai nước, không chỉ bởi vị trí địa chiến lược quan trọng cho tính toán quyền lực hàng hải, mà còn bởi các nước ở lục địa đen có thể giúp tạo thế đối trọng cho trận địa ngoại giao tại LHQ.
Những liên minh, hợp tác chiến lược
Nhưng để đối phó với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và quyết liệt, Mỹ hay Nhật đều hiểu rõ không thể đơn phương làm được mà đòi hỏi phải kết nối với các nước khác để tìm đối sách hiệu quả. Điều này càng được củng cố hơn khi chính quyền Biden “xoay trục” trở lại việc coi trọng đối tác, đồng minh. Gần đây nhất là cuộc họp của “bộ tứ kim cương” gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc, trong đó đã thảo luận các vấn đề liên quan an ninh khu vực mà Trung Quốc được định vị là nhân tố gây quan ngại.
Không chỉ giới hạn ở “bộ tứ”, nhiều nhà quan sát cho rằng “liên minh” trên còn có thể bổ sung những nhân tố khác như Anh, Đức, Pháp. Các nước châu Âu này nói riêng và Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã thể hiện sự quan tâm đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian qua, đặc biệt sau các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ba nước này đã phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông qua công hàm gửi lên LHQ, đồng thời có những động thái quân sự mới thể hiện rõ quan điểm sẽ phối hợp ngăn chặn hành vi của Trung Quốc.