Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc khuất Trung Hoa"Điềm không lành" trên sông Dương Tử: Đập Tam Hiệp cũng là...

“Điềm không lành” trên sông Dương Tử: Đập Tam Hiệp cũng là một phần nguyên nhân

Xie Zhicai, một nhà nghiên cứu từ Viện Thủy sinh tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán, cho biết lượng nước giảm sút có thể gây ra các tác động dây chuyền đối với môi trường.

Dương Tử “bốc hơi”

Con sông lớn nhất ở Trung Quốc đang dần khô cạn.

Sau khi kiểm tra dữ liệu từ các trạm mặt đất và hình ảnh vệ tinh trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc ước tính rằng mực nước sông Dương Tử (sông Trường Giang) trung bình đã giảm khoảng 2cm sau mỗi 5 năm kể từ những năm 1980.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng sự suy giảm tổng thể của mực nước sông có thể có tác động lớn đến môi trường và nền kinh tế của một trong những khu vực giàu có, phát triển nhanh nhất của đất nước.

Trong một nghiên cứu đã được bình duyệt trên tạp chí Advances in Water Science vào tháng 2, Nie Ning và các đồng nghiệp thuộc Phòng thí nghiệm Trọng điểm về Khoa học Thông tin Địa lý của Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chỉ ra một phần nguyên nhân của hiện tượng này là do các hoạt động của con người như can thiệp vào môi trường thiên nhiên và xây dựng đập.

“Nhưng biến đổi khí hậu đóng một vai trò lớn hơn nhiều so với bất kỳ nguyên nhân nào khác [gây ra suy giảm mực nước sông],” nhóm nghiên cứu cho hay.

Là nơi sinh sống của 460 triệu người, khu vực sông Dương Tử bao gồm cả “đầu tàu kinh tế” Thượng Hải và chiếm hơn 1/3 GDP của Trung Quốc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, sông Dương Tử là một nguồn tài nguyên dồi dào, hỗ trợ sản xuất thực phẩm và giao thương đường thủy cho người dân sống xung quanh.

Khi các hoạt động công nghiệp tăng lên, hơn 1.000 hồ đã biến mất dọc theo con sông.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng tổng lượng nước không thay đổi quá nhiều – dựa trên cơ sở rằng tất cả các dòng nước cuối cùng đều sẽ quay trở lại môi trường.

Đây là một giả thuyết khó có thể xác nhận. Sông Dương Tử trải dài 6,300km qua từ Tây Tạng tới biển Hoa Đông. Một số nguồn nước ở bề mặt, một số khác thì chảy ngầm, chưa kể nhiều nguồn nước còn thay đổi theo thời gian và khu vực, những yếu tố này khiến cho việc tính toán chính xác trở nên bất khả thi.

Để ước tính kỹ hơn về xu hướng dài hạn trên một diện tích gần 1/5 so với tổng diện tích đất liền của Trung Quốc, nhóm của Nie không chỉ sử dụng dữ liệu từ các trạm mặt đất mà còn cả các vệ tinh có thể phát hiện sự thay đổi của trọng lực do nước trên lớp vỏ trái đất gây ra.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng biến đổi khí hậu chiếm tới gần 80% sự suy giảm mực nước – đặc biệt là các hiện tượng khí hậu bất thường như nhiệt độ tăng ở một số khu vực của Thái Bình Dương làm giảm lượng mưa tổng thể đổ vào sông Dương Tử.

Nhiệt độ ấm hơn cũng làm tăng sự dao động của trữ lượng nước, dẫn đến lũ lụt và hạn hán nhiều hơn.

Lượng nước bốc hơi cũng tăng lên, một phần do nhiệt độ cao hơn, một phần là do các hoạt động của con người – các thành phố ngày càng phát triển làm tăng tốc độ nước bay hơi vào khí quyển.

Nguy cơ từ các con đập

Vai trò của các con đập thì phức tạp hơn. Hoạt động của 15 đập lớn bao gồm cả đập Tam Hiệp đã khiến mực nước giảm vào mùa đông và mùa xuân, nhưng lại tăng lên trong những thời kỳ thời tiết ấm hơn. Nhìn chung, các con đập có tác động tiêu cực, mặc dù tương đối nhỏ, đối với lượng nước – theo các nhà nghiên cứu.

Xie Zhicai, một nhà nghiên cứu từ Viện Thủy sinh tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán, cho biết lượng nước giảm sút có thể gây ra các tác động dây chuyền đối với môi trường.

Ông Xie cho rằng: “Ví dụ, nồng độ các chất ô nhiễm có thể tăng lên trong sông và đầu độc các loài dễ bị tổn thương hơn. Sự cân bằng sinh thái có thể thuận lợi đối với những loài ưa thích môi trường khô hơn. Nhưng nếu điều đó xảy ra quá nhanh, một số loài thực vật và động vật có thể tuyệt chủng.”

Ít nước hơn cũng đồng nghĩa với việc các con đập đóng một vai trò lớn hơn trong việc quản lý nước, do đó sẽ phá vỡ các chu trình tự nhiên. Một số loài cá như cá tầm rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ và mực nước.

Ông Xie nói: “Sự gián đoạn có thể ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản của chúng”.

“Hiện tại, sông Dương Tử chưa thiếu nước. Mức sụt giảm mực nước có thể coi là thấp. Nhưng tác động có thể sẽ rõ nét trong một khoảng thời gian dài hơn.”

Tuy vậy, một nhà khoa học nghiên cứu về nguồn nước cho biết sự suy giảm mực nước ở sông Dương Tử có thể tồi tệ hơn kết quả rút ra từ báo cáo. Mỗi ngày, một lượng lớn nước đã được đưa từ sông Dương Tử để chuyển đến các thành phố thiếu nước, bao gồm cả Bắc Kinh.

Theo chính quyền thành phố, hơn một nửa lượng nước tiêu thụ ở thủ đô đến từ sông Dương Tử.

Nhà nghiên cứu giấu tên cho biết: “Trong suốt lịch sử, các vấn đề phân phối nước đã gây ra những cuộc chiến tranh trong khu vực”.

Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cũng đã nhận ra nguy cơ từ sự sụt giảm mực nước ở Dương Tử. Các dự án xây dựng mới dọc theo sông Dương Tử đã được thắt chặt quản lí và từ năm nay, mọi hoạt động đánh bắt ở vùng nước này đã bị cấm trong một thập kỷ.

RELATED ARTICLES

Tin mới