Thursday, April 18, 2024
Trang chủQuân sựNATO bắt đầu quyết chống TQ

NATO bắt đầu quyết chống TQ

Liên minh đang cân nhắc tính toán các biện pháp đối phó Bắc Kinh. Như các tin đã đưa: Ngày 2/3, Trung Quốc tuyên bố tập trận một tháng trên Biển Đông để thực hiện kế hoạch hiện đại hóa Các Lực lượng Vũ trang, – cùng thời gian đó- các cường quốc Phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Canada (và mới nhất là cả Đức) đang đưa các tàu chiến của mình đến Biển Đông nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.

Để góp thêm một số thông tin liên quan này, xin giới thiêu bài viết (nghiên cứu) với tiêu đề và phụ đề trên của tác giả Ruslan Andreevich Polonchuk – chuyên viên Khoa An ninh Quốc gia Học viện Kinh tế Quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống LB Nga để cùng tham khảo. Bài đăng trên Tuần báo “Bình luận quân sự độc lập” ngày 1/3/2021. Bài khá dài, xin bạn đọc kiên nhẫn.

Tổ chức quân sự-chính trị NATO được thành lập để làm công cụ thực hiện các mục tiêu địa- chính trị của Phương Tây.

Sau khi Liên Xô sụp đổ và Tổ chức Hiệp ước Warsaw bị giải thể, Liên minh này chuyển sang thực hiện chiến lược tấn công tích cực nhằm khẳng định vai trò toàn cầu của mình.

Trong bản báo cáo mới nhất có tiêu đề “NATO 2030” của mình, NATO cho rằng Matxcova đang “tiến hành một chiến dịch phức hợp nhằm phá vỡ niềm tin vào các định chế dân chủ của Liên minh”.

Theo quan điểm của các nhà phân tích NATO thì từ nay đến năm 2030, Nga vẫn sẽ là mối đe dọa quân sự chủ yếu. Nhưng cùng với đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng làm các chiến lược gia NATO đặc biệt quan ngại.

Các cơ sở pháp lý

Vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu, bài báo bàn về cuộc đối đầu quân sự giữa CHND Trung Hoa và NATO được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng Phương Tây.

Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế (ICDS) có trụ sở tại Estonia vào tháng 1/2021 đã giới thiệu bản báo cáo “Hướng tới một Chiến lược mới của NATO đối với Trung Quốc”.

Báo cáo này nhấn mạnh: điểm quan trọng nhất trong chính sách hiện tại của Liên minh (NATO) phải là thống nhất, đoàn kết lực lượng để chống lại “mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Thứ bậc sắp xếp tính theo tầm quan trọng của những lực lượng chính trị ảnh hưởng đến việc xác định một lập trường chung của NATO đối với Trung Quốc được xác định như sau: Trên đỉnh (quan trọng nhất) là Mỹ.

Tiếp theo- vị trí thứ hai là các đồng minh Anglo-Saxon của Mỹ – cụ thể là Anh và Canada. Thứ ba là những nước Châu Âu quan trọng nhất: Đức, Pháp, Ý. Và ở nấc thang cuối cùng- tất cả những nước NATO còn lại.

Vào tháng 11/2020, cũng tổ chức ICDS nói trên đã công bố bản báo cáo mang tên “An ninh xuyên Đại Tây Dương: Châu Âu và Trung Quốc”, trong đó có nêu rõ một số luận điểm sau:

– Chính sách của Trung Quốc đang phá hoại mô hình trật tự thế giới tự do Phương Tây;

– sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới, vẽ lại bản đồ cục diện địa chính trị, gây tổn hại cho những lợi ích của các nước EU và Mỹ;

– Trung Quốc đang có mưu đồ nắm vai trò lãnh đạo tại Đông Nam Á, thành lập một “Đại Âu-Á” để làm đối trọng với dự án châu Âu, và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phồn vinh của các quốc gia Châu Âu;

– tốc độ phát triển Các Lực lượng Vũ trang CHND Trung Hoa như hiện nay sẽ cho phép Bắc Kinh trong tương lai nắm quyền kiểm soát các khu vực khai thác tài nguyên năng lượng chủ yếu (Trung Đông và Bắc Phi), các tuyến đường vận chuyển- cung cấp (các tuyến đường bộ và đường biển trong khuôn khổ dự án “Một Vành đai, Một con đường);

Trung Quốc đang xích lại gần đối thủ địa- chính trị của Phương Tây là Nga. Bắc Kinh đang tìm cách lợi dụng sức mạnh quân sự-kinh tế và công nghệ của Nga để phục vụ những lợi ích và mưu đồ riêng của Trung Quốc.

Các chuyên gia ICDS đi đến kết luận sau: lập trường của NATO đối với Trung Quốc ngày nay là: NATO phải xác định Bắc Kinh là đối thủ chính trị, kinh tế và quân sự của Phương Tây.

Chiến lược hành động của liên minh- đó là kiềm chế Trung Quốc và chống lại sự phát triển của nước này trong khi vẫn tiếp tục tìm kiếm những lợi ích chung mà hai bên cùng quan tâm để ngăn chặn sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga.

Bản báo cáo này cũng chỉ rõ rằng Học thuyết chiến lược của NATO được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon năm 2010 không nêu rõ Trung Quốc là đối thủ / đối thủ cạnh tranh của liên minh.

Tuy nhiên, vì những lý do an ninh trên quy mô toàn cầu, Liên minh sẽ đối phó với Trung Quốc bằng mọi biện pháp có thể.

Điều này đã được chứng minh cụ thể qua sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các công trình nghiên cứu khoa học về các vấn đề Trung Quốc đang được tiến hành trong khuôn khổ của cả tổ chức NATO và cả trong các cơ quan, tổ chức độc lập.

Trung Quốc đang ráo riết vũ trang cho Quân đội

Trong bản Báo cáo “Tổ chức và Cơ cấu của NATO” do ICDS công bố vào tháng1/ 2021 có đoạn khẳng định rằng tiến trình phát triển và tái vũ trang của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những gì mà Liên minh dự đoán trước đây. Báo cáo đã dẫn ra các các số liệu thống kê cụ thể như sau:

– số lượng bệ phóng tên lửa tầm ngắn của PLA kể từ năm 2010 đến nay đã tăng từ 64 (bệ phóng) lên 260;

– Bộ đội tên lửa PLA đã tiếp nhận và đưa vào trang bị 500 tên lửa hành trình (tên lửa có cánh) Donghai-10 (tầm bắn 1.500 km);

– Bắc Kinh đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm tên lửa chống hạm Dongfeng-21;

– Không quân PLA đã được trang bị các máy bay tiêm kích thế hệ 5.

Tất cả những thực tế này trong những năm tới có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi cán cân lực lượng ở Đông Nam Á. Những khả năng của các đơn vị và phân đội tên lửa PLA có thể cản trở các chiến dịch của Các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ tại khu vực này.

Những kết luận của một nghiên cứu khác do các chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch (DIIS) thực hiện mang tên “Làm gì với Trung Quốc? Tìm kiếm một thỏa hiệp giữa Hoa Kỳ và Châu Âu trong NATO ” (công bố tháng 1/2021) cũng không mấy lạc quan.

Ngay từ trước đây 10 năm, Trung Quốc đã có khả năng tấn công bằng tên lửa 5 trong số 6 căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Căn cứ ở vị trí tương đối an toàn trên đảo Guam cũng có thể sớm bị Không quân tầm xa PLA đe dọa.

Các tác giả công trình nghiên cứu trên đặc biệt lưu ý quyết tâm cứng rắn của Trung Quốc trong việc đảm bảo các vị thế của mình trên biển và chặn không cho Hải quân Mỹ tiếp cận Biển Đông và các vùng nước ven bờ của Trung Quốc.

Để kiểm soát khu vực gần bờ, Bắc Kinh đang triển khai một số cụm tàu ​​quét mìn biển, một cụm máy bay tiêm kích đa năng và các tên lửa lớp “đất đối không”.

Khi đánh giá vấn đề Đài Loan, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng trong trường hợp hòn đảo này nằm dưới quyền tài phán của Bắc Kinh, Hải quân Trung Quốc sẽ có được những vị trí chiến lược quan trọng trong vùng biển của dãy đảo thứ nhất và xa hơn.

Cùng với đó, theo kết quả nghiên cứu của Tập đoàn RAND của Mỹ, đến năm 2025 Mỹ sẽ không còn có thể bảo vệ chắc chắn Đài Loan như các tính toán trước đây.

Trung Quốc có thể đánh bại Mỹ trong cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan, thậm chí ngay cả khi Mỹ triển khai các máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-22 và hai cụm tàu sân bay tấn công.

Các công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (IISS) cũng chỉ ra những kế hoạch của Bắc Kinh nhằm mở rộng địa bàn hoạt động của lực lượng Hải quân Trung Quốc, kể cả tại những khu vực xa trên các đại dương.

Những nghiên cứu này cũng lưu ý đến việc hàng năm Trung Quốc đưa một số lượng lớn các tàu khu trục vào trang bị và tham vọng đóng tàu sân bay thứ ba trong tương lai trung hạn của nước này.

Trong tương lai, tất cả những gì như vừa đề cập sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hải quân Mỹ trong việc tiếp cận vùng biển chuỗi đảo thứ hai – tức khu vực phía Tây Thái Bình Dương.

Bế tắc chiến lược

Các điều khoản về “mối đe dọa từ Trung Quốc” cũng được ghi rõ trong các văn kiện – học thuyết quân sự – cả ở cấp độ các nước thành viên riêng rẽ trong liên minh và cả ở cấp độ toàn khối NATO nói chung.

Trong “Tổng quan Chiến lược về các vấn đề Quốc phòng và An ninh Quốc gia” của Pháp (tháng 10/2017), sự tăng trưởng nhanh sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được xác định là một thách thức đối với cả thế giới Phương Tây.

Vào tháng 11 cùng năm, một báo cáo phân tích của NATO cũng nhận định sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với Liên minh. Khi công bố bản báo cáo này, Tổng Tư lệnh Tối cao Các Lực lượng Vũ trang Thống nhất NATO, tướng Denis Mercier đã tuyên bố rằng :

“nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa các quốc gia đã tăng lên rất đáng kể”, và nguyên nhân là do “Nga và Trung Quốc đang ráo riết mở rộng phạm vi ảnh hưởng quân sự và kinh tế của họ, phá hoại sự cân bầng lực lượng….”…

Chính vì vậy, Tướng Denis Mercier cho rằng đối với Liên minh, điều quan trọng hiện nay là phải có “tư duy ở quy mô toàn cầu, cho phép đánh giá các sự kiện bên ngoài khu vực chịu trách nhiệm của mình (NATO)”.

Trong mọi văn kiện mới nhất của NATO đều có điều khoản chỉ rõ một thực tế là Bắc Kinh đang thực hiện một các nhất quán chương trình cải cách toàn diện Các Lực lượng Vũ trang và tăng cường khả năng của PLA trong việc tiến hành các cuộc chiến tranh công nghệ cao bên ngoài biên giới Trung Quốc.

 Giới lãnh đạo NATO có phản ứng cực kỳ tiêu cực trước các cuộc tập trận chung Nga-Trung trên biển Địa Trung Hải và biển Baltic tháng 7/2017.

Không thể không nhắc đến Chiến lược An ninh Quốc gia mới được thông qua của Mỹ. Trong văn kiện này, Trung Quốc và Nga được xác định là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, thách thức các ưu thế địa chính trị của Mỹ và mưu toan làm thay đổi trật tự thế giới theo hướng có lợi cho hai nước này.

Và như vậy, ở cấp độ chính thức, NATO đã thừa nhận sự tồn tại của “mối đe dọa từ Trung Quốc” và cần thiết phải soạn thảo một chiến lược phối hợp hành động chung để đối phó với CHND Trung Hoa.

Chiến lược chống Trung Quốc

Các chuyên gia phương Tây nhận định rằng chiến lược kiềm chế Trung Quốc của NATO có thể được cụ thể hóa bằng các biện pháp sau đây:

– hỗ trợ các đối thủ của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay và xây dựng các quan hệ kinh tế đối ngoại thay thế với các nước Đông Nam Á để làm đối trọng với Trung Quốc (Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối các khu vực có nhiều dầu mỏ ở đáy biển Hoa Đông và Biển Đông ,quần đảo Senkaku-Điếu Ngư và quần đảo Trường Sa…..);

– không để Trung Quốc củng cố vị thế của mình ở Trung Á, các khu vực Châu Phi, các nước Châu Mỹ Latinh, – tức những nơi có trữ lượng lớn về dầu mỏ và khoáng sản;

– chống lại mọi nỗ lực và mưu đồ của Trung Quốc giành quyền kiểm soát các tuyến giao thông vận tải chính ở Ấn Độ Dương và Biển Đông (ở những khu vực này có những tuyến vận tải quan trọng đảm bảo tới 60% khối lượng lưu thông hàng hóa trên thế giới);

– làm mất giá trị của những tổ chức mà Bắc Kinh đang đóng vai trò dẫn dắt, ngăn chặn việc thành lập các liên minh chính trị mới dưới sự bảo trợ của Trung Quốc;

– không để Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau (đây là luận điểm chính trong báo cáo của nhóm chuyên gia của Trung tâm phân tích Globsec ở Bratislava);

– ngăn chặn mọi ý đồ của Trung Quốc tham gia vào việc chinh phục- khai thác Bắc Cực;

– vô hiệu hóa mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được ưu thế công nghệ trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt là trong các ngành như vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật robot , v.v.

Xung đột tiềm tàng

Báo cáo thường niên năm 2020 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ “Các sự kiện quân sự và an ninh có sự can dự của Trung Quốc” có nhận định rằng một cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Trung Quốc ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần.

Nhưng không nghi ngờ gì nữa, để kiềm chế được Trung Quốc, dứt khoát phải sử dụng sức mạnh quân sự. Khu vực có nhiều khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp (“chiến tranh ủy nhiệm sư”) có thể là Châu Phi.

Năm 2007, Lầu Năm Góc thành lập Bộ Tư lệnh số sáu Khu vực Châu Phi (AFRICOM) với khu vực chịu trách nhiệm phủ toàn bộ lãnh thổ của 53 quốc gia.

Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh này -tiến hành các chiến dịch quân sự ở Châu Phi, hỗ trợ đào tạo- huấn luyện quân đội của những chính phủ trung thành với Washington, kiểm soát việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên lục địa và các tuyến đường vận chuyển chúng.

Nhưng cùng thời gian đó, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Phi đã gia tăng rất đáng kể. Theo các số liệu của Liên Hợp Quốc thì chỉ trong năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư hơn 39 tỷ USD vào châu lục này, nhiều hơn các khoản đầu tư của cả Châu Âu và Mỹ cộng lại. Bắc Kinh đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, khai thác mỏ và xây dựng.

Các công ty Trung Quốc đang xây dựng một tuyến đường sắt nối liền một số quốc gia Đông Phi (trước đây từng là độc quyền của Anh và Pháp).

Trung Quốc tham gia vào việc thăm dò và khai thác các mỏ dầu ở Chad, Nigeria, Sudan, Angola, Mali, Mauritania, Algeria, Tunisia (4 nước sau từng được xác định là khu vực “lợi ích sống còn” của Pháp).

Ngoài dầu mỏ, Trung Quốc còn nhập khẩu quặng sắt, kim loại, thực phẩm và nông sản từ Châu Phi. Tại Châu Phi đã thành lập bảy (7) khu hợp tác kinh tế cung Trung Quốc-Châu Phi. Trong mỗi khu vực đó có ít nhất 10 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động.

Kể từ năm 2000, các quân nhân Trung Quốc thường xuyên đóng quân tại Châu Phi. Họ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, đảm bảo an ninh, v.v. Lính Mũ nồi xanh Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch ở Liberia, Tây Sahara, Sierra Leone, Côte d’Ivoire và Congo.

Tại Mali, khi một số đại diện của các tập đoàn Trung Quốc bị sát hại ở thủ đô Bamako, hành động của lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc đã mang tính chất chống khủng bố. Trung Quốc tích cực ủng hộ lực lượng đối lập Chad đang tìm cách lật đổ Tổng thống Idriss Deby, người công nhận Đài Loan độc lập.

Một minh chứng rất rõ cho thấy tham vọng của Trung Quốc là việc nước này vào năm 2017 đã triển khai một trung tâm đảm bảo vật chất- kỹ thuật cho Hải quân PLA tại Djibouti -nơi đã có một căn cứ quân sự của Mỹ.

Sự lựa chọn vị trí cho trung tâm này không có gì gây ngạc nhiên: Djibouti nằm gần eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Aden, nơi có tuyến giao thông quốc tế từ Châu Âu sang Châu Á.

Người Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các cảng ở Angola (Lobitu), Yemen (Aden), Iran (Chahbahar), Kenya (Lamu và Mombasa), Mozambique (Beira và Maputo), Oman (Salalah và Suhar), Tanzania (Bahamoyo), Eritrea (Massawa), Mauritius (Port Louis), Maldives (Laamu) và Seychelles (Victoria).

Hầu hết những cảng này đã được các tàu của Hải quân Trung Quốc sử dụng để tiếp nhiên liệu và các phương tiện vật chất.

Các kết luận

1. Sau những năm ở trạng thái không ổn định kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, lần đầu tiên NATO công khai tuyên bố về việc cần củng cố và tăng cường các nỗ lực chung nhằm chống lại “mối đe dọa toàn cầu” từ Phương Đông (Trung Quốc). Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được xác định là mối đe dọa đối với an ninh của các nước NATO.

2. “Đại chiến lược” của NATO đối với Trung Quốc- đó là một tập hợp các biện pháp nhằm kiềm chế và đối phó với sự phát triển kinh tế-quân sự của Trung Quốc, nhưng cùng với đó- sẵn sàng hợp tác để ngăn chặn sự xích lại gần nhau giữa Liên bang Nga và CHND Trung Hoa.

3. Trong tương lai gần, một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Trung Quốc ít có khả năng xảy ra, nhưng với sự gia tăng của các mâu thuẫn và sự chồng chéo lợi ích kinh tế, nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ sẽ ngày càng tăng.

4. Để bảo vệ các lợi ích của mình trước “mối đe dọa từ Trung Quốc”, Mỹ và các đồng minh Châu Âu sẽ tăng cường các khả năng của NATO để triển khai sức mạnh quân sự ở các khu vực khác nhau trên thế giới, trong đó có khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Châu Phi và Bắc Cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới