Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLửa cháy tứ bề

Lửa cháy tứ bề

Tháng 3 này Biển Đông chứng kiến sự xuất hiện của tàu chiến Anh, Pháp, Nga, Đức, tham gia tập trận và tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải. Đây là sự kiện mới và nóng.

Trước đây chỉ có tàu chiến Mỹ xuất hiện ở khu vực này với tuyên bố bảo vệ trật tự an ninh trong khu vực, không để Trung Quốc dễ dàng thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, bắt nạt các nước yếu thế hơn. Nay thì gần như đồng thời mấy quốc gia đáng gờm, vốn chẳng mấy mặn mà với Trung Quốc bỗng hùa theo Mỹ, “dắt tay” nhau dạo chơi trong “khu vườn” Biển Đông đang trỏ thành tâm điểm của dư luận thế giới.

Mỹ tuyên bố, đó là quyền tự do hàng hải, không một quốc gia nào có thể cấm cản. Nhưng Trung Quốc thì không. Lý do cơ bản là Bắc Kinh ngày càng lấn tới, tuyên bố hầu hết Biển Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Cho nên tàu bè của các nước vào đây là vi phạm chủ quyền của họ (!). Chẳng thế mà Bắc Kinh đã liên tục lên án Washington, rằng Mỹ là sen đầm quốc tế đã đầu têu cho những hành động vô thiên, vô pháp, gây rối, gây căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Như vậy chẳng chóng thì chầy Trung Nam Hải sẽ tỏ thái độ đối với Anh, Pháp, Nga Đức, khi những con tàu của các quốc gia này “xuất hiện bất hợp pháp”, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực (!).

Về việc các nước lần đầu cho tàu chiến xuất hiện trên Biển Đông, theo thông tin mà chúng tôi có được, sau gần 20 năm, lần đầu tiên, Đức lên kế hoạch triển khai tàu chiến đi qua Biển Đông. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước Đức hôm 2/3 cho biết: Một tàu khu trục Đức sẽ được triển khai đến Châu Á vào tháng 8/2021.

Tiếp theo, tin từ báo South China Morning Post, tàu tấn công đổ bộ Tonnere của Pháp cùng tàu khu trục Surcouf đã rời cảng Toulon để đến Thái Bình Dương và sẽ hoạt động tại đây trong ba tháng. Hai chiến hạm của Pháp dự kiến sẽ đi qua Biển Đông hai lần; tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5/2021.

Còn tại Anh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter bất ngờ tuyên bố: Chiến lược quốc phòng của London sẽ nghiêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tới đây Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hiện diện thường xuyên tại khu vực này. Sau quá trình đánh giá chính sách quốc phòng và ngoại giao, London sẽ xác định mức độ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, nhằm cảnh báo Trung Quốc.

Một kế hoạch triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á vào cuối mùa hè năm nay đã được Hải quân Hoàng gia Anh xây dựng chi tiết. Theo đó, Hải quân Anh sẽ tham gia tập trận chung với Hải quân Nhật Bản, nhằm thắt chặt quan hệ an ninh song phương.

Trở lại với mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ. Washington đã đề ra những yêu cầu chi tiêu mới nhằm nâng cao năng lực răn đe đối với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong một bản báo cáo trình Quốc hội vào đầu tháng 3, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ yêu cầu cấp thêm 27 tỉ USD cho giai đoạn 2022-2027 (riêng tài khóa 2022 là 4,6 tỉ USD).

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống vũ khí và cơ sở hạ tầng mới; Chiến lược hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với các nước đồng minh và đối tác nhằm ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Washington còn cảnh báo sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin một lần nữa khẳng định: Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ. Ông Lloyd tuyên bố, Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương là “công cụ hữu dụng” mà ông sẽ hợp tác với Quốc hội để riết ráo triển khai.

Đúng là lửa cháy tứ bề!

Vấn đề là ở chỗ, xưa nay Trung Quốc vốn đã quen chịu nhiệt. Nhưng lần này thì khác, không chỉ có diều hâu Mỹ, mà còn có các đại bàng to nhỏ. Khi đoàn quân này hợp sức lại, âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Nam Hải liệu có bị thiêu rụi?

RELATED ARTICLES

Tin mới