Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaNgười phụ nữ sống sót ở Tân Cương: ‘Linh hồn của chúng...

Người phụ nữ sống sót ở Tân Cương: ‘Linh hồn của chúng tôi đã chết’ (Phần 1)

Người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã sống ở Pháp 10 năm. Năm 2016, cô ấy quay về Tân Cương để ký một số tài liệu và sau đó bị cảnh sát bắt giam. Trong hai năm tiếp theo, cô đã bị trừ khử nhân tính, làm nhục và tẩy não một cách có hệ thống…

Cô Gulbahar Haitiwaji (ảnh chụp màn hình youtube).

Sau khi may mắn bước ra khỏi trại cải tạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và trở về Pháp, người phụ nữ này đã chia sẻ với giới truyền thông về những tổn hại thể chất và tinh thần do bị tra tấn, quá trình huấn luyện quân sự và tẩy não cường độ cao trong trại cải tạo… Dưới đây là câu chuyện có thật của cô Gulbahar Haitiwaji được ghi lại bởi chính lời kể của cô. Bài viết đã được đăng tải trên The Guardian.

Đơn vị công tác phối hợp với cảnh sát ĐCSTQ để bắt người

Gulbahar Haitiwaji là một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã làm việc tại Công ty Hóa dầu Tân Cương Weiklamay hơn 20 năm. Sau đó cô chuyển đến sống ở Pháp được 10 năm.

Một ngày tháng 11/2016, cô bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là kế toán của công ty ở Trung Quốc đại lục đến Pháp. Anh ta nói: “Bà phải quay lại Karamay để ký vào các tài liệu liên quan đến việc nghỉ hưu sắp tới, thưa bà Haitiwaji”. Karamay là thành phố ở tỉnh Tân Cương, miền tây Trung Quốc, nơi cô làm việc cho công ty dầu khí trong hơn 20 năm.

Lúc đó cô Haitiwaji đáp lại, trong trường hợp này, cô muốn ủy quyền cho một người bạn ở Karamay. Cô hỏi người đàn ông qua điện thoại “Tại sao tự tôi phải về xử lý giấy tờ? Chuyện nhỏ như vậy sao lại tốn công như thế? Tại sao?”.

Nhân viên kế toán không trả lời câu hỏi của cô Haitiwaji. Anh ta chỉ nói rằng sau 2 ngày nữa anh ta sẽ liên lạc lại cho cô sau khi xem xét khả năng về việc ủy quyền.

“Con gái bà là một tên khủng bố!”

Khi cúp điện thoại, một loạt câu hỏi hiện lên trong đầu Haitiwaji: “Tại sao người đàn ông đó lại muốn mình quay lại Karamay? Đây có phải là chiến lược của cảnh sát để thẩm vấn mình không?” Điều này chưa từng xảy ra với bất kỳ người Duy Ngô Nhĩ nào mà cô biết ở Pháp.

Sau đó 2 ngày, người đàn ông liên lạc lại và nói việc ủy quyền là không được, cô phải quay trở lại. Cô Haitiwaji đã đồng ý và hứa sẽ quay lại Tân Cương ngay khi có thể. “Khi tôi cúp máy, một cơn ớn lạnh lướt qua lưng tôi. Tôi sợ quay trở lại Tân Cương… Tôi có một điềm báo không lành”, cô nói.

Cô Haitiwaji không muốn quay lại Tân Cương, nhưng chồng cô, anh Kerim đã thuyết phục vợ mình rằng không có gì phải lo lắng, chỉ mất vài tuần để trở về Tân Cương, và việc bị cảnh sát thẩm vấn là bình thường… Cô đã bị thuyết phục bởi chồng mình và quyết định quay về.

Khi đó, chồng và con gái của cô đều nhập quốc tịch Pháp và từ bỏ quốc tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, cô Haitiwaji vẫn giữ hộ chiếu Trung Quốc vì muốn trở về Tân Cương thăm cha mẹ và anh em. Bởi vậy, cô xin thẻ cư trú yêu cầu gia hạn mỗi 10 năm tại Pháp.

Vài ngày sau khi trở về Trung Quốc, vào sáng ngày 30/11/2016 cô Haitiwaji đến văn phòng công ty Hóa dầu ở Karamay để ký một vài tài liệu về việc nghỉ hưu, sau đó đến đồn cảnh sát theo yêu cầu. Cảnh sát ở đó đã hỏi tại sao cô lại đến Pháp và cô đã làm công việc gì ở Pháp…

Một cảnh sát đột nhiên đưa ra một tấm ảnh, rồi anh ta dùng tay đập mạnh vào bàn: “Cô biết con nhỏ này phải không?”

Đó là bức ảnh chụp Gulhumar, con gái Haitiwaji. Cô bé đang cầm một lá cờ Đông Turkestan, một lá cờ mà chính phủ Trung Quốc ngăn cấm. Đối với người Duy Ngô Nhĩ, lá cờ đó tượng trưng cho phong trào giành độc lập trong khu vực. Sự kiện con gái cô tham gia là một trong những cuộc biểu tình do chi nhánh tại Pháp của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới tổ chức. Sự kiện này đại diện cho những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong và lên tiếng phản đối sự đàn áp của ĐCSTQ với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

“Đúng vậy, con bé là con gái tôi,” cô Haitiwaji trả lời.

Cảnh sát hét lên: “Con gái bà là một tên khủng bố!”

Cô Haitiwaji lặp lại liên tục “Tôi không biết, tôi không biết con bé làm gì ở đó, nó không làm gì sai cả. Tôi xin thề. Con gái tôi không phải khủng bố! Chồng tôi cũng vậy!”.

Cô ấy không nhớ được toàn bộ buổi thẩm vấn. Cô ấy chỉ nhớ được bức ảnh, những câu hỏi hung hăng của cảnh sát và những câu trả lời vô vọng của mình. Khi buổi thẩm vấn kết thúc, cô hỏi “Bây giờ tôi có thể đi được không? Chúng ta đã xong chưa?” Và họ nói “Không, bà Gulbahar Haitiwaji, chúng ta chưa xong đâu.”.

Sau đó cô ấy bị chuyển đi để “giáo dục thể chất”.

Huấn luyện quân sự dài ngày; mệt mỏi, không còn sức lực

Trong trại giam ở Karamay, cô Haitiwaji và những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị bắt lần đầu khác được “huấn luyện quân sự” cường độ cao trong thời gian dài, 11 giờ một ngày. Họ thường được lệnh phải đi diễu binh trong căn phòng, sau đó là đứng bất động trong nửa giờ, có thể là một giờ, thậm chí lâu hơn, khiến cho chân như bị gai đâm, đau nhức không chịu nổi …

Nếu ai đó ngất xỉu, một người bảo vệ sẽ kéo cô lên và tát cô ấy. Nếu cô ấy ngã xuống một lần nữa, người bảo vệ sẽ lôi cô ra khỏi phòng, “Chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại cô ấy nữa. Lúc đầu, điều này làm tôi rất sốc, nhưng sau đó nó đã trở thành một điều bình thường. Bạn có thể quen với bất cứ điều gì, thậm chí là những điều kinh dị”, cô Haitiwaji nói.

Sau gần 5 tháng thẩm vấn kèm theo hành vi lạm dụng tùy tiện trong phòng giam của cảnh sát Karamay, cô Haitiwaji được thông báo mình sẽ phải đi “học”. Cô Haitiwaji kể rằng có lần cô bị phạt còng tay vào giường trong 20 ngày, nhưng cô không biết tại sao mình lại bị trừng phạt.

Cô được cho biết rằng, chính phủ đã xây dựng những trường học này để “sửa sai” cho người Duy Ngô Nhĩ. Những người phụ nữ ở chung phòng giam của cô nói rằng việc này sẽ giống như đi học ở một trường bình thường, với các giáo viên người Hán. Sau khi qua vượt qua, học sinh có thể về nhà.

Tiếp theo là quá trình “đi học” tại trại cải tạo…

Ngày đầu tiên, cô Haitiwaji làm quen với một phụ nữ tên là Nadira. Người phụ nữ này dẫn cô tham quan ký túc xá. Ký túc xá này không có nệm, không có đồ đạc, không có giấy vệ sinh… chỉ có hai người phụ nữ bọn cô sau những cánh cửa sắt.

Cô hiểu ra rằng, đây không phải trường học. Đây là trại cải tạo với quy tắc của quân đội. Trong trại cải tạo, những tiếng còi sẽ thông báo cho “học viên” giờ dậy, giờ đi ngủ, đi ăn. Không được phép trò chuyện. Thời gian trôi qua, sự mệt mỏi đến cực hạn mỗi ngày, cả hai người phụ nữ thậm chí không còn muốn nói chuyện, họ càng ngày càng ít nói.

Lính canh nhìn chằm chằm vào họ, không có cách nào thoát khỏi kiểu giám sát này. Họ không dám thì thầm, thậm chí không dám lau mồm hoặc ngáp bởi họ sợ bị buộc tội là đang cầu nguyện. Muốn ăn hay không cũng phải ăn vì sợ bị gọi là “kẻ khủng bố Hồi giáo”. Từ chối đồ ăn trong trại cải tạo là trái quy định …

Cô Haitiwaji nói: “Vào ban đêm, tôi kiệt sức và mê man trên giường. Tôi quá mệt mỏi, quá mệt mỏi, quá mệt mỏi để suy nghĩ nữa…”

(Còn tiếp)…

RELATED ARTICLES

Tin mới