Thursday, September 19, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaTQ chặn dòng Mekong, dân Campuchia khốn khổ

TQ chặn dòng Mekong, dân Campuchia khốn khổ

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện, khai thác cát, phá rừng, chuyển đổi đất ngập nước và biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến dòng chảy thay đổi.

Ngư dân Tin Yusos cùng vợ và cháu gái ăn mẻ cá vừa đánh bắt từ ngày hôm trước trên chiếc thuyền kiêm mái ấm của họ đang neo đậu bên bờ sông Tonle Sap (Biển Hồ), Campuchia. Họ chuẩn bị lên đường cho một ngày đánh bắt khác ở khu vực sông Tonle Sap và sông Mekong, mặc dù ông Yusos không kỳ vọng nhiều.

Ngư dân Yusos, 57 tuổi, nói với phóng viên của hãng tin Channel News Asia (CNA): “Giờ đây chẳng còn cá to nữa rồi”. Trước đây, mỗi ngày ông Yusos có thể câu được khoảng 30kg cá, nhưng bây giờ ông thường chỉ bắt được khoảng hơn 1kg – với giá trị tương đương khoảng 15.000 riel (3,69 USD).

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện, khai thác cát, phá rừng, chuyển đổi đất ngập nước (wetland) và biến đổi khí hậu khiến mực nước các con sông trong khu vực giảm mạnh, gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động đánh bắt cá và đe dọa nguồn cung cấp lương thực cho hàng triệu người.

Thông thường, mực nước sông Mekong sẽ dâng cao vào mùa mưa khiến nơi hội tụ giữa con sông này và sông Tonle Sap mở rộng, tạo ra một dòng chảy ngược bất thường vào hồ Tonle Sap, cung cấp nguồn nước và nguồn cá dồi dào cho nơi này.

Thế nhưng trong những năm gần đây, dòng chảy đến Tonle Sap – hồ lớn nhất Đông Nam Á – đôi khi bị trì hoãn, một phần nguyên nhân được cho là do hạn hán và các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

Việc 11 đập thủy điện của Trung Quốc có gây hại cho các quốc gia ở vùng hạ nguồn của con sông dài 4.350 km hay không đã trở thành một vấn đề địa chính trị, khi Mỹ thúc giục các quốc gia hạ nguồn sông Mekong yêu cầu Bắc Kinh đưa ra câu trả lời.

Ông Marc Goichot, một chuyên gia từ Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), cho biết việc vận hành các con đập và hoạt động khai thác cát nói riêng có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng cá.

Theo lời chuyên gia này: “Về cơ bản toàn bộ hệ thống đang chịu sức ép và thay đổi. Chúng ta cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những thay đổi đó và tái thiết lập các quá trình quan trọng như sự di chuyển của các loài cá.”

Ly Safi, 32 tuổi, một ngư dân Campuchia khác, cho biết năm nay vụ đánh bắt của anh là tồi tệ chưa từng có, và anh cảm thấy mình đang mắc kẹt trong một cuộc mưu sinh không còn nhiều tương lai.

“Một số ngư dân có thể tiết kiệm được một ít tiền và rời đi để làm kinh doanh trên đất liền, nhưng với chúng tôi thì điều đó là không thể”, Safi nói.

MRC cảnh báo mực nước sông Mekong giảm xuống mức “đáng lo ngại”

Trong một báo cáo hồi tháng trước, Ủy hội sông Mekong (MRC) – cơ quan liên chính phủ đại diện cho Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam quản lý hệ sinh thái lưu vực sông Mekong cho biết, dòng chảy đã giảm xuống mức “đáng lo ngại”.

Quan chức MRC cho biết trong báo cáo: “Đã có những đợt nước dâng và giảm đột ngột ở hạ lưu Cảnh Hồng và giảm mạnh hơn nữa tới Viêng Chăn (Lào). Điều này đã gây ra những thách thức cho chính quyền và người dân trong việc chuẩn bị và ứng phó với những tác động có thể xảy ra”.

Báo cáo của MRC nhấn mạnh rằng thiếu sót trong ngoại giao tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc và các nước hạ nguồn trong vấn đề hợp tác và chia sẻ nguồn tài nguyên chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới