Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaNgười phụ nữ sống sót ở Tân Cương: ‘Linh hồn của chúng...

Người phụ nữ sống sót ở Tân Cương: ‘Linh hồn của chúng tôi đã chết’ (Phần 2)

Người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã sống ở Pháp 10 năm. Năm 2016, cô ấy quay về Tân Cương để ký một số tài liệu và sau đó bị cảnh sát bắt giam. Trong hai năm tiếp theo, cô đã bị trừ khử nhân tính, làm nhục và tẩy não một cách có hệ thống…

Tẩy não cường độ cao và uy hiếp

Sau khi kết thúc đợt huấn luyện quân sự cường độ cao, “lớp học” văn hóa nhằm “sửa sai” cho người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu. Cô Haitiwaji nghĩ rằng học văn hóa sẽ không phải trải qua huấn luyện thể chất cực nhọc. Tuy nhiên, cô nhanh chóng bị choáng ngợp bởi một kiểu kiệt sức khác. Thậm chí cô gần như mất trí khi bị ép tin vào lời nói dối.

Sau một vài ngày “đi học”, cô bắt đầu hiểu thế nào là “tẩy não”. Cô Haitiwaji viết về trải nghiệm của mình: “Cô giáo luôn theo dõi chúng tôi, và tát chúng tôi mỗi khi có cơ hội. Một ngày nọ, một trong những người bạn cùng lớp của tôi, một phụ nữ khoảng 60 tuổi nhắm mắt lại, chắc vì [bà] kiệt sức hoặc sợ hãi.

Cô giáo đã giáng một cái tát dã man vào bà [và hét lên] ‘[Bà] nghĩ tôi không thấy bà đang cầu nguyện sao? Bà sẽ bị trừng phạt!’. Các lính canh lôi bà ra khỏi phòng một cách thô bạo. Một giờ sau, bà ấy quay lại với một bản tự kiểm điểm mà bà đã viết. Cô giáo bắt bà đọc to cho chúng tôi nghe. Bà vâng lời, mặt tái mét, rồi lại ngồi xuống. Tất cả những gì bà ấy đã làm [chỉ] là nhắm mắt lại”.

Mỗi ngày, các học sinh phải “học” 11 giờ. Cô Haitiwaji kể, họ phải lặp lại lời cam kết trung thành với ĐCSTQ mỗi ngày: “Cảm ơn đất nước vĩ đại của chúng tôi. Cảm ơn đảng của chúng tôi. Cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình thân yêu của chúng tôi”.

Cuối ngày họ kết thúc bằng những lời cam kết tương tự: “Tôi cầu chúc cho đất nước vĩ đại của tôi phát triển và có tương lai tươi sáng. Tôi cầu chúc cho tất cả các sắc tộc tạo thành quốc gia vĩ đại duy nhất. Xin gửi lời chúc sức khỏe tới Chủ tịch Tập Cận Bình. Chủ tịch Tập Cận Bình muôn năm”.

Sau khi ăn tối và trước khi đi ngủ, sẽ có thêm một giờ học và ôn lại lần cuối bài tập, vốn đã lặp lại nhiều lần trong ngày. Thứ sáu hàng tuần, có một bài kiểm tra nói và viết. Dưới cái nhìn cảnh giác của những người lãnh đạo trại cải tạo, các học sinh phải lặp lại bài học về ĐCSTQ mà họ được dạy.

“Chúng tôi ngồi bất động trên ghế, lặp đi lặp lại như những con vẹt, nghe họ kể về lịch sử huy hoàng của [Đảng Cộng sản] Trung Quốc – một phiên bản đã được khử trùng, tẩy sạch những hành vi lạm dụng. Trên bìa sách hướng dẫn mà chúng tôi được phát có ghi ‘chương trình giáo dục cải tạo’ … Lúc đầu, tôi cười thầm: Họ thực sự nghĩ rằng chỉ một vài trang tài liệu tuyên truyền có thể phá vỡ [ý chí] của chúng tôi sao?”, cô Haitiwaji viết.

Nhưng thời gian trôi qua, cô cảm thấy kiệt sức, và sự quyết tâm phản kháng kiên định của cô bị kìm hãm trong thời gian dài. Cô cố gắng để không đầu hàng, nhưng quá trình tẩy não cưỡng bức tiếp tục diễn ra, nghiền nát cơ thể đau đớn của cô. Cô viết: “Đây là sự tẩy não – lặp đi lặp lại những từ ngu ngốc giống nhau suốt cả ngày”. Kiểu tẩy não này “làm suy yếu khả năng phản biện của chúng tôi, nó lấy đi những ký ức và suy nghĩ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi. Sau một thời gian, tôi không còn nhớ rõ được khuôn mặt của chồng tôi Kerim và các con gái tôi. Chúng tôi bị [ép phải] làm việc cho đến khi chúng tôi chẳng khác gì những con vật ngu ngốc.”

“Chúng tôi bị ra lệnh phải từ chối chính bản thân mình, phải phỉ báng truyền thống của chúng tôi, phỉ báng niềm tin của chúng tôi, phải chỉ trích ngôn ngữ của chúng tôi, phải xúc phạm người dân của chúng tôi. Những người phụ nữ như tôi, những người đã ra khỏi trại [cải tạo], không còn là chính mình nữa. Chúng tôi là những cái bóng; linh hồn của chúng tôi đã chết…

Chúng tôi bị buộc phải tin rằng những người thân yêu của tôi, chồng tôi và con gái tôi, là những kẻ khủng bố. Tôi đã ở rất xa, quá cô đơn, kiệt quệ và cô lập, đến nỗi cuối cùng tôi gần như còn tin vào điều đó. Chồng tôi, Kerim, con gái tôi Gulhumar và Gulnigar – tôi đã tố cáo “tội ác” của họ. Tôi đã cầu xin ĐCS [Trung Quốc] tha thứ cho những hành động tàn bạo mà cả tôi và họ đều không phạm phải.”

Tẩy não bạo lực khiến người ta từ từ quên mất chính mình

Cô bị giam trong “trại cải tạo” hai năm. Trong suốt quá trình này, những người xung quanh cô: cảnh sát thẩm vấn, lính canh, giáo viên… đã làm mọi cách để thuyết phục những “học sinh” về lời nói dối khổng lồ mà ĐCSTQ sử dụng để duy trì chương trình cải tạo này.

Lời nói dối đó là: Người Duy Ngô Nhĩ là những kẻ khủng bố và bởi vậy cô, Gulbahar Haitiwaji, một người Người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong ở Pháp 10 năm là một kẻ khủng bố.

Làn sóng tuyên truyền tẩy não ập đến với cô trong trại cải tạo. Vài tháng sau, cô ấy bắt đầu mất trí. Linh hồn cô ấy đã tan nát và không bao giờ có thể lấy lại được.

Cô Haitiwaji nhớ lại: “Trong cuộc thẩm vấn tàn bạo của cảnh sát, tôi đã quỳ lạy nhận tội quá nhiều đến mức thậm chí tôi còn giả vờ thú nhận. Họ cố thuyết phục tôi rằng, tôi thú nhận ‘tội ác’ của mình càng sớm thì tôi càng có thể rời đi sớm hơn. Tôi đã kiệt sức và cuối cùng đã phải chịu thua. Dù bạn có đấu tranh với tẩy não mệt mỏi thế nào đi chăng nữa, nó vẫn hoạt động bên trong [bạn]. Mọi mong muốn và hoài bão đều rời bỏ bạn. Không có sự lựa chọn, chỉ có thể từ từ và đau đớn ngã xuống cái chết – hoặc là chịu khuất phục. Nếu bạn giả vờ ngoan ngoãn, nếu bạn giả vờ rằng bạn đã đánh mất sức mạnh trong cuộc đấu tranh tâm lý với cảnh sát, thì ít nhất bạn có thể bám víu vào chút tỉnh táo và tự nhận thức được mình là ai.”

Cô nhớ lại: “Tôi không tin bất cứ điều gì tôi nói với họ. Tôi chỉ đơn giản là diễn tốt nhất để trở thành một diễn viên giỏi”.

Những người mới bị bắt vào trại cải tạo rất khác với những người đã bị giam lâu năm

Cô đề cập rằng sự khác biệt giữa những người mới vào trại cải tạo và những người đã bị giam giữ ở đó trong thời gian dài là rõ ràng.

Cô Haitiwaji nói rằng những người vừa mới bị bắt có vẻ khó chịu; họ luôn muốn nhìn vào mắt người khác khi ở hành lang. Tuy nhiên, những người ở đó lâu ngày lại nhìn xuống chân mình. Họ xếp hàng và đi xung quanh như những con rô bốt. Khi có tiếng còi, bọn họ lập tức chú ý mà không cần chớp mắt.

Cô xúc động nói: “Chúa ơi, điều gì đã khiến họ trở thành như thế này?”

Môi trường sống tàn khốc đã hủy hoại nhân phẩm của con người. Cô cũng kể rằng trong ký túc xá nơi cô sống không có nệm, không có bàn ghế, không có giấy vệ sinh, cửa sổ luôn đóng và hai camera quay liên tục ở hai góc cao của căn phòng… Cô nói: “Tôi đã hoàn toàn mất cảm giác về thời gian. Không có đồng hồ, tôi đoán thời gian dựa trên mức độ nóng hay lạnh của ngày.”

Cô đã bị tẩy não trong trại cải tạo trong 2 năm và sau đó được tha bổng.

Vào ngày 2/8/2019, sau một phiên tòa ngắn ngủi, một thẩm phán ở Karamay đã tuyên bố cô vô tội. Nghe câu này, cô không thấy vui gì, nổi lên trước mắt cô là những ngày tháng cô khẳng định mình vô tội; những đêm trằn trọc trên giường, tức giận vì không ai tin cô. Và cô cũng nghĩ tất cả những lời thú nhận giả tạo mà cô đã nói, tất cả những lời dối trá cô bị buộc phải nói.

“Họ đã kết án tôi 7 năm cải tạo. Họ đã hành hạ cơ thể tôi và đẩy tâm trí tôi đến bờ vực của sự điên loạn. Và bây giờ, sau khi xem xét vụ án của tôi, một thẩm phán đã quyết định rằng không, trên thực tế, tôi vô tội. Tôi đã được thả tự do”, cô Haitiwaji kết luận khi chia sẻ với giới truyền thông về những tổn hại thể chất và tinh thần trong quá trình bị giam giữ ở trại cải tạo của ĐCSTQ.

Trải nghiệm của cô Gulbahar Haitiwaji đã được viết thành sách. Bài viết đăng tải trên The Guardian là một trích đoạn đã được biên tập trong cuốn sách Survivor of the Chinese Gulag (Tạm dịch: Kẻ sống sót từ trại Gulag của Trung Quốc) do cô Haitiwaji và nhà báo Rozenn Morgat đồng sáng tác. Một số tên gọi trong bài viết đã được chỉnh sửa.

Hết

RELATED ARTICLES

Tin mới