Sunday, May 5, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaTầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao...

Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao thông trên biển (Kỳ 1)

Trong tình hình an ninh hiện tại, có một số yếu tố bất ổn đáng chú ý đang đe dọa an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Những yếu tố này có thể được chia thành hai loại chính; yếu tố truyền thống và yếu tố phi truyền thống.

Ảnh minh họa

NHỮNG YẾU TỐ GÂY BẤT ỔN TRONG AN NINH KHU VỰC HIỆN NAY

Những yếu tố truyền thống, trước hết, là một số cơ chế đối đầu vẫn còn tồn tại từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ví dụ tại Bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan vẫn bao trùm bóng đen của sự bất ổn, không chắc chắn và không thể dự báo. Hai là, sự phát triển nhanh chóng của sức mạnh quân đội Trung Quốc mà chủ yếu là lực lượng hải quân và không quân, cũng như việc sử dụng không gian và mạng trong lĩnh vực quân sự, điều có thể phá vỡ thế cân bằng lực lượng quân sự trong khu vực. Ba là, các tranh chấp lãnh thổ, tôn giáo và sắc tộc do những tranh cãi từ lịch sử. Đặc biệt, tranh chấp đảo có thể phát triển thành xung đột vũ trang. Bốn là, sự đối đầu về lợi ích biển – có liên quan quan mật thiết đến tranh chấp lãnh thổ đối với các hòn đảo. Tất cả các yếu tố kể trên đều có thể tác động nghiêm trọng đến an ninh và sự ổn định tổng thể của khu vực, bởi vì chúng có khả năng gây trở ngại đối với sự an toàn của các tuyến giao thông trên biển (SLOC).

Những yếu tố phi truyền thống là những yếu tố mới chỉ xuất hiện rõ ràng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Một là, việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo từ Đông Bắc Á đến Pakistan, Iran và những khu vực khác, chủ yếu thông qua các tuyến giao thông trên biển trong khu vực. Hai là, việc gia tăng cường độ của các hoạt động khủng bố như đánh bom, do có sự tăng cường quan hệ giữa các tổ chức khủng bố quốc tế với các nhóm có liên quan khác trong và ngoài khu vực, chủ yếu nhằm vào các quốc gia quản lý yếu kém, các vùng biển đảo, hoặc các đảo hẻo lánh. Tình trạng này càng trở nên rõ ràng hơn kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9. Ba là, xu hướng toàn cầu hóa và tái tổ chức các hoạt động tội phạm phi pháp xuyên đại dương, ví dụ cướp biển, buôn bán ma túy, buôn lậu người trong khu vực. Bốn là, nhìn từ góc độ dài hạn, tham vọng của Trung Quốc muốn duy trì vị trí bá chủ trên biển. Điều đó được thể hiện thông qua các nỗ lực của nước này trong việc xây dựng cái gọi là “chuỗi ngọc trai” – một chuỗi các cơ sở chiến lược (chính trị, kinh tế và quân sự) – dọc theo các tuyến đường biển chính nối Trung Quốc với Đông Bắc Á.

Thông qua việc xem xét những yếu tố bất ổn này, chúng ta có thể tìm thấy một số từ khóa chung. Trong đó “an ninh biển” và “những rủi rõ từ Trung Quốc” là những từ khóa quan trọng nhất đối với sự ổn định tổng thể của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA AN NINH BIỂN

1. “An ninh biển” đối với mạng lưới giao thông hàng hải (Broad SLOC)

“An ninh biển” rất quan trọng đối với kinh tế khu vực. Nền kinh tế khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, đã được phát triển và phụ thuộc rất nhiều vào vận tải biển qua các tuyến giao thông an toàn trên biển. Đặc biệt, nguồn tài nguyên dầu mỏ vô cùng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của Nhật Bản cũng như khu vực phụ thuộc rất lớn vào sự an toàn của các tuyến giao thông dài – rộng trên biển kết nối Ấn Độ Dương, eo biển Malacca – Singapore, Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Do vậy, các tuyến giao thông trên biển này thực chất là huyết mạch của toàn bộ khu vực. Trên thực tế, eo biển Malacca – Singapore là “mạch sống của các quốc gia Đông Bắc Á” bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Nhật Bản. Điều đó khiến cho eo biển này trở thành “gót chân Asin” của nền kinh tế thế giới. Hằng năm có khoảng 50.000 tàu – hơn một phần tư tổng số tàu vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới – và khoảng một nửa sản lượng thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc lưu thông qua eo biển này. Nếu chỉ tính riêng các tàu chở dầu thì khoảng 50% lượng tàu chở dầu của toàn thế giới và 85% tàu chở dầu từ khu vực Trung Đông đến vùng Đông Bắc Á đi qua eo biển Malacca – Singapore.

Việc đảm bảo an ninh biển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh khu vực. Tuy nhiên, các tuyến giao thông trên biển không chỉ dừng lại trong phạm vi một khu vực. Hoạt động thương mại trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Châu Đại Dương và Nam Thái Bình Dương liên tục phát triển trong những năm qua với sự gia tăng của nguồn cung năng lượng, tài nguyên và thực phẩm từ Úc sang các quốc gia Đông Bắc Á. Ví dụ: Uranium, than đá, khí tự nhiên, quặng sắt, đất hiếm… Sự phát triển kinh tế vượt bậc của Ấn Độ, mà dẫn đầu là ngành công nghệ thông tin, cũng đã khiến cho các khu vực ngày càng nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của “Mạng lưới giao thông hàng hải” (Broad SLOC) là huyết mạch của cả một khu vực thống nhất, mở rộng xa ra ngoài khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tới các vùng nước lân cận thuộc Châu Đại Dương, Nam Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương.

Trong các tuyến giao thông chính trên biển gần với Nhật Bản, những tuyến nằm trong khu vực Châu Đại Dương, Nam Thái Bình Dương, và Đông Thái Bình Dương đều tương đối ổn định, không tồn tại mối đe dọa đáng kể nào. Tại những khu vực này, Mỹ duy trì sự ảnh hưởng, áp đảo bằng việc đặt các cứ điểm quân sự tại Hawaii, Guam và bờ Tây nước Mỹ. Sự hiện diện của các đồng minh chính trên biển theo chế độ dân chủ, như Úc và Canada, cũng đảm bảo thêm cho sự ổn định của những tuyến giao thông trên biển. Nếu tồn tại bất kỳ sự đe dọa đáng kể nào đối với khu vực, thì đó là khả năng Trung Quốc sẽ tiến quân ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương, trong khi nước này đang trỗi dậy thành một cường quốc quân sự lớn mạnh của thế giới. Vì thế, mọi động thái của nước này cần phải được liên tục chú ý. Về vấn đề này, liên minh giữa các cường quốc biển và dân chủ chính ở Thái Bình Dương của Nhật Bản, Úc và Canada cùng với Mỹ – những cường quốc biển mạnh nhất và lớn nhất thế giới – ở trung tâm sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh biển trên toàn bộ khu vực liên Thái Bình Dương.

2.Liên hiệp an ninh biển bảo về các tuyến hàng hải trọng yếu trong khu vực Châu Á mở rộng

Đối với  Nhật Bản và Mỹ, liên minh (hay thậm chí là bán liên minh) với Úc sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với an ninh khu vực của các tuyến giao thông biển trọng yếu mà còn với an ninh trên toàn khu vực. Úc là một trong những đối tác quan trọng nhất và không thể tách rời đối với cả Nhật Bản và Mỹ trong khu vực “Châu Á mở rộng” kéo dài từ phía Bắc đến phía Nam của Châu Á.

Úc chia sẻ những giá trị cơ bản với Nhật Bản như tôn trọng tự do, nhân quyền và dân chủ, và là một đồng minh với Mỹ giống như Nhật Bản. Mặc dù chú trọng các khu vực lân cận như Timor-Leste và quần đảo Solomo, nước Úc cũng đã tham gia một cách tích cực và sâu rộng vào việc giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế, chẳng hạn như những vấn đề ở Afghanistan.

Mặt khác, xét theo bối cảnh nêu trên, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia quan trọng nhất trong khu vực “Châu Á mở rộng” trải dài từ phía Đông sang phía Tây của Châu Á. Hợp tác an ninh biển giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ có lẽ không hề kém quan trọng so với hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Úc để đảm bảo an ninh cho một phần của các tuyến giao thông hàng hải rộng lớn.

Khu vực Ấn Độ Dương nhận được khá ít sự quan tâm là các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương về cả khía cạnh kinh tế lẫn an ninh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tầm quan trọng của khu vực Bắc Ấn Độ Dương ngày càng được thừa nhận bởi nó có mối quan hệ với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trên cả hai phương diện kinh tế và an ninh.

Đất nước có sức mạnh ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Bắc Ấn Độ Dương là Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất trên thế giới được điều hành bởi chính quyền được lựa chọn thông qua bầu cử đa đảng tự do. Thêm vào đó, Ấn Độ chia sẻ nhiều giá trị và hệ thống cơ bản chung với Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác như tự do, dân chủ và kinh tế thị trường.

Thúc đẩy tự do hóa và cải cách nền kinh tế từ những năm 1990. Ấn Độ đã duy trì một tốc độ phát triển kinh tế cao thông qua việc đẩy mạnh công nghệ kỹ thuật và lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhờ sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của mình, Ấn Độ đang thực hiện các hoạt động ngoại giao khá tích cực và đa dạng nhằm nâng cao sự hiện hiện của mình trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, tuyến đường bộ nối liền khu vực Bắc Ấn Độ Dương với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lại chưa được phát triển đầy đủ. Chính điều đó đã làm tăng sự lệ thuộc vào các tuyến giao thông biển qua khu vực. Hơn thế nữa, đối với cả hai khu vực Bắc Ấn Độ Dương và Châu Á – Thái Bình Dương, việc không cần sử dụng nguồn tài nguyên biển hay những hoạt động liên quan đến tài nguyên biển, như nghề cá và tài nguyên đáy đại dương, là chìa khóa cho sự phát triển trong tương lai. Chính vì những lý do này, bất kỳ sự xáo trộn hoặc phá vỡ nào đối với các tuyến giao thông trên biển cũng có khả năng gây ra những hậu quả nghiệm trọng đối với nền kinh tế và an ninh của khu vực này.

Còn nữa…

RELATED ARTICLES

Tin mới