Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề xu hướng "Quốc tế hóa" Biển Đông

Về xu hướng “Quốc tế hóa” Biển Đông

Gần đây một số nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm “Quốc tế hóa Biển Đông”. Đây là vấn đề rất mới, cần có sự nghiên cứu toàn diện, bàn thảo kỹ lưỡng. Mỹ và các đồng minh phương Tây xem ra có vẻ hồ hởi. Còn Trung Quốc thì vờ như không biết.

Vấn đề này rộ lên khi mới đây xuất hiện chuyến thăm của tàu Pháp tới Cam Ranh, Việt Nam. Cụ thể là hôm 12/3, tàu hộ vệ trinh sát Prairial của hải quân Pháp đã rời cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Tàu Prairial xuất phát từ một căn cứ của Pháp ở Tahiti hôm 15/1 và đến Cam Ranh hôm 9/3. Vậy là “vị khách” này đã dừng chân ở Việt Nam trong bốn ngày.

Trong bối cảnh các quốc gia Châu Âu như Đức, Anh tăng cường đưa tàu chiến của họ tham gia tuần tra bảo đảm hàng hải trên Biển Đông, việc Pháp bỗng nhiên phái  tàu hộ vệ trinh sát đến Việt Nam là sự kiến đáng chú ý. Đương nhiên, nó phải được sự đồng ý và tính toán kỹ lưỡng của Hà Nội. Và đây có thể là yếu tố quan trọng trong vấn đề Biển Đông thời gian tới.

Đây không phải lần đầu Pháp đưa tàu tới Biển Đông. Trước đó nước này đã điều tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf làm nhiệm vụ trong thời gian ba tháng ở khu vực Thái Bình Dương, để chuẩn bị tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5 tới.

Dịp này, Bộ Quốc phòng Anh cũng thông báo, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng sẽ tới Đông Nam Á vào tháng 4 cho tới tháng 6. Hải quân Anh sẽ tham gia cuộc tập trận với hải quân các nước như Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan.

Tháng 1/2021, Canada đưa khu trục hạm Winnipeg đi qua eo biển Đài Loan. Thông điệp mà Canada đưa ra là: “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do – rộng mở”.

Trước sự xuất hiện dồn dập của tàu chiến các nước Châu Âu tại Biển Đông, các nhà quan sát, bình luận quốc tế cho rằng, Châu Âu can dự ngày càng nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông. Họ có những động thái thúc đẩy cả về ngoại giao và quân sự. Như vậy, các đồng minh của Mỹ đang góp phần thúc đẩy “Quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông.

Như vậy, tới đây khi nói tới tranh chấp Biển Đông, nội hàm của khái niêm này sẽ không đề cập đến tranh chấp giữa Trung Quốc với các bên tranh chấp trực tiếp khác, như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Nhật Bản… Sự tranh chấp sắp tới sẽ trở thành một vấn đề an ninh quốc tế. Và mục đích của tranh chấp không có lý do nào khác ngoài vấn đề lợi ích, cụ thể là các nước châu Âu cũng mong tìm kiếm những lợi ích kinh tế và an ninh khổng lồ của mình ở kho báu Biển Đông. Những lợi ích đó song trùng lợi ích giữa chính sách của các nước Châu Âu và đồng minh Mỹ, cùng các đối tác ở Đông Nam Á.

Lợi ích của các bên tranh chấp là vấn đề còn phải bàn thảo dài dài, nhưng trước mắt việc “Quốc tế hóa” Biển Đông sẽ trở thành một công cụ đắc dụng kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi mà họ nuôi âm mưu độc chiếm, biến thành “ao nhà” của mình.

Khi vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, đương nhiên Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn gấp bội. Đối thủ của họ không chỉ là Mỹ, là các nước ASEAN đang có tranh chấp, mà là các đồng minh Mỹ, là “Bộ tứ kim cương”. Và tranh chấp ở đây không chỉ là tranh chấp chủ quyền ở từng thực thể cụ thể mà là tranh chấp về vị địa chính trị, khả năng về an ninh, quốc phòng.

Từ lâu Bắc Kinh không giấu diếm việc cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Sáng kiến của họ về “Vành đai và con đường” được ví như con tàu khổng lồ chở âm mưu và lợi ích Trung Quốc. Nó không chỉ tranh thủ được các đối tác về ngoại giao, kinh tế, kết nối địa chiến lược, hơn thế, nó giúp nhà cầm quyền Bắc Kinh “tiêu thụ” sự thặng dư nguồn lực của nước này.

Trong khi Trung Quốc muốn không đánh mà thắng, muốn thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” xơi dần miếng bánh khổng lồ trên biển thì miếng bánh ấy đang được bày ra cho thiên hạ dòm ngó và…cùng  thưởng thức.

Bài toán thật là hóc búa với ông Tập và các bộ óc bành trướng vô cùng nhanh nhạy chớp thời cơ vu cáo, ăn hiếp các nước yếu thế.

RELATED ARTICLES

Tin mới