Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaQuản lý hoặc giải quyết các tranh chấp biên giới biển ở...

Quản lý hoặc giải quyết các tranh chấp biên giới biển ở Biển Đông: Những thách thức và cơ hội (Kỳ 3)

Hầu hết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc. Đối với riêng những tranh chấp song phương của các thành viên ASEAN (là một tổ chức luôn hoạt động vì hợp tác và hòa hợp khu vực).

Chuyên gia Nga: Tranh chấp Biển Đông đã mang tính toàn cầu

ASEAN và các tranh chấp Biển Đông

 Một vài tranh chấp trong số này đã từng trở thành chủ đề của các hiệp định hợp tác phát triển hoặc là tiếp tục đàm phán, nổi bật là Khu vực Hợp tác phát triển chung giữa Malaysia và Thái Lan (MTJD) trong vùng vịnh phía Nam Thái lan và một thỏa thuận giữa Malaysia và Brunei. Tại khu vực hợp tác MTJD, các nước đang tích cực khai thác sản xuất khí đốt tự nhiên trên cơ sở phân chia lợi nhuận 50-50.

Có thể nói, tranh chấp Biển Đông là một vấn đề chính trị của các mối quan hệ trong ASEAN kể từ Tuyên bố Manila năm 1992, trong đó sáu nước ASEAN cam kết giải quyết các vấn đề chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, và hợp tác về một loạt các mối quan tâm chung như an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường, tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và chống buôn bán ma túy. Đến năm 1995, Trung Quốc đã can dự trực tiếp hơn vào khu vực, khi mà ngư dân Philippines phát hiện ra các lực lượng     Trung Quốc đã bí mật chiếm giữ đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Trung Quốc cũng đã xây dựng công trình để hỗ trợ các hoạt động biển tại khu vực này. Trung Quốc đã lùi bước khi đối mặt với một liên kết ASEAN, tuy nhiên đã xảy ra một loạt các sự cố tiếp theo đó và điều này đã dẫn đến việc đưa ra Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuyên bố này thực tế không bao gồm một Bộ Quy tắc ứng xử.

Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 (ngay sau khi sự cố Đá Vành Khăn) như là một phần của chiến lược tự bảo vệ bằng cách đặt mình vào các tổ chức quốc tế. Việc gia nhập ASEAN của Việt Nam gần như thất bại hoàn toàn trong việc bảo vệ nước này khỏi những cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, tuy nhiên việc làm này bước đầu đã góp phần vào thỏa thuận về việc phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Từ một góc độ khác, sự đối đầu lâu dài Trung Quốc và Việt Nam kèm với những phản đối liên tục của Việt Nam đối với các hành động quyết liệt của Trung Quốc tại Trường Sa đã khiến vấn đề trở nên gai góc hơn và gây ảnh hưởng đến phương cách đồng thuận chung giữa ASEAN. Hơn nữa, việc gia nhập của Việt Nam không thực sự ảnh hưởng đến những ưu thế chính của Trung Quốc đó là ưu thế về sức mạnh vượt trội.

Triển vọng về khai thác chung

Đề xuất khai thác chung là giải pháp tốt nhất cho tranh chấp ở Biển Đông và tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng những trở ngại đến nay dường như không thể vượt qua. Trên thực tế, việc khai thác chung cũng vấp phải khó khăn ngay giữa các chính phủ ASEAN, những nước có sự đồng thuận chung về một bộ nguyên tắc – đó là UNCLOS và những án lệ được đưa ra bởi các tòa án quốc tế.

Một vài khía cạnh trong cách tiếp cận của Trung Quốc về khai thác chung các nguồn tài nguyên ở Biển Đông đến nay không có triển vọng thành công. Quan điểm cơ bản của Trung Quốc là “những gì của ta thì thuộc về ta nhưng những gì mà bạn yêu sách theo quy tắc UNCLOS hoặc các tiêu chuẩn khác thì có thể khai thác chung”. Ngoài ra, Bắc Kinh khăng khăng về việc các bên tham gia phải ký kết thỏa thuận song phương riêng với Trung Quốc, nhằm mục đích tối đa hóa tầm ảnh hưởng của nước này, chứ không phải là một thỏa thuận mang tính đa phương. Hơn nữa, đến nay đề xuất của Trung Quốc với Philippines ở quần đảo Trường Sa và với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông đều đòi hỏi sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Nói rộng hơn, Trung Quốc và ASEAN có những nguyên tắc khác nhau trong việc giải quyết tranh chấp. Trung Quốc muốn tìm kiếm các thỏa thuận về cơ bản mang tính chính trị và nhằm mục tiêu củng cố mối quan hệ. Một phần vì sự yếu kém khi so sánh sức mạnh với Trung Quốc và có thể là vì họ kế thừa những yêu sách và ranh giới của chế độ thống trị thực dân trước đây thiết lập có thể giúp củng cố yêu sách. Vì vậy các quốc gia ASEAN hướng tới những thỏa thuận “có cơ sở pháp lý” dựa trên nguyên tắc UNCLOS.

Hiệp định Vịnh Bắc Bộ và những tác động đến Biển Đông

Hiệp định Ranh giới năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc giải quyết thực sự và thành công một tranh chấp về ranh giới trên biển với mọt nước láng giềng. Tuy rằng đường biên giới sau đó cũng phát sinh một số vấn đề, hai bên không chỉ cuối cùng đã vượt qua nhiều thập kỷ ngờ vực và thất bại trong việc giải quyết ranh giới biển của mình, mà còn bắt đầu bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, Việt – Trung thực hiện điều đó dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế đã được thừa nhận.

Những ranh giới đã thỏa thuận đánh dấu vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế của cả Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, thỏa thuận cũng tuân theo các tiền lệ về tỷ lệ cân xứng trong việc xác định đường ranh giới khi tính đến các đảo. Cụ thể, đảo Bạch Long Vỹ của Việt Nam, ở giữa vịnh, được hưởng 25% hiệu ứng bình thường trong việc phân định ranh giới, trong khi đảo Cồn Cỏ nằm gần bờ hơn, một đảo khác của Việt Nam, được hưởng 50% hiệu lực. Sau đó, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích trong 126.000 km² vuông diện tích Vịnh đưa ra đàm phán và phía Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích còn lại. Đối với nguồn tài nguyên dưới đáy biển nằm giữa đường ranh giới của hai nước, hiệp định cũng bao gồm một điều khoản quy định rằng hai bên tiến hành khai thác chung các nguồn tài nguyên này trên cơ sở đàm phán “công bằng”. Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký thỏa thuận cùng thăm dò dựa trên nguyên tắc này vào năm 2007, mặc dù vẫn chưa có dự án khai thác nào hình thành từ thỏa thuận này.

Các thỏa thuận về đường ranh giới có hiệu lực vào năm 2004 được phía Trung Quốc và Việt Nam cùng phê chuẩn, và đi cùng một hiệp định song song về quản lý nghề cá được thông qua cùng ngày. Hiệp định nghề cá này nhằm mục đích cho phép quản lý thành công nguồn lợi thủy sản ở ranh giới biển mới được hình thành để ngăn chặn khả năng cạn kiệt nguồn tài nguyên này. Giống như nhiều khu vực biển khác trên thế giới, việc khai thác quá mức đe dọa các quần thể cá và đỏi hỏi một nỗ lực đa phương để ngăn chặn có hiệu quả. Mặc dù đương nhiên có những va chạm giữa ngư dân và cơ quan ngư nghiệp của cả hai bên và những xích mích ở Biển Đông tiếp tục thử thách mối quan hệ hai nước, hoạt động tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ tiếp tục kể từ năm 2005.

Trong khi Hiệp định Vịnh Bắc Bộ mở ra tiền đề về hợp tác giữa hai bên yêu sách lớn nhất ở Biển Đông, tiềm năng của nó khá hạn chế. Cụ thể là, thỏa thuận về Vịnh không đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề chủ quyền đối với các đảo, nó chỉ đơn giản là phân định ranh giới giữa hai quốc gia theo truyền thống lâu đời về phân định vùng nội hải dọc theo đường trung tuyến giữa hai bờ.

Tuy nhiên, vấn đề ở Biển Đông là quyền sở hữu các chuỗi đảo và việc kiểm soát các khu vực biển tương ứng mà UNCLOS quy định được hưởng. Đây là một vấn đề phức tạp hơn rất nhiều, đặc biệt khi UNCLOS không đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp chủ quyền và việc Trung Quốc không sẵn sàng đàm phán về vấn đề này. Hiệp định Vịnh Bắc Bộ cho thấy lãnh đạo Trung Quốc công nhận tính hợp pháp của luật pháp quốc tế trong việc phân định các khu vực biển nhưng chỉ khi mà họ thực sự muốn ngồi vào bàn đám phán, điều mà hiện nay Trung Quốc không sẵn sàng làm ở Biển Đông.

Thỏa thuận khảo sát địa chấn biển chung và bài học về chính trị nội bộ

Trong số những thỏa thuận khác nhau được ký giữa Trung Quốc và Philippines năm 2004, có lẽ gây tranh cãi nhất là Thỏa thuận Khảo sát Địa chấn Biển chung giữa CNOOC và Công ty Dầu khí quốc gia Philippines (PNOC), và sau đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thỏa thuận này là một nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các bên tranh chấp ở Biển Đông bằng việc gác lại vấn đề chủ quyền vì những lợi ích kinh tế chung. Nó liên quan đến các hoạt động thăm dò đáy biển ngoài khơi của Philippines để thiết lập một khuôn khổ khai thác chung trong tương lai. Đầu năm 2005, Việt Nam cũng tham gia thỏa thuận này, hình thành một thỏa thuận ba bên giữa ba nước tranh chấp lớn nhất, mặc dù ban đầu Việt Nam đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này và cáo buộc nó vi phạm Tuyên bố ứng xử được ký kết giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN có liên quan vào năm 2002.

Năm 2008, dự án bị ngừng lại khi vấn đề một lần nữa được đưa ra bàn luận trong giới chính trị Philippines. Vào thời điểm đó, Tổng thống Philippines Gloria Arroyo và chồng của bà là ông Arroyo Jose, đối mặt với những lời tố cáo về tham nhũng và hành vi sai trái, bị cáo buộc nhận hối lộ từ các công ty Trung Quốc để đưa ra các hợp đồng ưu đãi. Mặc dù những hợp đồng nói trên không liên quan tới Hiệp ước Thăm dò chung (JMSU), hoạt động khảo sát ba bên chắc chắn bị ảnh hưởng do vụ bê bối này, một phần là bởi bản chất của hợp đồng đó là một thỏa thuận kinh doanh với phía Trung Quốc và cũng bởi các điều khoản của nó.

Mặc dù tinh thần ban đầu của thỏa thuận này là gác lại vấn đề chủ quyền tiến tới gặt hái những lợi ích kinh tế từ việc khai thác chung, nhiều người xem thỏa thuận này là sự ưu ái không cần thiết đối với Trung Quốc. Một phần đáng kể của khu vực kháo sát nằm bên trong vùng biển Philippines, khu vực mà Trung Quốc hay Việt Nam đều không tranh chấp. Một vài người lập luận rằng, điều này là trái Hiến pháp, trích dẫn Điều XII, Mục 2 trong Hiếp pháp của Philippines.

“Nhà nước có thể trực tiếp tiến hành các hoạt động như vậy, hoặc có thể ký kết các thỏa thuận cùng sản xuất, liên doanh, hoặc phân chia sản phẩm với công dân Philippines, hoặc các công ty hoặc các hiệp hội có ít nhất 60% vốn thuộc sở hữu của những công dân đó”.

Nhiều người Philippines coi điều này là “sự bán rẻ” cho Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều chi tiết quan trọng của JMSU không được tiết lộ công khai, càng tăng thêm những đồn đoán về việc tham những. Cuối cùng, cơn bão chính trị đã nổ ra và chắc chắn JMSU sẽ không được Chính phủ Philippines gia hạn và giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ không bao giờ được thực hiện.

Thỏa thuận có quy mô chính trị khu vực quan trọng. Một quan điểm phổ biến ở Philippines và các nơi khác cho rằng, đó là một sai lầm nghiêm trọng khi “phá vỡ hàng ngũ” với các đối tác ASEAN, những quốc gia đang cố gắng đối phó với Trung Quốc như một khối thống nhất để buộc nước này có thái độ hợp tác hơn trong khu vực. Người ta lập luận rằng, khi làm như vậy, Philippines đã mang lại tính hợp pháp cho những quyền và yêu sách của Trung Quốc ở Biển đông, đặc biệt khi Philippines mở ngỏ các khu vực không có tranh chấp cho thỏa thuận JMSU. Thỏa thuận này không đem lại bất kỳ lợi ích kinh tế rõ rệt nào đối với Trung Quốc hay Philippines.

Những chỉ trích nhằm vào Philippines về việc phá vỡ hàng ngũ chỉ có cơ sở khi ASEAN thực sự cam kết duy trì một mặt trận chung. Ngoài mặt trận thống nhất được ASEAN thể hiện sau sự kiện Đá Vành Khăn năm 1995, những nỗ lực của ASEAN nhằm thể hiện là một khối gắn kết trước Trung Quốc vẫn còn có vấn đề. Những gì diễn ra tại Phnôm Pênh tháng 7/2012 cho thấy rõ sức kháng cự của Trung Quốc trước áp lực từ các nước ASEAN mạnh hơn so với cam kết của khối này về sự đoàn kết khu vực.

Dù cho những chỉ trích đối với JMSU có cơ sở hay không, thì sự đổ vỡ của thỏa thuận ba bên cũng đã đem lại một bài học mục tiêu quan trọng. Không một thỏa thuận nào có thể thành công nếu thiếu sự đồng thuận chính trị trong nước, nếu không được ủng hộ. Bài học cho Trung Quốc là trong khi siêu cường có thể thay đổi hoàn cảnh khách quan, các chính phủ vẫn phải đáp ứng quan điểm trong dân chúng. Đề xuất khai thác chung cần phải trực tiếp hoặc gián tiếp đem lại những lợi ích thích đáng để xoa dịu tình cảm dân tộc.

RELATED ARTICLES

Tin mới