Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu TQ tràn đến Trường Sa – một thách thức lớn đối...

Tàu TQ tràn đến Trường Sa – một thách thức lớn đối với Hà Nội

Đến ngày 1/4, hơn 200 tàu Trung Quốc không chỉ đe dọa an ninh của Philippines nữa, mà nó uy hiếp trực tiếp đến an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Bất ngờ các tàu cá trá hình xé nhỏ ra thành từng tốp từ 10 đến 30, rồi 50 tàu, gần như vây hãm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chưa thấy phản ứng từ Hà Nội. Nhưng hành động này quả thật rất trắng trợn. Nếu như khi tàu Trung Quốc mới xuất hiện ở Đá Ba Đầu, hôm 7/3, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Bắc Kinh còn nói lấp liếm rằng, do thời tiết xấu, tàu phải trú tạm, thì hôm nay, cái lý do đó không thể nại ra được nữa.

Đổ vấy cho “ông giời” nhưng Manila không chấp nhận cái thói chớt nhả của một thằng hề! Philippines đã phản đối rất quyết liệt. Mỹ và các nước Pháp, Đức, Anh, Nhật, Úc, Canada đã phản ứng ngay sau đó. Thế là Bắc Kinh “nhổ neo” hướng ra Trường Sa. Âm mưu của họ chỉ nói gọn trong một câu: Khẳng định chủ quyền tại đảo Nam Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) và sẵn sàng tạo cớ gây xung đột trên biển. Bởi Luật hải cảnh của nước này đã cho phép nổ súng khi “bị uy hiếp”.

Theo báo Manila Bulletin của Philippines đưa tin vào cuối ngày 31/3, dẫn hình ảnh và tài liệu của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines (Biển Đông), phần lớn tàu Trung Quốc trước đó ăn vạ tại đá Ba Đầu đã tản ra các khu vực khác. Manila đang tiếp tục theo dõi, không chủ quan, bát ngờ.

Các tàu được cho là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển có thể đang tiến hành các hoạt động tương tự như tuần tra, khảo sát. Số lượng tàu liên tục tăng giảm và không qua được sự theo dõi chặt chẽ của Manila. Cụ thể, số lượng tàu giảm xuống còn 183 vào ngày 23/3, sau đó lại tăng lên 199 tàu vào ngày 29/3.

Nguy hiểm nhất là, 115 tàu đã di chuyển đến đá Gạc Ma, 45 tàu đã đến khu vực đảo Thị Tứ, 50 tàu khác tản đến đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Subi. Tất cả các thực thể này đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sự gia tăng số lượng và hình thành các khối lớn của các tàu Trung Quốc tràn đến các khu vực tại quần đảo Trường Sa là mối nguy hiểm rất lớn cho hàng hải và an toàn tính mạng trên biển, cũng như việc khai thác dầu khí và đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam. Các tàu này có thể đang thực hiện các hoạt động bất hợp pháp vào ban đêm và sự hiện diện thành nhóm tàu này có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển do tình trạng ô nhiễm và sự phá hủy các rạn san hô.

Một hành động đầy tính côn đồ của Bắc Kinh. Một thử thách lớn đối với Hà Nội!

Không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, điều mà báo chí Philippines gọi là một “nỗ lực táo bạo”.  Bắc Kinh đang thử phản ứng của Hà Nội sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Đại hội này, Việt Nam khẳng định: Kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc.

Xin nhắc lại một lần nữa: Bắc Kinh cố tình bưng tai bịt mắt trước phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc tại La Haye (Hà Lan), năm 2016. Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã không được chấp nhận. Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, không có quyền lịch sử tại Biển Đông.

Vậy nhưng, Trung Quốc vẫn nghênh ngang xâm phạm vùng biển của Việt Nam, Philippines và các nước khác. Con rắn chưa bị đánh giập đầu sẽ còn gây ra những mối họa khôn lường.

Trước hành động này của Bắc Kinh, các nước bị vây hãm, bắt nạt cần đoàn kết, lên án mạnh mẽ hơn nữa. Các nước trong khối ASEAN đã tuyên bố trở thành một cộng đồng, nhưng cộng đồng ấy chưa thật sự thống nhất. Phải chăng mỗi nước còn theo đuổi những tính toán riêng, lợi ích riêng của mình? Và mâu thuẫn với Trung Quốc cũng ở mức cao – thấp khác nhau.

Hiện tại ASEAN chỉ thật sự thống nhất ở những quan điểm chung, rất xa vời, không ảnh hưởng đến mình. Còn những vấn đề thiết thực, sống còn thì quốc gia nào cũng cân nhắc kỹ lưỡng cái được và cái mất.

Dẫu là mèo trắng hay mèo đen trong cái chuồng lớn Trung Nam Hải đều rất thính tai, tinh mũi. Trung Quốc đã khai thác triệt để sự “thống nhất” mang tính hình thức ấy của ASEAN, liên tục gây sóng gió trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới