Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Nhìn từ góc độ địa chính trị, việc kiểm soát khu vực này có ý nghĩa quan trọng vì hơn 80% lượng dầu thô xuất khẩu trên thế giới đều đi qua đây. Biển Đông cũng là nơi có trữ lượng khoáng sản lớn, nhất là năng lượng. “Sở hữu” vùng biển này sẽ được hưởng lợi từ nguồn khoáng sản, năng lượng ở Biển Đông. Do vậy, giới cầm quyền Bắc Kinh luôn ấp ủ âm mưu thôn tính, độc chiếm Biển Đông. Thời gian qua, các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng, đặc biệt Bắc Kinh đã lợi dụng thế giới đang bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19 để ngày càng hung hăng hơn thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà nghiên cứu đã đi sâu phân tích những bước đi và hậu quả của chiến lược bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc hiện có một lực lượng hải quân hùng mạnh với 240.000 quân nhân và có hơn 300 tàu đang hoạt động, trong đó có cả tàu sân bay và hơn 600 máy bay. Xét về tổng trọng tải của các tàu đang hoạt động, hải quân Trung Quốc chỉ đứng sau hải quân Mỹ. Cho dù sở hữu một hạm đội hùng mạnh như vậy, giới quân sự ở Bắc Kinh vẫn cho rằng việc chỉ dựa vào tàu chiến và không quân hải quân là chưa đủ, đặc biệt khi xét đến việc một cuộc tấn công có thể diễn ra một cách bất ngờ và từ nhiều hướng.
Nhận thức rõ nguy cơ đó, Trung Quốc đã và đang cố gắng nắm quyền kiểm soát các đảo trong khu vực Biển Đông bằng các cơ sở quân sự của mình, bao gồm chủ yếu là các cầu cảng, đường băng cho máy bay, hệ thống radar và hệ thống tên lửa. Đây chính là lý do vì sao Trung Quốc đặc biệt tích cực đẩy mạnh việc bồi đắp, mở rộng, xây dựng các cấu trúc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thời gian qua, một số lượng lớn các bức ảnh chụp từ trên không về các rạn san hô như đá Vành Khăn (Mischief), đá Tư Nghĩa (Hughes), đá Châu Viên (Cuarteron), đá Chữ Thập (Fiery Cross), đá Subi và đá Gaven đã xuất hiện trên mạng, cho thấy nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng quân sự khác nhau trên những cấu trúc này. Dựa trên những bức ảnh này, các nhà phân tích quân sự quốc tế đã đưa ra các đánh giá về việc Bắc Kinh biến những cấu trúc mà họ chiếm đóng ở Biển Đông thành những pháo đài quân sự, cụ thể là:
1. Từ năm 2013, Trung Quốc đã tập trung bồi đắp, mở rộng các cấu trúc thuộc Trường Sa mà họ chiếm đóng, biến chúng thành những tiền đồn quân sự. Nhìn chung, hầu hết các đá đều được trang bị trạm radar, ăng-ten liên lạc, sân bay trực thăng và nhà máy bê tông. Sau này, chúng có thể được sử dụng để tạo ra các công sự lâu dài và lắp đặt các hệ thống tên lửa hoặc các hệ thống vũ khí khác trên đó.
Hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa cho thấy nước này mong muốn sử dụng khu vực này vào mục đích phát hiện kẻ thù tiềm tàng, cảnh báo các đơn vị chủ lực về nguy cơ xâm lược và thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào kẻ địch. Các vũ khí được trang bị trên quần đảo này có khả năng được sử dụng để chống lại lực lượng hải quân và không quân của các nước láng giềng, cụ thể là Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong thời bình, những cơ sở quân sự như vậy sẽ tiếp tục được phát triển và nhanh chóng trở thành lực lượng chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ răn đe ở khu vực này, đồng thời bảo vệ Trung Quốc khỏi các cuộc tấn công từ các nước láng giềng cũng như các cuộc xâm lược bất ngờ qua eo biển Malacca.
2. Trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cũng đã triển khai nhiều công trình quân sự, bao gồm các sân bay, bến cảng để tàu thuyền neo đậu và các nhà máy bê tông, trên các rạn san hô liền kề. Mặc dù đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, song các cơ sở quân sự chính (đường băng, nhà chứa máy bay, hệ thống tên lửa) chỉ tập trung trên đảo Phú Lâm. Bắc Kinh còn xây dựng nơi đây thành một trung tâm hành chính, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Một số nguồn tin của Trung Quốc cho biết nước này dự định xây dựng trên đảo này một căn cứ có thể chứa đồng thời 50 tàu khu trục có lượng giãn nước 7.000 tấn/chiếc. Đảo Phú Lâm đã có hệ thống phòng không với tên lửa đất đối không tầm trung-xa HQ-9. Một số hình ảnh cũng cho thấy máy bay chiến đấu của Trung Quốc trên đường băng. Hiện vẫn chưa rõ số lượng và chủng loại máy bay trong nhà chứa máy bay trên đảo này.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng Trung Quốc tập trung xây dựng Phú Lâm thành căn cứ quân sự lớn vì Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa và cũng là lớn nhất ở Biển Đông; quan trọng nhất là căn cứ này sẽ giúp bảo vệ các đối tượng có tầm quan trọng chiến lược nằm hoàn toàn trong phạm vi trách nhiệm của nó như căn cứ tàu ngầm Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam. Những tàu ngầm này, bao gồm cả những chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả một nhóm tàu cỡ lớn của đối phương. Xét về mặt chiến thuật trong trường hợp bị đối phương tấn công, các căn cứ trên đảo có thể sẽ đảm nhiệm hai nhiệm vụ chính: một là, che đậy sự di chuyển bí mật của tàu ngầm từ căn cứ Ngọc Lâm để tấn công phủ đầu; hai là, giao tranh với kẻ thù tiềm tàng di chuyển đến Biển Đông qua eo biển Bashi.
Đánh giá về ý đồ của giới cầm quyền Bắc Kinh trong việc xây dựng các cơ sở quân sự lớn trên đảo Phú Lâm, các chuyên gia quân sự nhận định mong muốn của Bắc Kinh là tạo ra một căn cứ quân sự hùng mạnh tại trung tâm của một khu vực chiến lược quan trọng ở Biển Đông. Trước hết, một căn cứ như vậy có thể trở thành một trung tâm giao thông quan trọng, cho phép tiếp nhận và phục vụ một số lượng lớn máy bay và tàu bè – điều đó có nghĩa là những phương tiện này sẽ có thể di chuyển nhanh hơn nhiều trong khu vực. Căn cứ này cũng có thể trở thành một mắt xích khác trong chuỗi phòng thủ của Trung Quốc ở Biển Đông, đảm bảo an toàn hơn cho tàu thuyền di chuyển từ quần đảo này sang quần đảo khác.
Mặt khác, các chuyên gia phân tích quân sự cũng chỉ ra những khiếm khuyết của các “căn cứ quân sự” của Trung Quốc trên các cấu trúc ở Biển Đông. Những tên lửa được lắp đặt trên các đảo, đá có khả năng bảo vệ máy bay và tàu thuyền của quân đội Trung Quốc, đồng thời gây sát thương đáng kể cho đối phương trong khu vực tấn công. Tuy nhiên, địa hình bằng phẳng và sự thiếu vắng nơi trú ẩn tự nhiên khiến cho các căn cứ trở thành miếng mồi ngon. Trước khi mở cuộc tấn công, đối phương chắc chắn sẽ chụp ảnh địa hình và nghiên cứu cẩn thận vị trí của các hệ thống tên lửa có thể có, và các cuộc tấn công đầu tiên sẽ nhắm vào chúng nhằm phá hủy chiếc ô bảo vệ của Trung Quốc. Đường băng và nhà chứa máy bay là những mục tiêu quan trọng thứ hai. Trung Quốc cần phát triển một hệ thống có khả năng bảo vệ và phục hồi nhanh chóng. Thế nhưng, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Hơn nữa, việc phá hủy đường băng không chỉ cản trở việc cất-hạ cánh, tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng máy bay mà còn khiến những máy bay còn lại trên đảo dễ dàng bị tiêu diệt. Việc phá hủy các máy bay và sân bay chắc chắn sẽ làm mất lợi thế về chiến thuật và chiến dịch, do đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của một cuộc đụng độ vũ trang.
Trung Quốc đang đẩy mạnh củng cố các căn cứ quân sự trên các cấu trúc ở Biển Đông bằng các radar, biến các radar đơn lẻ dễ bị tổn thương thành một mạng lưới thống nhất khó bị vô hiệu hóa trong một cuộc đụng độ trên thực tế. Tuy nhiên, độ tin cậy của các hệ thống phát hiện vô tuyến không chỉ phụ thuộc vào hỏa lực của các phương tiện tiêu diệt mà còn phụ thuộc vào sự an toàn của toàn bộ khu vực. “Gót chân Achilles” của tất cả các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông còn là khoảng cách lớn giữa chúng và đất liền. Để khắc phục vấn đề này, Trung Quốc cần phải đặc biệt chú ý đến việc tạo ra các kho dự trữ lớn phục vụ quân đội và các thiết bị quân sự ngay tại các cấu trúc này. Nếu không, khi bị cắt đứt liên lạc với các kênh tiếp tế, các mục tiêu quân sự trên các cấu trúc có thể nhanh chóng mất đi hiệu quả chiến đấu. Tuy nhiên, các kho dự trữ lớn như vậy cũng sẽ trở thành mục tiêu tấn công của đối phương ngay trong các đợt công kích đầu tiên.
Tóm lại, nhằm thực hiện mưu đồ thôn tính, độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai một mạng lưới ảnh hưởng rộng khắp trong khu vực bằng việc sử dụng đan xen các phương pháp kinh tế, chính trị và quân sự. Bằng việc bóp méo UNCLOS 1982, xuyên tạc và vận dụng sai luật pháp quốc tế, Trung Quốc biện minh cho sự hiện diện bất hợp pháp của của mình trên các cấu trúc ở Biển Đông, và sức mạnh kinh tế đã góp phần giúp Trung Quốc sớm biến các cấu trúc không có người ở thành những đảo nhân tạo mà con người có thể sinh sống. Bắc Kinh đã ngang nhiên biến các bãi đá ngầm nhỏ thành các cơ sở quân sự được trang bị hệ thống phòng không, thông tin liên lạc và trạm radar, thậm chí là các bến cảng và đường băng.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, hạn chế đáng kể của các tiền đồn quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc là không thể duy trì thế phòng thủ lâu dài trong trường hợp bị đối phương có sức mạnh vượt trội tấn công dữ dội. Do vậy, theo các chuyên gia quân sự quốc tế thì vai trò chính của các cơ sở quân sự Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông có lẽ là phát hiện trước và tấn công phủ đầu đối phương, bảo vệ các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm khỏi sự tấn công, kìm hãm sự tấn công của đối phương cho đến khi lực lượng chính của quân đội Trung Quốc tiếp cận, và ngăn chặn bên tấn công để giành thế chủ động và triển khai lực lượng trên biển.
Việc Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng các căn cứ quân sự trên các cầu trúc ở Biển Đông và tăng cường sức mạnh cho hạm đội Nam Hải chứng tỏ họ đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực. Cùng với đó, số lượng các vụ khiêu khích của Bắc Kinh ở vùng biển này ngày càng gia tăng, khiến các nước lo ngại và dễ xảy ra chạy đua vũ trang cũng như thu hút sự quan tâm của các nước ngoài khu vực làm cho Biển Đông luôn là điểm nóng trên thế giới.