Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Cực và “ám ảnh Biển Đông”

Bắc Cực và “ám ảnh Biển Đông”

Dù theo đường chim bay, Bắc Cực vẫn xa lắc, xa lơ về khoảng cách tính tới Biển Đông. Vậy mà tới nay, tại xứ lạnh lẽo, băng giá này, thi thoảng, câu chuyện Biển Đông bắt đầu vang lên như một nỗi ám ảnh.

Tàu nghiên cứu phá băng của Trung Quốc trên Bắc Băng Dương

Bắc Cực là khu vực xung quanh cực Bắc Trái Đất, bao gồm Bắc Băng Dương, các vùng biển lân cận và một phần của Alaska (Hoa Kỳ), một phần Bắc Canada, Greenland (Đan Mạch), Nga, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Đây được xem là hoang mạc lớn thứ hai thế giới theo diện tích sau Châu Nam Cực. Trước kia, khu vực xa lắc này dường như ít ai để ý. Hoặc giả, có thể quan tâm, nhưng điều kiện kinh tế, kỹ thuật khi đó chưa tạo điều kiện cho những toan tính lâu dài.

Thế kỷ 20, nhất là những năm đầu thế kỷ 21, khí hậu nóng lên, sự suy kiệt của các nguồn năng lượng truyền thống…khiến nhiều quốc gia tăng cường nhòm ngó vùng đất mênh mông, giá lạnh này như một tham vọng. Tham vọng đó được sự trợ giúp của những bước tiến khổng lồ về khoa học- công nghệ. Quả ngon thì nhiều kẻ thèm, nhưng nó chỉ thuộc về những ai có sức leo cao và nhanh nhất. Điều này hàm ý: Bắc Cực, hiện nay cũng như trong tương lai, sẽ là mục tiêu nằm trong toan tính chiến lược của các cường quốc, dù trong thế giới hiện đại, cường quyền đến mấy, cũng không thể sỗ sàng gạt bỏ những quốc gia liền kề, như Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan.

Với Mỹ thì đã hẳn. Những năm ông Obama làm tổng thống, và vắt sang cả nhiệm kỳ của ông Trump, Nhà trắng đã ban hành và tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về Bắc Cực, đề ra các ưu tiên chiến lược của Mỹ đối với khu vực này, nhằm: Bảo vệ lợi ích an ninh nội địa Mỹ; Thúc đẩy vai trò quản lý của Mỹ ở khu vực Bắc Cực; Thúc đẩy hợp tác quốc tế. Tất nhiên, với thế và lực sẵn có, Washington đã làm được nhiều nhiều việc, phục vụ cho chiến lược này..  

Nước Nga thời ông Putin không hề úp mở quan điểm coi  Bắc Cực là khu vực chiến lược, mang lại lợi ích kinh tế, quân sự, khai thác tài nguyên và lợi ích từ việc quản lý các tuyến đường hàng hải mới. Trong điều kiện khó khăn kinh tế, Kremlin vẫn có những động thái nhằm không là kẻ chậm chân trong việc gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát khu vực này.

Vẻ như Trung Quốc có phần hơi lép vế. Lý do là bởi xa. Xa, nhưng Bắc Kinh không thể không thèm khát Bắc Cực – nơi được dự đoán là không thể nghèo tài nguyên – bởi nhu cầu năng lượng khổng lồ đối với một nền kinh tế có quy mô thứ hai thế giới, chỉ tạm thời xếp sau Mỹ. Tiếp đó, một tuyến hàng hải mở qua Bắc Cực sẽ giúp quá trình vận chuyển hàng hóa phục vụ cho nền kinh tế Trung Quốc rút ngắn thời gian. Và cuối cùng, là một cường quốc đang âm mưu lật Mỹ để lãnh đạo thế giới, chẳng có lý gì, Trung Quốc lại bị gạt ra rìa cuộc chơi tại một khu vực bao la, rộng lớn, có vị trí chiến lược nhiều mặt…

Để triển khai ý đồ trên, từ năm 2010, Bắc Kinh đã lớn tiếng tuyên bô rằng: Trung Quốc có quyền bình đẳng như các quốc gia thành viên khác trong Hội đồng Bắc Cực. Tháng 6-2017, Trung Quốc giới thiệu “Tầm nhìn vì hợp tác quân sự” trong khuôn khổ Sáng kiến“Vành đai, Con đường” (BRI) xác định các tuyến hàng hải Bắc Cực là một trong những “tuyến kinh tế xanh. Đặc biệt, Trung Quốc  nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông hàng hải ở Bắc Cực gắn với “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” của mình cùng rầm rộ truyền thông về việc thành lập “Con đường tơ lụa Bắc Cực”…

Những động thái liên tục nêu trên của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại Trung Quốc đang ngấm ngầm đặt ra và tìm cách gia tăng ảnh hưởng thông qua BRI nhằm đòi hỏi và vơ vét những lợi ích quá đáng của mình tại khu vực này.

Cho dù, đối với Bắc Cực, Trung Quốc không có lý do gì để nêu ra cái gọi là “chủ quyền lịch sử” như đã từng làm đối với Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhưng, một khi Trung Quốc đã thèm muốn, ai biết được, họ sẽ không sử dụng toàn bộ, hoặc một phần thủ đoạn thâm và hành động ngang như…cua – như họ đã và đang làm ở Biển Đông.

Chính thế, từ bây giờ, nỗi ám ảnh Biển Đông đã và đang lởn vởn trong đầu của những người lo xa cho tương lai của Bắc Cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới