Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngCác nước phản đối tàu TQ ngang nhiên hiện diện ở Biển...

Các nước phản đối tàu TQ ngang nhiên hiện diện ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, nước này một lần nữa đệ trình công hàm phản đối việc tàu Trung Quốc tiếp tục hiện diện ở Biển Đông.

“Hôm 28/5, Philippines đã đệ trình công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc liên tục triển khai, hiện diện tàu và tiến hành các hoạt động bất hợp pháp ở quanh đảo Thị Tứ, trên Biển Đông. Philippines yêu cầu Trung Quốc rút các tàu này”, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay.

Công hàm phản đối của Manila được đưa ra một tuần sau khi Trung Quốc và Philippines tổ chức đối thoại trực tuyến nhằm quản lý và giải quyết các tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được thỏa thuận để giải quyết căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Philippines cho hay, Philippines và Trung Quốc “đã có những trao đổi thân thiện và thẳng thắn về tình hình chung cũng như các vấn đề cụ thể ở Biển Đông”. Phía Manila yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Thời gian qua, mặc cho Manila nhiều lần lên tiếng phản đối, Bắc Kinh vẫn phớt lờ, tiếp tục điều lực lượng dân quân biển và tàu cá hiện diện ở Biển Đông. Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), từ hôm 1/3 đến 25/5, 13 tàu thực thi pháp luật hoặc quân sự của Philippines đã được triển khai đến các vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ít nhất 57 lần.

Ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.

“Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)”, bà Hằng cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới