Sunday, May 19, 2024
Trang chủBiển nóngTàu chiến Mỹ bảo vệ luật pháp quốc tế ở quần đảo...

Tàu chiến Mỹ bảo vệ luật pháp quốc tế ở quần đảo Hoàng Sa

Ngày 20/5/2021, khu trục hạm Mỹ USS Curtis Wilbur (lớp Arleigh Burke) tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Hoàng Sa. Thông tin này được Người phát ngôn của Chiến khu miền Nam, Trung Quốc tiết lộ đầu tiên trong một tuyên bố phản đối. Trước đó, ngày 19/5, Trung Quốc đã lên án về hành trình đi qua eo biển Đài Loan của tàu USS Curtis Wilbur, đồng thời gọi đây là hành động khiêu khích phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngay sau đó, cũng trong ngày 20/5 Hạm đội 7 của Mỹ đưa ra một thông báo về hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur, trong đó bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng tàu nước này đã “trục xuất” chiến hạm Mỹ. Đây là lần thứ 2 tàu chiến Mỹ tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hôm 20/01 (lần trước là tàu khu trục USS John S. McCain hồi đầu tháng 02/2021)và là lần thứ 3 tàu chiến Mỹ FONOP ở Biển Đông công khai trong gần 4 tháng qua (sau đợt FONOP ở Trường Sa vào ngày 16/2 của tàu USS Russell).

Thông báo của Hạm đội 7 khá dài và chi tiết so với các thông báo tương tự trước đây. Theo đó, phía Mỹ nhấn mạnh tàu Curtis Wilbur đã thách thức “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Hoàng Sa, đồng thời thách thức các hạn chế đối với quyền qua lại vô hại. Phản ứng của Trung Quốc lần này có điểm đáng chú ý là không chỉ Người phát ngôn Chiến khu miền Nam ra tuyên bố phản đối mà cùng trong ngày 20/5 còn có Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu và Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra một tuyên bố riêng phản đối hoạt động của Mỹ. Trước đó, trong các đợt FONOP của Mỹ ở Biển Đông, kể cả ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc thường chỉ thể hiện sự phản đối thông qua Chiến khu miền Nam.

Điểm bất thường trong đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vụ việc khu trục hạm Mỹ USS Curtis Wilbur hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cho thấy, không loại trừ khả năng đợt FONOP mới nhất của Mỹ căng thẳng hơn thường lệ trên thực địa. Đánh giá về những động thái mới này, giới quan sát nhận định chính Bắc Kinh đã kích động phản ứng mạnh mẽ bất thường từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ bởi hoạt động của hải quân Mỹ tuân thủ theo các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; còn nội dung những phát biểu của Bắc Kinh chỉ là vu cáo một cách trắng trợn, thể hiện ngay trong các từ ngữ mà Trung Quốc sử dụng.

Ngay việc Bắc Kinh phát biểu cáo buộc Mỹ khi tàu USS Curtis Wilbur đi qua eo biển Đài Loan hôm 19/5 đã thể hiện sự ngang ngược của họ bởi lẽ eo biển này nằm trong vùng biển quốc tế, Trung Quốc và Đài Loan đã vạch ra đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan. Theo các hình ảnh vệ tinh được đưa trên các trang mạng tàu USS Curtis Wilbur đã di chuyển trong phần biển phía đông đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Hạm đội 7 của Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ khẳng định “tàu chiến Mỹ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, và việc USS Curtis Wilbur đi qua eo biển Đài Loan “thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Như vậy, việc chính việc Bắc Kinh lên tiếng phản đối mới là vi phạm luật pháp quốc tế bởi tàu chiến các nước có quyền đi lại tự do qua các vùng biển quốc tế.

Trong nội dung các phát biểu của Người phát ngôn 3 cơ quan của Trung Quốc trong ngày 20/5 liên quan đến việc tàu USS Curtis Wilbur tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa lại càng trở nên lố bịch vì:

Trước hết, cần khẳng định rằng Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa”. Việc Bắc Kinh chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền cho họ. Thế nhưng, Bắc Kinh lại ngang ngược cáo buộc “tàu Mỹ xâm phạm lãnh hải quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) mà không được phép của chính phủ Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền và an ninh Trung Quốc”. Theo các tư liệu pháp lý và lịch sử thì các nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi nó còn là vô chủ, do vậy người có chủ quyền đối với quần đảo này là Việt Nam. Năm 1974, Bắc Kinh đã dùng vũ lực tấn công hải quân Việt Nam Cộng hòa (khi đó đang quản lý quần đảo này) gây ra cuộc chiến đẫm máu. Tội ác này của Bắc Kinh bị cả thế giới lên án. Nếu Bắc Kinh cho rằng “Tây Sa (Hoàng Sa) là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” như phát biểu của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì xin mời những người cầm quyền ở Bắc Kinh hãy dũng cảm đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế phân xử để thấy rõ trắng đen. Đây là cách giải quyết tranh chấp văn minh nhất thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thứ hai, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng ngang nhiên tuyên bố rằng “việc Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở quanh Tây Sa năm 1996 phù hợp với Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Quốc”; “hành động của tàu Mỹ là chống lại luật của Trung Quốc và luật quốc tế liên quan”. Ngay trong phát biểu này, Người phát ngôn chỉ có viện dẫn luật của Trung Quốc chứ có dám nhắc tới UNCLOS 1982 đâu. Cũng dễ hiểu điều này vì việc Trung Quốc tự vạch “đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa là vi phạm quy định của UNCLOS. Theo UNCLOS chỉ các quốc gia quần đảo mới có thể vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quốc gia mình; Trung Quốc là một quốc gia lục địa làm gì có quyền vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh một quần đảo mà họ yêu sách được. Bắc Kinh quy kết Mỹ “chống lại luật của Trung Quốc và luật quốc tế liên quan”.

Các dự luật liên quan đến biển của Trung Quốc được nhiều học giả gọi là “luật rừng” để Trung Quốc thực hiện mưu đồ bành trướng, bá quyền trên biển mà không một quốc gia nào có thể chấp nhận chứ không chỉ là Mỹ. Việc Luật hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải mà Trung Quốc mới thông qua gần đây đã bị cả cộng đồng quốc tế lên án có thể là nguồn gốc gây xung đột trên biển đã nói lên tất cả.

Thông cáo của Hạm đội 7 Mỹ ngày 20/5 xác nhận tàu USS Curtis Wilbur đã “thách thức yêu sách đường cơ sở thẳng” Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa. Thông cáo nhấn mạnh: “Như quy định của Điều 7 UNCLOS 1982, không thể thiết lập đường cơ sở thẳng tại quần đảo Hoàng Sa. Luật quốc tế cũng nói rõ những quốc gia ven biển như Trung Quốc không có quyền vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh một nhóm các đảo phân tán”; đồng thời chỉ rõ bằng cách thiết lập đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa, Trung Quốc đang âm mưu mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bất chấp luật quốc tế.

Vì sao trong thời gian gần đây, tàu chiến Mỹ tăng cường tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, dưới thời của Tổng thống Biden thì 2/3 chiến dịch FONOP được thực hiện ở khu vực Hoàng Sa (trước đây tàu chiến Mỹ chủ  yếu FONOP ở khu vực Trường Sa) là vấn đề được giới phân tích quan tâm và đưa ra những nhận định như sau:

Một là, như đã được đề cập nhiều lần, tự do hàng hải trên các vùng biển được coi là giá trị của Mỹ và Washington có lợi ích chiến lược trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, kể cả khu vực quần đảo Hoàng Sa. Điều này được Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định lại trong bài phát biểu tại Học viện Tuần duyên Mỹ hôm 19/5. Theo đó ông Biden nhấn mạnh: “Các nguyên tắc hàng hải cơ bản đã có từ lâu như tự do hàng hải là nền móng của an ninh toàn cầu và kinh tế thế giới. Khi quốc gia nào đó lợi dụng luật có lợi cho họ, mọi thứ sẽ mất cân bằng”; khẳng định “Mỹ có lợi ích sống còn trong việc đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở”; đồng thời cho rằng các hành vi “gây gián đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây tổn hại các nước khác.

Tổng thống Biden cho rằng các vùng biển có những huyết mạch giao thương hàng hải như Biển Đông, vùng vịnh Ả Rập phải được giữ ổn định; đồng thời, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ UNCLOS và phối hợp với “các đối tác dân chủ toàn cầu” để làm mới các chuẩn mực quốc tế sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Giới quan sát cho rằng việc khu trục hạm Mỹ USS Curtis Wilbur tiến hành FONOP ở quần đảo Hoàng Sa vào thời điểm Tổng thống Biden đưa ra những phát biểu trên đây nhằm khẳng định “lời nói đi đôi với việc làm” trong cam kết của Washington đối với khu vực; đồng thời chuyển tới Bắc Kinh thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các hành động trên thực địa để phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa.

Hai là, chính quyền Tổng thống Biden đang sửa sai cho chính quyền cựu Tổng thống Nixon trước đây. Chúng ta còn nhớ đầu năm 1974, khi chính quyền miền Nam Việt Nam đang suy yếu, ông Nixon đã làm ngơ để Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa (khi đó đang quản lý quần đảo này) và để giờ đây Trung Quốc đã dùng quần đảo này để thực hiện tham vọng bành trướng ở Biển Đông, cản trở tự do hàng hải trên Biển Đông, đe dọa lợi ích thiết thân của Mỹ.

Việc hải quân Mỹ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa là nhằm chặn đứng việc Bắc Kinh biến vùng biển xung quanh Hoàng Sa thành “ao nhà” của họ. Liên quan đến việc khu trục hạm USS Curtis Wilbur tiến hành FONOP ở Hoàng Sa, Người phát ngôn hải quân Mỹ Nicholas Lingo nhấn mạnh: “Các tuyên bố hàng hải phi pháp và quá mức tại Biển Đông đe dọa một cách nghiêm trọng tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại tự do và không bị cản trở cũng như tự do về cơ hội kinh tế của các quốc gia tại Biển Đông” do vậy Mỹ phải có trách nhiệm bảo đảm rằng luật pháp quốc tế được thực thi ở Hoàng Sa cũng như trên Biển Đông.

Ba là, Mỹ hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc trong việc tự ý vạch “đường cơ sở thẳng” xung quanh quần đảo Hoàng Sa nên kiên quyết phá. Thông báo của Hạm đội 7 về hoạt động của khu trục hạm USS Curtis Wilbur nói rõ là để chống lại “đường cơ sở thẳng” ở Hoàng Sa.

Liên quan đến việc Trung Quốc tự tuyên bố vạch “đường cơ sở thẳng” ở Hoàng Sa năm 1996, Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS đã từng cảnh báo Bắc Kinh sẽ không dừng lại ở Hoàng Sa. Trong tương lai, Trung Quốc có thể đơn phương tuyên bố đường cơ sở thẳng ở Trường Sa như đã làm tại Hoàng Sa. kết hợp với các yêu sách “đường cơ sở thẳng” tại quần đảo Đông Sa (đang do Đài Loan nắm giữ) và “quần đảo Trung Sa” (gồm bãi Scarborough và bãi Macclesfield), Trung Quốc sẽ đòi hỏi một vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò”. Đó chính là “yêu sách Tứ Sa” mà Bắc Kinh đang đẩy mạnh, đặc biệt sau khi Tòa Trọng tài Thường trực vụ kiện Biển Đông ra phán quyết, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào năm 2016.

Lâu nay, tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa được coi là tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc (Đài Loan được coi là một bên tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, song do Đài Loan không có tư cách một quốc gia trong tranh chấp và cũng không có mặt ở trên quần đảo Hoàng Sa) nên Hà Nội có vẻ đơn độc khi Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Hà Nội ở khu vực này. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã nhiều lần đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực này. Thậm chí, Bắc Kinh còn ngang ngược tuyên bố “quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, hoàn toàn không có tranh chấp”.

Ngay cả phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông cũng chưa đề cập đến quần đảo Hoàng Sa. Việc Mỹ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Hoàng Sa là một động thái tích cực đối với Việt Nam. Anh cũng đã từng đưa tàu chiến áp sát quần đảo Hoàng Sa. Những hoạt động này là có lợi cho Việt Nam trong việc đối phó với Trung Quốc. Hà Nội cần tranh thủ điều này đẩy mạnh việc quốc tế hóa tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa.

Chính quyền của Tổng thống Biden coi trọng quan hệ với các đồng minh và chủ động tích cực trong việc phối hợp với các đồng minh trên các vấn đề khu vực, khuyến khích Úc, Pháp, Anh, Canada, Đức, Hà Lan… đưa tàu đến hoạt động ở Biển Đông là những dấu hiệu tích cực cho thấy nước Mỹ không đơn độc trong việc ngăn chặn sự bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong khu vực.

Ngày 20/5, tại hội nghị Tương lai châu Á quy tụ nhiều lãnh đạo khác của khu vực, Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố Nhật Bản “phản đối quyết liệt bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận dựa trên thượng tôn pháp luật của Tokyo “nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”.

Trong phát biểu tại Học viện Cảnh sát biển Mỹ, Tổng thống Biden còn nhấn mạnh tuần duyên Mỹ sẽ đóng vai trò “thiết yếu” trong việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông Biden chỉ ra thỏa thuận về hợp tác gần đây giữa tuần duyên Mỹ và Đài Loan là một ví dụ, đồng thời khẳng định đẩy mạnh kế hoạch tăng cường hợp tác giữa tuần duyên Mỹ với lực lượng tuần duyên các nước trong khu vực. Tàu chiến đấu ven bờ USS Montgomery thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển (tuần duyên) Mỹ đã từng tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Trường Sa trong năm 2020. Đây cũng là cách để Mỹ chống lại chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển ở Biển Đông.

Với những phát biểu kể trên của Tổng thống Biden, tin rằng, tàu chiến đấu ven bờ thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ sẽ tiến hành FONOP ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trong tương lai gần để chống lại mưu toan của Bắc Kinh biến khu vực quần đảo Hoàng Sa thành của riêng họ, góp phần duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông nói chung và khu vực quần đảo Hoàng Sa nói riêng.

RELATED ARTICLES

Tin mới