Giới chức và ngư dân Hàn Quốc cảnh báo hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép dọc biên giới biển liên Triều đang tận diệt nguồn hải sản và gây tổn hại cho môi trường ở Hoàng Hải.
Giới chức Hàn Quốc ước tính mỗi ngày trong tháng qua có trung bình khoảng 180 tàu Trung Quốc đánh bắt cua ở phía bắc đảo Yeonpyeong, một trong 5 đảo cực bắc của Hàn Quốc, kết thúc một năm tạm dừng hoạt động này theo sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 26.5. “Số lượng này nhiều gấp 3 lần so với con số của năm ngoái. Từ đảo này, có thể dễ dàng nhìn thấy các đội tàu cá Trung Quốc hoạt động gần Đường giới hạn phía bắc”, ông Shin Joong-geun, lãnh đạo của hội ngư dân trên đảo Yeonpyeong, cho hay. Đường giới hạn phía bắc (NLL) là đường biên giới biển thực tế giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ở Hoàng Hải.
“Quét sạch mọi thứ”
Hình ảnh được phát trên kênh truyền hình KBS-TV gần đây cho thấy nhân viên tuần duyên Hàn Quốc lên tàu một tàu cá Trung Quốc trong một cuộc truy quét vào ban đêm ở Hoàng Hải, dùng búa đập vỡ cửa sổ cabin để để buộc các ngư dân đang cố thủ bên trong lộ diện. Trong một cảnh khác, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc cắt những thanh sắt được lắp đặt ngay trước cửa cabin.
“Các tàu Trung Quốc thường tận dụng bóng tối vào ban đêm để đến đánh bắt trái phép ở phía nam của Đường giới hạn phía bắc”, trung sĩ Song Joo-hyun, thành viên của một đơn vị đặc nhiệm thuộc Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc, cho hay. Đơn vị này được thành lập hồi năm 2017 để truy quét các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép và từ đầu năm đến nay đã bắt 7 tàu cá Trung Quốc, buộc 360 tàu khác rời khỏi ngư trường gần NLL. Tuy nhiên, giới quan sát ở Hàn Quốc cho rằng nạn đánh bắt trái phép ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Khi truy quét tàu cá Trung Quốc, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc có thể gặp nguy cơ. Hồi năm 2011, một thành viên của Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã bị đâm chết trong lúc bắt một ngư dân trên tàu Trung Quốc. “Trong quá khứ, họ dùng dao, rìu và vũ khí khác để đối phó chúng tôi, nhưng hiện nay, họ dùng chiêu khác. Họ tự nhốt mình trong cabin và buồng máy rồi cho tàu chạy về phía bắc”, trung sĩ Song cho hay. Trong khi đó, công dân Hàn Quốc bị cấm vào vùng biển có bán kính cách NLL 3,7 km, đồng nghĩa lực lượng tuần duyên Hàn Quốc chỉ có vài phút để bắt một tàu Trung Quốc trái phép trước khi tàu này chạy qua vùng biển Triều Tiên.
Ngoài ra, hoạt động vào ban đêm mang lại lợi thế cho các tàu Trung Quốc vì ngư dân Hàn Quốc bị cấm đánh bắt gần NLL sau hoàng hôn, theo quan chức Hwang Yeon-soo ở huyện Ongjin, bao gồm một nhóm đảo gần NLL. “Họ phá hủy các lưới đánh bắt và bè của ngư dân Hàn Quốc ở khu vực, gây ra sự tổn thất lớn cho ngư dân địa phương”, ông Hwang khẳng định. Ngư dân Hàn Quốc Park Tae-won thì cảnh báo các ngư dân Trung Quốc “đang quét sạch mọi thứ, từ các loài cá sống gần mặt nước đến các loài ở tận đáy biển. Họ không quan tâm về sự tổn hại đối với sinh vật biển”, theo KBS-TV.
Một hình ảnh khác trên KBS-TV cho thấy một bãi biển gần biên giới biển liên Triều đầy rác, trong đó có nhiều chai nhựa có nhãn hiệu được ghi bằng chữ Trung Quốc mà nhiều người dân địa phương khẳng định do ngư dân từ những tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép vứt bỏ, theo SCMP.
Tăng cường biện pháp đối phó
Một quan chức thuộc Bộ Ngư nghiệp và Đại dương Hàn Quốc cho hay tình trạng tàu cá Trung Quốc xuất hiện trở lại vùng biển nói trên sẽ được nêu ra vào tháng tới, khi quan chức hai nước tổ chức cuộc họp thường niên để thảo luận cách ngăn chặn nạn đánh bắt trái phép. “Giới chức Trung Quốc cho hay họ đang nỗ lực ngăn chặn nạn đánh bắt trái phép từ các tàu Trung Quốc trong vùng biển của chúng tôi. Thực tế, đối với chúng tôi, việc giải quyết tình trạng tàu Trung Quốc hoạt động trong vùng biển gần Đường giới hạn phía bắc không dễ nên chúng tôi luôn yêu cầu giới chức Trung Quốc nỗ lực gấp đôi để chấm dứt tình trạng gây đau đầu này”, SCMP trích lời vị quan chức trên.
Hôm 21.5, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Đại dương Hàn Quốc Moon Seong-hyeok cũng đã nhấn mạnh nạn đánh bắt trái phép “phải bị xóa bỏ hoàn toàn” và từ năm tới, nước này sẽ sử dụng máy bay không người lái cùng trí tuệ nhân tạo để tăng cường khả năng giám sát biển.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gần đây cho hay cơ quan này nghi ngờ Triều Tiên bán hàng trăm giấy phép đánh bắt/năm cho các đội tàu như đội tàu cá của Trung Quốc để đánh bắt trong vùng biển nước này. Hồi năm 2018, hai miền Triều Tiên đồng ý biến ngư trường gần NLL thành khu vực đánh bắt chung để giải quyết nạn đánh bắt trái phép, nhưng cho đến nay vẫn không có bước tiến nào do các căng thẳng liên quan đến việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, theo SCMP.