Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBa quốc gia tranh chấp một hòn đảo

Ba quốc gia tranh chấp một hòn đảo

Đó là đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhưng hiện tại cả ba nước Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền (!)

Đảo Thị Tứ rộng khoảng 56.000 m 2, Philippines gọi đảo này là Pag-asa. Nó cách thành phố Puerto Princessa, tỉnh Palawan 480 km. Philippines đã nhanh tay chiếm đảo này từ chính quyền Sài gòn vào năm 1974, trước khi Hà Nội giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thị Tứ (Pag-asa) là hòn đảo lớn thứ nhì trong các đảo ở Trường Sa (Ba Bình/Thái Bình do Đài Loan chiếm giữ là đảo có diện tích lớn nhất). Ở trên đảo Thị Tứ, ngoài quân đội và cảnh sát, còn có một cộng đồng ngư dân Philippines khoảng 200 người. Manila đã xây dựng một đoạn đường trên bãi biển, nhằm phục vụ tàu hải quân và tàu hàng cập cảng, dỡ vật liệu xây dựng và thiết bị hạng nặng cho các dự án mới.

Dẫu rằng Manila đang kiểm soát, nhưng cả Bắc Kinh và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền và cho rằng sẽ có ngày họ “đòi” lại. Sự thật phải được gọi đúng tên, đất phải có chủ. Hà Nội nhắc lại lời cha ông, rằng sớm hay muộn, họ sẽ không để mất một tấc đất nào mà tiền nhân để lại vào tay kẻ khác.

Hồi đầu tháng 5/2021, khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Cirilito Sobejana tuyên bố, quân đội nước này đã đề nghị chính phủ chi tiền củng cố, xây thêm cơ sở hậu cần trên đảo Pag-asa/ Thị Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã khảng khái trả lời báo chí: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền cũng như các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị”.

“Ngứa mắt” trước hành động của Manila, hôm 27/5 người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi khẳng định trong cuộc họp giao ban hàng tháng: Trung Quốc phản đối mọi hoạt động triển khai của Philippines tại đảo Thị Tứ, “bằng mọi giá bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chủ quyền và các quyền hàng hải, đồng thời kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Trên thực tế, từ năm 2019, các tàu cá Trung Quốc đã bao vây chung quanh đảo Thị Tứ. Dùng tàu cá khiêu khích, bao vây Thị Tứ trong thời gian dài, Trung Quốc muốn “nhắc” Philippines và cả Việt Nam: Đừng có ngông nghênh! Trung Quốc sẽ dễ dàng phá vỡ và cắt đứt các đường tiếp tế cũng như quyền tiếp cận của họ với các thực thể tranh chấp tại Trường Sa.

Trung Quốc cũng muốn thể hiện rằng nước này đang giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo dưỡng và nâng cấp đang diễn ra của Philippines trên đảo Thị Tứ. Mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh là ngăn chặn Philippines chiếm đóng và xây dựng các công trình trên Sandy Cay – một bãi lúc chìm lúc nổi nằm trong lãnh hải của Thị Tứ.

Mặc cho Bắc Kinh doạ nạt, Manila lại một lần nữa nói rõ ý đồ muốn biến đảo Thị Tứ thành một trung tâm logistics – căn cứ hậu cần tại khu vực Trường Sa.  Đó là “nói”, còn “làm”, Philippines đã  triển khai tàu chiến và tàu tuần duyên tăng cường tuần tra tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Theo Tướng Cirilito Sobejana, người đứng đầu Lực lượng vũ trang Philippines: “Nếu chúng tôi biến nó thành một trung tâm hậu cần, tàu thuyền của chúng tôi sẽ có thể đi xa hơn. Các cuộc tuần tra chủ quyền của chúng tôi ở Biển Tây Philippines sẽ tiếp tục. Chúng tôi đang tuần tra nơi ngư dân của chúng tôi đi cũng như nơi tàu Trung Quốc đang ở để đảm bảo rằng, đồng bào của chúng tôi sẽ không bị đe dọa”.

Theo các nhà phân tích, quân đội Philippines muốn xây dựng Thị Tứ trở thành một trung tâm hậu cần và logistic để có thể lôi kéo quân đội Mỹ tăng cường hiện diện tại nơi đây, tạo thế kiềm chế đe doạ từ Trung Quốc. Sự kiện Đá Ba Đầu vừa qua có liên hệ chặt chẽ với nội bộ chính trường Philippines, với các phe nhóm khác nhau.

Đặc biệt, sự kiện Đá Ba Đầu có thể coi là “chiến thắng” của nhóm chính trị đối lập với Tổng thống Duterte. Ông Duterte trong lòng rất muốn duy trì quan hệ thân Trung Quốc, muốn xoá bỏ các Hiệp ước quân sự đã ký kết với Mỹ, nhưng ngoài miệng vẫn phải la lên rằng, sẽ “chơi” Trung Quốc đến cùng. Và qua sự kiện Đá Ba Đầu, đã khẳng định tầm quan trọng của các Hiệp ước quân sự với Mỹ. Nếu không với một lực lượng hải quân quá non kém của Philippines, hải quân Trung Quốc “không đáng chấp”.

Vì luôn bị cái vòng kim cô của Bắc Kinh siết trên đầu, lại bị Hà Nội liên tục tuyên bố chủ quyền ở Thị Tứ, cho nên từ nay cho tới năm 2022, khả năng nâng cấp và xây dựng Thị Tứ của quân đội Philippines khó trở thành hiện thực. Có lẽ phải chờ đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 5/2022. Nếu như một trong các ứng viên trong nhóm đối lập mà nắm quyền tổng thống, thì xu hướng thân Mỹ sẽ thay thế xu hướng thân Tầu. Và khi ấy khả năng nâng cấp và xây dựng Pag-asa/Thị Tứ mới thuận buồm xuôi gió.

Hà Nội đang tính kế. Quan điểm từ lâu của chính phủ Việt Nam là “giữ nguyên hiện trạng”, “gác tranh chấp cùng khai thác”. Việt Nam cũng cần phải hợp tác với Philippines để thoả thuận các vùng đánh cá chồng lấn giữa hai nước, theo tinh thần của Phán quyết Trọng tài năm 2016 tại Lahaye. Nếu như Pag-asa/Thị Tứ được nâng cấp và cải tạo, thì quân đội Mỹ sẽ có điều kiện xuất hiện thường xuyên tại khu vực này. Đó cũng là một bức tường ngăn chặn những cỗ xe tăng bành trướng của Bắc Kinh trên biển.

Và như vậy ít nhiều cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam.  Đương nhiên, Việt Nam sẽ “phản đối” Philippines, nhưng đó là phản đối mang tính ngoại giao. Việc này cũng giống như Việt Nam phản đối Trung Quốc hoạt động quân sự ở quần đảo Hoàng Sa/Tây Sa vậy.

Đấu tranh ngoại giao trên Biển Đông không chỉ lúc này mà về lâu dài phải kiên trì, kiên quyết, khôn khéo là vì vậy. Không chỉ trích Trung Quốc công khai  hoặc trực tiếp đó là cách ngoại giao “khôn khéo” của các nước ASEAN, nhất là đối với Campuchia đã tuyên bố lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Vì vậy, dựa vào ASEAN để chống Trung Quốc tuy là việc cần làm nhưng hiệu quả đến đâu thì phải đợi thời gian.

RELATED ARTICLES

Tin mới