Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiReam không còn là chuyện riêng của Campuchia

Ream không còn là chuyện riêng của Campuchia

To tiếng với Mỹ – cường quốc số 1- là điều chẳng nên. Campuchia biết vậy. Trước nay, mỗi khi Mỹ cáu kỉnh thì Cam xoa dịu. Vậy mà lần này, Phnôm Pênh dường như chẳng thể kiềm chế được nữa khi “cãi lại” lại nhem nhẻm.

Ream có thể thành điểm cung cấp hậu cần cho hải quân Trung Quốc

Chuyện vừa xảy ra, bắt đầu từ sự cấm đoán của phía Campuchia đối với Marcus Ferrara, một quan chức ngoại giao hàm tham tán của Mỹ tại Phnôm Pênh. Vị quan chức này được phía Campuchia trịnh trọng mời tới thị sát quân cảng Ream thuộc tỉnh Sihanoukville. Ban đầu hồ hởi. Vậy mà chỉ ngay sau đó, ông này đã tức giận “bỏ về sớm” với lý do “các quan chức quân đội Campuchia từ chối cho phép tham tán quốc phòng được tiếp cận đầy đủ tại căn cứ hải quân”. Cay cú với việc thiếu trọng thị của quân đội Campuchia, đại sứ quán Mỹ tại Phnôm Pênh đã “đề nghị giới chức quân đội Campuchia sắp xếp lại chuyến thăm với điều kiện tiếp cận toàn bộ trong dịp sớm nhất”. Nói là đề nghị, nhưng ai cũng thấy, người Mỹ đã ra giọng trịch thượng, kẻ cả như thế nào.

Mỗi khi Washington giận, Campuchia nín nhịn, xoa dịu, làm lành bằng cách này, cách khác. Nhưng lần này thì không. Tướng Nem Sowath, cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, ấm ức nói toang toác trên trang Fresh News của Campuchia, rằng: “Họ (Mỹ) đang giả vờ. Họ nên biết rằng vương quốc (Campuchia) có chủ quyền và luật pháp, nhưng họ có những chương trình nghị sự tiềm ẩn vì lợi ích địa chính trị ”; và “Những gì đại sứ quán viết không đúng sự thật”…

Cãi cọ giờ mới nổ ra. Nhưng thực ra, eo xèo liên quan quân cảng Ream của Campuchia giữa Campuchia với Mỹ cùng các nước khác có từ cách đây hơn hai năm. Nguyên nhân bởi quân cảng này quá quan trọng, đặc biệt là với Trung Quốc. Nếu như đạt được thỏa thuận thuê Ream lâu dài, Trung Quốc có thêm điều kiện gia tăng sức mạnh quân sự bao trùm một vùng rộng lớn tại Đông Nam Á nhờ “bù đắp khoảng cách giữa các hoạt động ở nước ngoài và khả năng bảo đảm hậu cần, phát triển lực lượng viễn dương, xây dựng các điểm cung cấp hậu cần ở nước ngoài …” như nội dung trong Sách Trắng quốc phòng “Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” công bố ngày 24/7/2019. Tuy nhiên, chính thế, quân cảng này thành mục tiêu trinh sát của Mỹ và một số đồng minh khác, cũng như Mỹ, đang quá khó chịu về sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Các nước liên quan trực tiếp chủ quyền Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia thì đã hẳn: Rất quan tâm và theo dõi các động thái của Campuchia và Trung Quốc tại căn cứ này.

Đang lúc thông tin về một thỏa thuận bí mật giữa Phnôm Pênh với Bắc Kinh ngày một lộ rõ, như thêm dầu vào lửa, Campuchia cho phá nát tòa nhà quân sự do Mỹ xây dựng tại căn cứ hải quân Ream – tòa nhà mà trước đó không lâu, chính Mỹ trước đó từng đề nghị hỗ trợ tài chính để nâng cấp.

Một câu hỏi không thể không đặt ra: Phải chăng, việc phá tòa nhà là một phần trong thỏa thuận của Campuchia với Trung Quốc, tiến tới đón quân đội Trung Quốc tới đồn trú? Bộ Quốc phòng Mỹ, hồi tháng 10 năm ngoái, trong một thông báo, đã nêu quan ngại mà thực ra, có ý nghĩa như một chất vấn: “Chúng tôi lo ngại là việc phá bỏ cơ sở này có thể liên quan tới các kế hoạch của chính phủ Campuchia trong việc dành chỗ cho các cơ sở quân sự và quân nhân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại căn cứ hải quân Ream?”,v.v…

Khi đó, thừa nhận việc phá dã tòa nhà, nhưng Campuchia đã bác bỏ thông tin Trung Quốc liên quan sự việc.

Tới năm nay, những hoài nghi đã thành sự thật. Đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết, phía Trung Quốc đang giúp Campuchia hiện đại hóa, mở rộng căn cứ hải quân Ream, và “giúp Campuchia có một địa điểm thích hợp, một xưởng sửa chữa tàu bè và một bến cảng neo đậu”. Tea Banh nói thêm rằng: “Họ tình nguyện giúp đỡ, và Campuchia rất biết ơn về điều này. Sự hỗ trợ này được thảo luận rõ ràng, không có điều kiện ràng buộc nào”.

Điểm cần lưu ý, lời xác nhận liên quan tới Trung Quốc  tại cảng Ream chỉ được đưa ra sau khi bị một số báo, đài Mỹ và phương Tây phát giác. Thậm chí, có lần, Thủ tướng Campuchia Hun Sen còn cáo buộc thông tin của các hãng tin rằng: “đây hiển nhiên là một tin giả”. Nghĩa là, cũng như Trung Quốc, hoàn toàn chẳng hề có cái gọi là “thật thà” của Campuchia trong các vấn đề liên quan câu chuyện.

Biết cộng đồng Asean không đồng tình, và cảnh giác, ông Tea Banh trấn an: “Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất được tiếp cận căn cứ này”. Chỉ có điều, dù vậy, không những không yên tâm, dư luận càng như lo lắng hơn. Sự lo lắng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thu Hằng – thể hiện một cách ý nhị trong cuộc họp báo quốc tế ngày 10/6 vừa qua: “Việt Nam mong muốn quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định, và thịnh vượng của khu vực và thế giới”.

Hà Nội hẳn giận ông bạn Campuchia lắm. Nên ngôn từ nhẹ nhàng không che giấu được sự khó chịu. Thực sự, nó cần được hiểu như sự cảnh báo Phnôm Pênh: “Làm ý, làm gì thì làm, nhưng đừng có làm “nóng” thêm Biển Đông. Campuchia hãy thể hiện là một quốc gia trách nhiệm với cộng đồng…”.

Việt Nam lo lắng là phải. Và đâu chỉ Việt Nam. Mỹ và các nước Asean khác đều thừa hiểu: Một quân cảng đắc địa như Ream nằm trong tay Trung Quốc, sẽ được Trung Quốc khai thác như thế nào trong việc mở rộng tham vọng ngang ngược của họ trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới