Monday, May 6, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Đòn biếm họa” sau Hội nghị G7

“Đòn biếm họa” sau Hội nghị G7

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày từ 11 đến 13/6, tại Cornwall, Vương quốc Anh,  lãnh đạo Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra Tuyên bố chung. Trong Tuyên bố này, Trung Quốc bị lên án mạnh mẽ nhất. Thay vì sự phản ứng trên truyền thông chỉ thấy một bức biếm họa nhằm vào…G7

Tuyên bố chung của Hội nghị kêu gọi cần tiến hành nghiên cứu và điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Các kết quả trong thời gian quan chưa thuyết phục vì còn “thiếu sự hợp tác từ Trung Quốc”.

Vấn đề gây bất đồng lớn nhất, đến mức ban tổ chức phải ngắt mạng để họp kín, đó là những chỉ trích về hành động “vi phạm nhân quyền” của Trung Quốc ở Hồng Công, Tân Cương. Đặc biệt, Tuyên bố chung kêu gọi thiết lập lại hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan, giải quyết các vấn đề trên cơ sở hòa bình.

Hội nghị G7 cũng đặc biệt quan ngại về những diễn biến xấu gần đây do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhằm thay đổi hiện trạng và gây gia tăng căng thẳng.

Bắc Kinh đã bày tỏ sự giận dữ trước Tuyên bố chung của hội nghị G7, cáo buộc G7 “thao túng chính trị và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. Đại sứ quán Trung Quốc tại London gọi đây là hành vi “vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”.

Nắm được ý đồ của giới chóp bu Trung Nam Hải, giới truyền thông Trung Quốc tung ra một bức tranh biếm họa. Bức tranh có tên “Hội nghị G7 cuối cùng”. Tác giả biếm họa là Bantonglaoatang, đăng tải trên nền tảng mạng xã hội Sina Weibo, sau đó tờ Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm nổi tiếng “diều hâu” của Trung Quốc đăng lại.

Hẳn bạn đọc đều nhớ bức bích họa “Bữa ăn tối cuối cùng” của danh họa Leonardo da Vinci. Trong biếm họa “nhái” này, Bantonglaoatang vẽ 9 con thú (biểu tượng của Mỹ, Anh, Italy, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Úc và Ấn Độ) ngồi chung quanh một chiếc bàn với chiếc bánh ngọt hình bản đồ Trung Quốc. Phía trên bức họa là dòng chữ: “Nhờ đây, chúng ta vẫn có thể thống trị thế giới”.

Mỗi con thú trong biếm hoạ có hình thái, biểu hiện khuôn mặt khác nhau, ám chỉ thái độ của từng thành viên trong Hội nghị. Mỹ là hình ảnh con đại bàng ngồi ở giữa bàn (vị trí của “Chúa Jesu”) trong bức bích hoạ của Leonardo da Vinci.

Trước mặt đại bàng Mỹ là chiếc máy in tiền và một tờ hoá đơn. Chiếc máy in này có khả năng in giấy vệ sinh thành tiền USD. Các con số trên tờ hoá đơn lớn dần từ 2 nghìn tỉ đến 8 nghìn tỉ USD. Có thể hiểu rằng: Bắc Kinh chỉ trích Mỹ bị kẹt trong bẫy nợ, xung đột, nhưng vẫn cao giọng bài xích Trung Quốc.

Tóm lại bức tranh “nhái” muốn ám chỉ phương Tây có ý đồ bao vây, cô lập Trung Quốc. Nhầm to rồi. Đây là “bữa ăn cuối cùng” của các người!

Theo bình luận ban đầu của các nhà nghiên cứu thì bức tranh này chỉ là một phản ứng yếu ớt mang tính thăm dò. Còn cho dù G7 có ra Tuyên bố nhưng đâu dễ thực hiện, bởi sự phân hóa trong nhóm các nước này và chính những lợi ích của nước họ. Hai nữa, các vấn đều nêu ra chỉ mới mang tính ý tưởng.

Chẳng hạn, G7 dự định ra mắt chương trình đầu tư hạ tầng đầy tham vọng mang tên sáng kiến “Xây dựng lại Thế giới tốt đẹp hơn”  (B3W) – một giải pháp xanh đối trọng với Sáng Kiến Vành đai – Con đường (BRI) của Trung Quốc.  B3W thể hiện rất rõ mối lo ngại của nhóm G7 đối với Trung Quốc. Bởi BRI là chương trình đầy tham vọng   nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và nền tảng kỹ thuật số, kết nối hàng trăm quốc gia từ châu Á đến Trung Đông, châu Phi và châu Âu, nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Kết thúc Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden được tung hô nhiều nhất. Ông đang cố gắng tập hợp các đồng minh và đối tác ngoại giao để chống lại những gì mà Washington coi là mối đe dọa lớn nhất đối với thương mại, công nghệ và các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược khác. Điều này cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng làm nhưng chưa triệt để. Trump áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Bắc Kinh cùng nhiều công ty của Trung Quốc, nhưng có vẻ như bột phát, ngẫu hứng, không theo đuổi chiến lược bài bản xây dựng một mặt trận thống nhất đối phó với Trung Quốc.

Sự khác biệt không thể hòa giải về các giá trị cùng những mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phân cực và cạnh tranh trong thời kỳ mới, khi cả hai bên đều muốn giữ ngôi vị bá chủ thế giới.

Đương nhiên, căng thẳng giữa hai siêu cường sẽ lan rộng ra toàn cầu, đẩy nhiều công ty đa quốc gia rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nhìn rõ vấn đề này, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7, Trung Quốc đã thông qua luật chống lại các lệnh trừng phạt nước ngoài. Đây giống như lời cảnh báo: Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động “phá hoại” nào của phương Tây.

Kết hợp các biện pháp kinh tế, ngoại giao, quân sự trong sự nghiệp phụng sự “Giấc mơ Trung Hoa”, Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tính xa đường đi nước bước.

Bức biếm họa nêu trên chỉ là một trong những cách thức tuyên truyền, một hình thức giễu nhại, vừa kíp thời cảnh cáo Mỹ và đồng minh “hãy đợi đấy”, vừa an dân Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới