Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửLạ lùng dàn máy bay mang con số '20' của không quân...

Lạ lùng dàn máy bay mang con số ’20’ của không quân TQ

Những máy bay mang định danh “20” đều được xem là thành tựu của ngành công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc trong suốt 70 năm qua.

Tiêm kích tàng hình J-20

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng trong 20 năm qua ngành công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, giúp họ dần đuổi kịp hay thậm chí vượt mặt một số nước phương Tây.

Điều này thể hiện rõ qua số máy bay được không quân Trung Quốc đưa vào trang bị mới qua từng năm. Trung Quốc cũng là quốc gia thứ 2 trên thế giới đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 – J-20 – chỉ sau Mỹ.

Thế nhưng ít người biết rằng J-20 không phải là dòng máy bay quân sự duy nhất của Không quân Trung Quốc mang định danh số “20”. Ngoài tiêm kích tàng hình này còn có máy bay vận tải quân sự chiến lược Y-20, trực thăng vận tải đa năng Z-20 và sắp đến là máy bay ném bom tàng hình H-20.

Theo tờ Sina, sở dĩ các máy bay trên đều mang số định danh “20” làm nhầm thể hiện ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên mới sau 70 năm phát triển.

Được biết, tiêm kích J-20 cũng sẽ xuất hiện trong lễ duyệt binh trên không ở Bắc Kinh vào ngày 1/7, một phần trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tiêm kích tàng hình đầu tiên

J-20 hay Chengdu J-20, mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc được giới thiệu lần đầu tiên tới công chúng vào năm 2017. Nó được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc trong vài thập kỷ trở lại gần đây. Ngoài ra J-20 còn là một trong bốn chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang hoạt động trên thế giới.

Trước đó, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) công bố báo cáo nói rằng phát triển J-20 là một phần trong chiến lược hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc nhằm thu hẹp khoảng cách với không quân các nước phương Tây về năng lực tác chiến, chỉ huy, kiểm soát và tác chiến điện tử.

Sau khi được biên chế vào năm 2017, không quân Trung Quốc luôn quảng bá J-20 có thể sánh ngang với dòng chiến đấu cơ tương tự của Mỹ và Nga. Tuy vậy các chuyên gia vẫn đang nghi ngờ về khả năng chiến đấu thực sự của loại máy bay này.

Hiện tại J-20 của Trung Quốc vẫn đang sử dụng động cơ AL-31FM2 do Nga cung cấp, đây vẫn là chuẩn động cơ của chiến đấu cơ thế hệ thứ 4. Trung Quốc vẫn đang chật vật để phát triển động cơ dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Phát triển động cơ vẫn là điểm hạn chế lớn nhất của công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu của nước này.

Máy bay J-20 có trọng lượng đầy tải là 37 tấn, tốc độ tối đa 2,5 Mach (khoảng 3.000 km/giờ), tầm bay 6.000 km, trần bay 20.000 m. Ngoài ra, nó có thể mang nhiều loại tên lửa, thể hiện khả năng chiếm ưu thế trên không mạnh mẽ.

Máy bay vận tải chiến lược

Y-20 hay Xian Y-20 là mẫu máy bay vận tải quân cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo, nó được không quân Trung Quốc đưa vào trang bị từ năm 2016.

Được thiết kế để vận chuyển hàng hóa và người với khoảng cách dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Y-20 – trang bị bốn động cơ phản lực D-30KP-2 (do Nga chế tạo) với tầm hoạt động lên đến 4.500km khi chất tải đầy đủ. Phạm vi hoạt động của Y-20 có thể mở rộng ra gần 8.000km khi chỉ mang 40 tấn hàng hóa.

Chiếc máy bay này là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả sự phát triển của các dòng máy bay vận tải chiến lược, tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu tàng hình.

Thậm chí Trung Quốc còn so sánh Y-20 với dòng máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 của Mỹ.

Máy bay ném bom tàng hình H-20

Đầu năm nay, không quân Trung Quốc cho chia sẻ đoạn video có thể bao gồm một số cảnh quay “nửa kín nửa hở” về chiếc máy bay ném bom tàng hình Xian H-20 đang được nước này phát triển,

Cấu hình của Xian H-20 nhanh chóng được so sánh với máy bay ném bom B-2 Spirit của Không quân Mỹ, cũng như chiếc B-21 Raider sắp ra mắt.

Truyền thông Trung Quốc tỏ ra khá hào hứng về việc này đang chế tạo một mẫu máy bay ném bom tàng hình. Thậm chí tạp chí Modern Weaponry (một kênh truyền thông của Norinco) còn mô tả H-20 như một “chiến thần trên bầu trời”.

Các bức ảnh thiết kế mô phỏng của H-20 do Modern Weaponry đăng tải cho thấy những chi tiết chính của máy bay ném bom này bao gồm một khoang chứa vũ khí, hai cánh đuôi có thể điều chỉnh, một radar trên không ở phía trước và hai cửa hút khí tàng hình ở mỗi bên. Toàn bộ chiếc máy bay ném bom có lẽ được bao phủ trong một lớp vật liệu hấp thụ radar màu xám đen.

Hình ảnh về H-20 được giới thiệu trên Modern Weaponry đăng tải khá tương đồng với những hình ảnh trước đó về mẫu máy bay ném bom “lạ” được Không quân Trung Quốc giới thiệu trước đó.

Nhiều báo cáo cho rằng H-20 có thể được trang bị tên lửa hạt nhân hoặc thông thường, và sẽ có trọng lượng cất cánh tối đa ít nhất 200 tấn và trọng tải lên tới 45 tấn. Người ta suy đoán rằng máy bay có thể bay ở tốc độ cận âm và cũng có thể được trang bị tới 4 tên lửa hành trình tàng hình siêu vượt âm.

Dựa trên những gì đã biết về H-20, người ta tin rằng XAC đã ưu tiên khả năng tàng hình và tầm bay hơn tốc độ – có thể cho phép máy bay ném bom này tấn công ở khoảng cách mà trước đây nằm ngoài tầm hoạt động của máy bay ném bom của không quân Trung Quốc.

Trực thăng đa nhiệm Z-20

Z-20 hay Harbin Z-20 là dòng trực thăng quân sự đa nhiệm được Tập đoàn Công nghiệp hàng không Cáp Nhĩ Tân phát triển cho Quân đội Trung Quốc. Dòng trực thăng này được sản xuất để thực hiện một loạt các nhiệm vụ bao gồm: Tác chiến chống ngầm, tấn công mục tiêu mặt nước, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, vận chuyển quân…

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định hình dáng của Z-20 giống tới 90% với thiết kế trực thăng Black Hawk do công ty Sikorsky Mỹ chế tạo. Trong quá khứ Mỹ từng bán 24 chiếc S-70 Black Hawk cho Bắc Kinh, đây đây rất có thể là nền tảng để Trung Quốc phát triển Z-20 hiện tại.

Về thông số kỹ thuật, Z-20 có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 10 tấn được trang bị hai động cơ WZ-10, với công suất 2.000kW mỗi chiếc, kết hợp với đó là hệ thống cánh quạt nâng 5 cánh cho phép nó hoạt động xa, mang được trọng tải nặng và nhanh hơn. Về cơ bản một chiếc Z-20 có thể chở theo tối đa 15 binh sĩ hoặc 4 tấn hàng hóa.

Tốc độ bay tối đa của Z-20 vào khoảng 290km/h với tầm hoạt động 560km, trần bay hơn 6.000m.

RELATED ARTICLES

Tin mới