Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngTàu sân bay INS Vikrant của Ấn độ

Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn độ

Hải quân Ấn Độ sẽ bắt đầu thử nghiệm trên biển tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này nhằm gia tăng khả năng đối phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ.

Các cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay INS Vikrant dự kiến bắt đầu vào tháng 8/2021. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuần trước cho biết, tàu sân bay này sẽ được đưa vào hoạt động vào nửa đầu năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, tàu sân bay mới sẽ giúp Ấn Độ thể hiện sức mạnh tại khu vực mà Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

 “Khí tài mạnh nhất trên biển”

INS Vikrant là tàu sân bay thứ hai của Ấn Độ, sau INS Vikramaditya – tàu sân bay lớn nhất của nước này, được hoán cải từ tàu Đô đốc Gorshkov mua từ Nga.

Chính phủ Ấn Độ đã mô tả tàu sân bay mới là “khí tài mạnh nhất trên biển” và “tài sản quân sự không thể so sánh được”. INS Vikrant sẽ vận hành các máy bay chiến đấu MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa nhiệm MH-60R và trực thăng nội địa hạng nhẹ của Ấn Độ.

Trung Quốc cũng có 2 tàu sân bay đã được đưa vào biên chế, gồm tàu Liêu Ninh được hoán cải từ tàu cũ mua của Ukraine và tàu Sơn Đông – tàu sân bay tự đóng đầu tiên của nước này. Trung Quốc đang tiến hành đóng tàu sân bay thứ 3, dự định đưa vào vận hành trong năm nay.

Nhà phân tích hải quân Ben Ho thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận xét rằng, tàu sân bay mới sẽ cung cấp cho New Dehli nhiều lựa chọn hơn để “sẵn sàng ứng phó với các kịch bản, trong đó có cả kịch bản khủng hoảng với Bắc Kinh”.

Ngăn Trung Quốc can dự vào sân chơi của Ấn Độ?

“Việc sở hữu hạm đội tàu sân bay lớn sẽ tạo nên một chiến lược hàng hải vững chắc và tự tin, có khả năng ngăn Trung Quốc can dự vào sân chơi của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương”, chuyên gia Ben Ho lưu ý.

Cùng chung quan điểm này Yogesh Joshi, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á của Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, tàu sân bay INS Vikrant sẽ giúp “Ấn Độ tăng cường sự hiện diện của hải quân, khả năng tấn công”.

Nhiều nhân vật trong giới quốc phòng của Ấn Độ cho rằng, nước này đã trở nên quá phụ thuộc vào tàu sân bay duy nhất của mình, đặc biệt khi sự hợp tác giữa New Delhi với các lực lượng hải quân thân thiện trên khắp thế giới ngày càng gia tăng.

Ấn Độ đã tập trận chung 3 bên với Singapore và Thái Lan vào tháng 11/2020, tham gia cuộc tập trận hải quân đầu tiên với Liên minh châu Âu tại Vịnh Aden trong tháng 6/2021, tập trận chung với Pháp vào tháng 4/2021.

Tuần trước nước này cũng phối hợp với Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 2 ngày ở Ấn Độ Dương, với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan. Hồi đầu tuần này, Hải quân Ấn Độ đã tổ chức cuộc tập trận chung với Hàn Quốc tại Biển Hoa Đông.

Tướng Hải quân về hưu R.S Vasan, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai, cho rằng, sự gia tăng tần suất các cuộc tập trận chung đã thúc đẩy nhu cầu có thêm tàu sân bay thứ 2 của Ấn Độ. “Ý tưởng ở đây là cần phải có ít nhất 1 tàu sân bay ở hai vùng biển, đặc biệt khi Ấn Độ có hai đối thủ chính: Trung Quốc ở phía Đông và Pakistan ở phía Tây”.  

Bên cạnh đó, việc sở hữu tàu sân bay thứ hai sẽ tăng cường khả năng giám sát của nước này. “Tàu sân bay cho phép các phi công của lực lượng hải quân bay xa hơn để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, theo dõi tàu của đối phương. Phi công hải quân chuyên thực hiện nhiệm vụ này có thể nhận diện các con tàu tốt hơn so với phi công của lực lượng không quân. Điều đó khiến tàu sân bay trở nên quan trọng đối với việc giám sát và thu thập thông tin tình báo”, cựu đô đốc Ấn Độ Mohanan cho biết.

Việc nâng cao khả năng giám sát ngày càng trở nên quan trọng với Ấn Độ khi Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương. Vào tháng 9/2020, chỉ vài tháng sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, Hải quân Ấn Độ thông báo lực lượng này đã theo dõi một tàu Trung Quốc bị cho là đang thu thập thông tin nhạy cảm về các vùng biển của Ấn Độ.

Thay đổi chiến lược của nhóm Bộ Tứ

Giới phân tích cho rằng, tàu sân bay mới sẽ giúp New Delhi theo đuổi các mục tiêu về chiến lược và chính sách đối ngoại, chẳng hạn như tăng cường hợp tác với ba thành viên khác của nhóm Bộ Tứ là Mỹ, Australia và Nhật Bản, sau cuộc tập trận chung Malabar diễn ra vào tháng 11/2020.

Chuyên gia Joshi lưu ý, sự xuất hiện của tàu sân bay INS Vikrant có thể làm thay đổi chiến lược của nhóm Bộ Tứ trong khu vực. “Sự thay đổi ở đây có thể là Ấn Độ sẽ sẵn sàng nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh tại Ấn Độ Dương theo sự phân công vai trò tổng thể của nhóm Bộ Tứ. Điều đó giúp Mỹ và các nước khác có nhiều nguồn lực hơn để gia tăng hoạt động ở Biển Đông, ”ông nói.

Chuyên gia R.S Vasan nhận xét rằng, việc đóng thành công tàu sân bay nội địa INS Vikrant không chỉ thể hiện “sức mạnh công nghệ” mà còn cho thấy năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Ấn Độ.  Chính phủ Ấn Độ cho biết 75% bộ phận của con tàu có nguồn gốc ở trong nước, “từ thiết kế đến vật liệu chế tạo, vũ khí và cảm biến quan trọng”.

“Nhiều quốc gia tại Nam Á và Đông Nam Á, giờ đây có thể tìm đến Ấn Độ như một nhà cung cấp vũ khí mới, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí tài quân sự của Trung Quốc”, ông R.S Vasan nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới