Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiẢnh hưởng của Mỹ khiến Châu Âu coi TQ là “mối...

Ảnh hưởng của Mỹ khiến Châu Âu coi TQ là “mối đe dọa lớn nhất”

Châu Âu hoan nghênh “Nước Mỹ trở lại” của Tổng thống Biden nhưng nhiều nước không có nhiều điểm chung với Mỹ trong việc coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” của mình.

Sự mất kết nối giữa Mỹ và châu Âu

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dường như đã hoàn thành nhiệm vụ ở châu Âu vào tháng trước, khi khiến các đồng minh của Mỹ tin tưởng vào thông điệp “Nước Mỹ trở lại” và chấm dứt 4 năm xáo trộn dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đằng sau nhiệm vụ này, Ngoại trưởng Blinken lại phải đối mặt với một công việc khó khăn hơn: Đó là tổ chức một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Trung Quốc – quốc gia mà Mỹ coi là mối đe dọa lớn nhất của phương Tây.

“Mẫu số chung mà chúng tôi đang thảo luận với tất cả các đối tác châu Âu là dù mối quan hệ với Trung Quốc là địch thủ, cạnh tranh hay hợp tác thì sẽ tốt hơn nếu đối phó với Bắc Kinh cùng nhau thay vì đơn độc. Và theo tôi, điều chúng ta đã thấy ở Hội nghị Thượng đỉnh G7, Thượng đỉnh NATO và Thượng đỉnh Mỹ – EU là ngày càng có nhiều sự nhất quán trong việc đối phó với Trung Quốc từ một lập trường chung”, ông Blinken nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn ở Rome, Italy.

Chính quyền Tổng thống Biden muốn châu Âu dịch chuyển khỏi sự phụ thuộc về kinh tế và thương mại với Trung Quốc, đồng thời chuyển hướng trọng tâm an ninh chiến lược của NATO tập trung vào Bắc Kinh với mức độ thậm chí còn lớn hơn so với Nga.

Đây là thông điệp mà các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã nhấn mạnh trong các cuộc họp hồi giữa tháng 6 với các nước G7 ở Cornwall, Anh và với các nhà lãnh đạo của các nước thành viên NATO, cũng như EU tại Brussels. Ngoại trưởng Mỹ Blinken sau đó đã có chuyến công du thứ hai tới Berlin, Paris, Rome và Matera (Italy) vào cuối tháng 6.

Các nhà ngoại giao và các quan chức đều có những đánh giá khác nhau về thành công của những hội nghị này.

“Nga khiến chúng tôi phải tập trung vào những vấn đề khu vực. Nhưng khi xem xét tới việc định hình trật tự thế giới trong tương lai, Trung Quốc chắc chắn là thách thức mang tính hệ thống”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nhận định sau chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken.

Tuy nhiên, các nước châu Âu khác vẫn ngần ngại trong việc tập trung vào những lo ngại an ninh về Trung Quốc, thay vì Nga. Nhiều nước thậm chí không có nhiều điểm chung với Mỹ về Trung Quốc để đứng vào một mặt trận thống nhất nhằm chống lại Bắc Kinh, vốn là nền tảng cho việc cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

“Với tôi, việc tại sao chúng ta cần Trung Quốc để xây dựng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thực sự là câu hỏi hóc búa”, Susan Thornton, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc, đồng thời là cựu quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nhận định. Nhà ngoại giao này cho rằng, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden, một số nước châu Âu “không coi Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu”, hoặc không có cùng quan điểm với Mỹ về mức độ nguy hiểm mà Trung Quốc gây ra.

Cựu quan chức ngoại giao Thornton đánh giá, đã có “sự mất kết nối khá lớn” giữa Mỹ và châu Âu trong lập trường đối với Trung Quốc.

Đi chung thuyền nhưng không nhìn chung hướng

Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa, từ việc kinh tế Trung Quốc đang vượt Mỹ, mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng về kinh tế và công nghệ trên thế giới, cho tới những vấn đề như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan… Mỹ thậm chí đưa ra cáo buộc chưa có bằng chứng về vai trò của Trung Quốc khi để virus SARS-CoV-2 lây lan ra toàn thế giới vào thời kỳ đầu đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 14/6 với sự tham dự của cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken, các quan chức Mỹ đã thuyết phục các nước thành viên nhất trí lần đầu tiên đưa Trung Quốc vào tuyên bố chung cuối hội nghị, khẳng định, “sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng và các chính sách quốc tế của Trung Quốc có thể gây ra những thách thức mà chúng ta phải đối phó cùng nhau như một liên minh”.

Dù vậy, trên thực tế, hầu như rất ít quốc gia muốn công khai chống đối với Trung Quốc như những gì chính quyền Tổng thống Biden kỳ vọng. Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken cố gắng khắc họa Trung Quốc đối lập với các nền dân chủ nhưng nhiều nước châu Âu có những đánh giá khác dựa trên từng vấn đề cụ thể về Bắc Kinh.

“Từ quan điểm của châu Âu”, lời kêu gọi của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc là “một vấn đề gây tranh cãi về mặt chính trị”, Rosa Balfour, giám đốc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế ở Brussels, Bỉ nhận định.

“Việc tách biệt những thách thức mà Trung Quốc gây ra sẽ giúp các nước thành viên EU đối phó với những vấn đề cụ thể như biến đổi khí hậu và an ninh mạng” thay vì chấp nhận đối đầu gay gắt như những gì chính quyền Tổng thống Biden đề xuất, chuyên gia này đánh giá.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken hy vọng sẽ thuyết phục các đồng minh châu Âu đóng vai trò lớn hơn ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi Mỹ muốn hành động để đối phó với sự mở rộng về quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, các nước châu Âu có lẽ không sẵn sàng làm vậy.

Có một sự mâu thuẫn cố hữu trong việc tập hợp các nước châu Âu chống lại những hành vi cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc. Nhiều nước, giống như Đức, có mối quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc sâu sắc đến mức họ không muốn phải từ bỏ những lợi ích này.

Ngoại trưởng Blinken đã có nhiều nỗ lực nhằm khẳng định với các đồng minh rằng, mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden không phải là “kiềm chế” Trung Quốc mà là cung cấp những giải pháp thay thế nhằm bảo vệ trật tự quốc tế tự do “dựa trên các quy tắc”. Trung Quốc, đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Phi và Mỹ Latin qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

“Châu Âu rất hài lòng khi những xáo trộn dưới thời cựu Tổng thống Trump đã kết thúc. Nhưng với họ, Trung Quốc là một vấn đề khác. Lợi ích giữa các bên là không giống nhau”, nhà quan sát Thornton cho hay

RELATED ARTICLES

Tin mới