Wednesday, May 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCOC: Còn lâu nhé

COC: Còn lâu nhé

Tháng 8/2018, nội dung dự thảo văn bản đàm phán COC được công bố. Trung Quốc nhiều lần cho biết, họ sẽ tích cực tham gia vào quá trình đàm phán để chậm nhất COC có được vào năm 2021.

20 năm, COC vẫn chưa tới đích

Người có những tuyên bố lạc quan đó là ông Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Thời điểm đó, với một bản dự thảo đã nằm trên bàn, nhiều người tin rằng, một khi chính Trung Quốc cũng sốt ruột, thì một bộ quy tắc về ứng xử cho các bên liên quan ở Biển Đông (COC) sẽ băng băng băng về đích, khép lại quá trình gần 20 năm quá mệt mỏi vì những chờ đợi và hy vọng.

Thoáng chốc, đã giữa năm 2021. Vậy mà COC nào đã thấy đâu? Tại Hội nghị lần thứ 19 quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC), cho dù ghi nhận ASEAN và Trung Quốc vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bất chấp tác động từ đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo ngoại giao ASEAN, điển hình là ông Nguyễn Quốc Dũng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã phàn nàn rằng: Trên Biển Đông thời gian qua vẫn có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…

Phàm làm ngoại giao nhiều khi cả uất trong lòng, nhưng không thể, hoặc không muốn nói thẳng. Dù vậy, ai cũng biết, ông Nguyễn Quốc Dũng ám chỉ Trung Quốc chính là thủ phạm gây “xói mòn lòng tin”. Nếu cần dẫn chứng, chẳng mình ông Dũng, các quan chức ngoại giao Asean đều có thể lôi vô số vụ gây hấn Trung Quốc gây ra trong ba năm qua, như vụ Cỏ Rong, vụ bãi Tư Chính, và gần nhất, là vụ hàng trăm tàu dân quân biển trá hình tàu cá tại khu vực Đá Ba Đầu hồi tháng 3/2021 khiến cả thế giới quan tâm và lo ngại…Thế nên, rồi cũng như bao lần khác, tại Hội nghị này, các nước Asean vẫn tha thiết kêu gọi các bên liên quan khẩn trương và tích cực. Trung Quốc vẫn an ủi và lạc quan  “sắp xong đến nơi rồi…”

Tuy nhiên, tới thời điểm giữa năm 2021, hy vọng chẳng còn mấy nỗi. Đành rằng, đại dịch Covid-19 có gây trở ngại cho đàm phán xây dựng COC, vì không thể đàm phán trực tiếp, Nhưng đó không phải là lý do chính. Bởi ngay trong hai năm đại dịch, những vụ việc gây nên bão tố trên Biển Đông vẫn diễn ra đều đều và nguyên nhân cơ bản vẫn là Trung Quốc. Thậm chí, Bắc Kinh còn bị phát giác đã lợi dụng thời gian các quốc gia đang vướng bấn dịch bệnh để gia tăng các động thái nhằm thay đổi tương quan, chiếm lợi thế bằng những hành động bồi đắp, xây trạm nghiên cứu, tăng cường trang thiết bị quốc phòng trên các đảo, đá đã chiếm quyền kiểm soát…

Biết và vô cùng phẫn nộ, nhưng Asean gần như cũng chỉ phản đối…miệng, chẳng thể có những động thái cụ thể để kiềm chế sự ngang ngược của một kẻ tham lam, nhưng lại quá cơ bắp và côn đồ. Nói trắng ra, Trung Quốc dền dứ COC như một miếng mồi mà thực bụng, họ chẳng bao giờ muốn thả, vì một COC như cộng đồng quốc tế, trước hết là ASEAN cần, hóa ra cản trở tham vọng độc chiếm Biển Đông của chính họ.

Đó là chưa kể, ngay ASEAN cũng chưa hẳn đã là “một bên” trong vấn đề Biển Đông. Lợi ích buộc các quốc gia phải tính toán, như Campuchia chẳng hạn, luôn “bám” Trung Quốc một cách trung thành…Nhân tố như Campuchia và một vài nước khác, cho dù ít tận tâm với Trung Quốc hơn, vẫn khiến ASEAN phân tán, suy giảm sức mạnh.

Đề xuất thêm các nhân tố có tính quốc tế khác, ví như “bộ tứ” Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc tham gia xây dựng COC, thì còn lâu mới được Trung Quốc gật đầu. Bởi Bắc Kinh hiểu rằng, như thế chẳng khác nào làm khó cho chính họ vốn đang “chấp” cả ASEAN về sức mạnh, cho dù đuối lý.

Thêm một khó khăn nữa. Trong năm nay, Chủ tịch ASEAN năm 2021 là Brunei. Brunei thì biết rồi: Cũng là nước tuyên bố chủ quyền, nhưng gần như ngậm miệng. Có chăng, chỉ lên tiếng lấy lệ. Nói lấy lệ thì là vô hại với Trung Quốc. Thế nên, nói rằng, hãy đặt niềm tin vào sự tích cực của Brunei trong đàm phán COC, để tới năm 2022, có được một văn bản chính thức, người lạc quan nhất cũng chẳng thể tin.

Tóm lại, COC – như quan điểm của ASEAN lâu nay – thật quan trọng. Nhưng sau 20 năm, nó vẫn là một cái gì đó quá xa vời.

RELATED ARTICLES

Tin mới