Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBác bỏ các lập luận sai trái của TQ trong vấn đề...

Bác bỏ các lập luận sai trái của TQ trong vấn đề Biển Đông

Hai học giả Nga đăng bài viết lên Internet, bác bỏ các lập luận sai trái của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ngày 1/7, trang tin của Hội đồng các vấn đề đối ngoại (russiancouncil.ru) đăng bài viết với nhan đề “Kỷ niệm phán quyết Toà trọng tài về Biển Đông: Nơi giao thoa của địa chính trị và luật pháp quốc tế” của Tiến sĩ Alexandr Karalov và Tiến sĩ Irina Strelnikova, trường Kinh tế cao cấp.

Bài viết điểm lại cuộc chiến pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về các yêu sách của nước này ở Biển Đông, việc thực thi và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế.

Bài viết nêu kết quả trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về các yêu sách của nước này ở Biển Đông, theo đó Tòa trọng tài phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với “quyền lịch sử” và quyền tài phán của nước này đối với các khu vực biển ở Biển Đông là trái với Công ước Luật Biển 1982, là bất hợp pháp và vượt quá ranh giới địa lý và thực chất các quyền của Trung Quốc.

Theo đó, các “quyền lịch sử” được Trung Quốc sử dụng như một công cụ pháp lý trong tranh chấp về quyền sở hữu các vùng lãnh thổ của Biển Đông chỉ được coi là tập quán pháp lý. Tuy nhiên, tập quán này chưa được coi là một nguồn luật bởi Trung Quốc đã không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về việc áp dụng lâu dài và có hệ thống của tập quán này.

Bài phân tích khẳng định các lý lẽ Trung Quốc sử dụng, không được phản ánh trong các quy tắc của luật pháp quốc tế và do đó không thể được coi là lý do biện minh cho việc không thi hành phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.

Bài viết cũng khẳng định rằng Công ước Luật Biển 1982 có tính ràng buộc và là nguồn luật tối cao về mặt pháp lý quốc tế đối với tất cả các bên ký kết, trong đó có Trung Quốc. 

Bài viết nêu quan điểm và phản ứng của ASEAN trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông, cũng như cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc. Các tác giả nhấn mạnh các nước ASEAN đã tích cực thảo luận về sự cần thiết phải đàm phán để xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Bài viết nêu những khác biệt về cách giải thích Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, về quan điểm ràng buộc pháp lý như lập trường của một số nước ASEAN, hay quan điểm phiến diện như Trung Quốc mong muốn. Hệ quả của việc trì hoãn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông đã gây ra xung đột pháp lý quốc tế ở khu vực này hơn 10 năm.

Kết thúc bài viết, các tác giả nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (khẳng định Công ước có tính ràng buộc pháp lý cao nhất cho tất cả các bên ký kết), cũng như Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế.

 
 
Thêm thông tin

RELATED ARTICLES

Tin mới