Ngư dân Philippines Randy Megu dám bất chấp những trận bão biển để ra khơi. Nhưng thời gian gần đây, ông có một nỗi sợ lớn hơn: gặp phải tàu Trung Quốc, Reuters cho hay.
5 năm sau phán quyết mang tính dấu ấn của Toà trọng tài quốc tế đối với vụ kiện các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, ngư dân Megu, 48 tuổi, phàn nàn rằng số lượng tàu Trung Quốc hiện diện ở vùng biển này nhiều hơn bao giờ hết.
“Tôi sợ lắm”, ông Megu nói khi kể về vụ một tàu Trung Quốc đã bám theo con thuyền gỗ của ông suốt 3 giờ đồng hồ hồi tháng 5, ở khu vực cách bờ biển Philippines 140 dặm.
Trung Quốc không công nhận phán quyết của Toà trọng tài và tiếp tục duy trì yêu sách vô lý ở Biển Đông dựa trên cái gọi là Đường 9 đoạn.
Hồi tháng 3, Philippines lên tiếng tố cáo hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc hiện diện ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh nói rằng các tàu này neo đậu để tránh biển động và không có dân quân trên tàu, nhưng các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra nhiều điểm vô lý trong lời giải thích này.
“Số liệu rất rõ ràng. Các tàu hải cảnh và dân quân Trung Quốc hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông so với cách đây 5 năm”, ông Greg Poling, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, cho biết.
Một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện vào tháng 7/2020 cho thấy 70% người Philippines muốn chính phủ thực thi yêu sách của nước này trên biển.
Nước này đã gửi 128 phản đối ngoại giao đến Trung Quốc kể từ năm 2016, trong khi Manila tăng cường tuần tra và hộ tống lực lượng tàu cá của mình.
Nhưng Philippines gần như không làm gì khác vì Tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục duy trì chính sách thân Trung Quốc. Sau khi một số thành viên trong nội các lên tiếng gay gắt, ông Duterte cấm họ phát biểu.
Ông Poling nói với Reuters: “Trung Quốc đang kiểm soát nhiều hơn. Điều duy nhất mà chính phủ Duterte có thể nói là không có vụ lớn nào xảy ra. Nếu bạn đầu hàng trước kẻ bắt nạt, tất nhiên sẽ không có cuộc chiến nào”.
Trung Quốc gia tăng hiện diện ở khắp Biển Đông, tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo với những cảng biển, đường băng và hệ thống tên lửa đất đối không.
Những cuộc tuần tra tự do hàng hải do Hải quân Mỹ thực hiện đã thách thức các yêu sách của Trung Quốc, nhưng chưa cho thấy có tác dụng trong việc ngăn cản Bắc Kinh đưa tàu ra khắp vùng biển giàu tài nguyên và có tầm quan trọng chiến lược này.
Trước cuộc bầu cử năm 2016, ông Duterte nói sẽ đứng lên vì yêu sách của nước này trên biển.
Nhiệm kỳ 6 năm của nhà lãnh đạo này sắp kết thúc, nhưng nếu khả năng ông làm phó tổng thống hoặc con gái ông sẽ kế nhiệm trở thành hiện thực thì sẽ khó có sự thay đổi trong chính sách của nước này với Bắc Kinh.