Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ xem xét tiêm vắc xin phương Tây cho dân

TQ xem xét tiêm vắc xin phương Tây cho dân

Trung Quốc được cho là đang cân nhắc sử dụng vaccine “ngoại” như mũi tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm đầy đủ vaccine do nước này sản xuất như Sinovac và Sinopharm.

Trung Quốc được cho là đang cân nhắc sử dụng vaccine “ngoại” như mũi tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm đầy đủ vaccine do nước này sản xuất như Sinovac và Sinopharm.

Theo Caixin, một tạp chí tài chính có uy tín của Trung Quốc, các cơ quan quản lý dược phẩm của nước này đã hoàn thành đánh giá cấp chuyên gia về vaccine dùng tiêm nhắc lại do Công ty Dược phẩm Fosun Thượng Hải (Fosun Pharma) của Trung Quốc và công ty BioNTech của Đức cùng phát triển dựa trên công nghệ mRNA. Vaccine Covid-19 dùng tiêm nhắc lại Fosun-BioNTech hiện đang trong giai đoạn xem xét để cấp phép.

Tin tức được công bố vài ngày sau khi Thái Lan và Indonesia tuyên bố họ sẽ chuyển từ vaccine do Trung Quốc sản xuất sang vaccine của phương Tây.

Mục đích đằng sau mũi tiêm nhắc lại với vaccine “ngoại” của Trung Quốc

Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc là quốc gia đã quảng cáo về hiệu quả của các vaccine do nước này tự sản xuất, đồng thời tặng và bán một khối lượng lớn các vaccine này cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong khuôn khổ chính sách “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh. Do đó, việc Trung Quốc cân nhắc về khả năng thêm mũi tiêm nhắc lại có thể được xem như là “tự vả vào mặt mình”, VOA (Mỹ) bình luận.

“Đó là một sự tự ngầm thừa nhận rằng họ đã không làm tốt trong việc sản xuất vaccine,” Steve Morrison nói với VOA Mandarin. Morrison là Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, Mỹ.

VOA Mandarin đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. và Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh để có bình luận thêm về khả năng của mũi tiêm nhắc lại bên cạnh các mũi vaccine do Trung Quốc sản xuất. Nhân viên Đại sứ quán đã giới thiệu với VOA hai công ty kể trên cũng như “các cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc”. VOA đã làm theo nhưng không nhận được phản hồi.

Tiến sĩ Amesh Adalja, một nhà virus học và phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói với VOA Mandarin trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng mặc dù dữ liệu về vaccine của Trung Quốc không được phổ biến rộng rãi và Trung Quốc vẫn chưa công bố dữ liệu giai đoạn 3 của mình để bình duyệt trên bất kỳ một tạp chí nào, “Chúng tôi đã từng thấy trường hợp cho hiệu quả thấp hơn với vaccine do Trung Quốc sản xuất, và đó có thể là lý do cần đến mũi tiêm nhắc lại.”

Shih Shin-ru, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Bệnh truyền nhiễm do Virus Mới nổi và Giáo sư tại Khoa Công nghệ Y Sinh và Khoa học Phòng thí nghiệm tại Đại học Chang Gung ở Đài Loan, cho biết một loại vaccine “tốt” phải an toàn và có khả năng sinh miễn dịch (có thể tạo ra đủ kháng thể trung hòa) và có hiệu quả bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm thực sự.

Khi bắt đầu phát triển bất kỳ loại vaccine nào, các nhà khoa học không thể biết được loại vaccine đang được phát triển “tốt như thế nào”, bà nói. Nhưng gần đây, khi nhiều nghiên cứu được thực hiện, các nhà khoa học có thể đánh giá cả tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vaccine, Shih cho biết thêm.

Cú “bẻ lái” cho ngoại giao vaccine của Bắc Kinh?

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố đầu tháng Sáu, trong một thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn ở Brazil, hai liều vaccine do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) hoặc công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển, tiêm cách nhau 14 ngày, hiệu quả 51% trong việc ngăn ngừa triệu chứng bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, và hiệu quả 100% trong việc ngăn bệnh nhân Covid-19 trở nặng và tử vong, với sự bảo vệ bắt đầu từ 14 ngày sau khi tiêm liều thứ hai.

Đầu tháng 7, hãng tin CNBC của Mỹ đưa tin rằng trong số 6 quốc gia trên toàn thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, tính theo quy mô dân số, có 5 quốc gia phụ thuộc vào vaccine của Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid hàng tuần tăng cao.

Trong khi đó, dữ liệu thực tế do Bộ Y tế Israel thu thập cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech ít nhất là 97% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng, ngăn bệnh trở nặng và dẫn tới tử vong, theo một bài đăng trên trang web của Pfizer hồi tháng Ba.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ công bố hôm 1/1/2021, vaccine Moderna có hiệu quả là 94,1% sau hai liều tiêm.

Tuy nhiên, vào đầu tháng Bảy, khi biến thể Delta làm gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Israel, Bộ Y tế nước này cho biết hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech đã giảm xuống còn 64% đối với tất cả các trường hợp nhiễm virus corona từ khoảng 95% hồi tháng Năm. Israel ghi nhận hơn 852.940 ca bệnh, theo Trung tâm Nguồn lực Coronavirus thuộc Đại học Y khoa Johns Hopkins, và 6.450 ca tử vong tính đến ngày 20/7.

Jin Dong-Yan, Giáo sư tại Trường Khoa học Y sinh của Đại học Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với VOA Mandarin rằng hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech giảm mạnh khi đối mặt với các biến thể có nghĩa là hiệu quả của vaccine Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 50% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng bởi các biến thể mới. Theo ông, điều này khiến cho mũi tiêm nhắc lại trở thành lựa chọn “bắt buộc”.

Thái Lan, quốc gia đã sử dụng vaccine Sinovac, hiện đang ghi nhận số ca mắc và tử vong cao. Tại Indonesia, nơi các ca bệnh đang gia tăng, chưa đến 7% trong tổng dân số 271 triệu người đã được chủng ngừa, theo Johns Hopkins. Indonesia là một trong những nước đặt mua số lượng vaccine Sinovac lớn nhất thế giới, với đơn hàng 125 triệu liều.

Cả hai quốc gia châu Á trên sẽ ngừng sử dụng vaccine Sinovac sau khi dùng hết, Malaysia cũng sẽ thực hiện một bước đi tương tự, theo The Diplomat. Philippines và Chile đang nghiên cứu khả năng sử dụng vaccine dùng tiêm nhắc lại Fosun-BioNTech và các loại vaccine không phải của Trung Quốc.

Tại Thái Lan, người dân ở thủ đô Bangkok đã xuống đường biểu tình hôm 18/7 để phản đối cách chính phủ xử lý đại dịch và việc sử dụng vaccine Trung Quốc. Họ yêu cầu chính phủ nhập khẩu vaccine phương Tây.

Tín hiệu tích cực từ Trung Quốc?

Jason Li, một cộng sự nghiên cứu của Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, viết trong email gửi tới VOA Mandarin: “Động thái của Trung Quốc [cân nhắc mũi tiêm nhắc lại với vaccine Pfizer] có thể là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh gia tăng những lo ngại về tính thiếu hiệu quả của cuộc cạnh tranh ‘ngoại giao vaccine’ – ít nhất là từ phía Trung Quốc” và cũng có thể được hiểu rằng “các nhà chức trách Trung Quốc đang đặt sức khỏe cộng đồng lên trên chính trị.”

Ngày 2/6, Wang Wenbin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc đã cung cấp “hơn 350 triệu liều vaccine cho cộng đồng quốc tế, bao gồm hỗ trợ vaccine cho hơn 80 quốc gia và xuất khẩu vaccine sang hơn hơn 40 quốc gia.”

Trung Quốc đã cung cấp vaccine bằng cách tặng hoặc bán cho 102 quốc gia ở châu Phi, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ Latinh, theo dữ liệu theo dõi vaccine được xuất bản bởi BridgeBeijing.com, một nhóm vận động y tế toàn cầu liên kết với nhóm Global Health Strategies có trụ sở tại New York. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 38 quốc gia đã nhận vaccine của Trung Quốc; ở châu Mỹ Latinh là 19 quốc gia; và ở châu Phi là 35 quốc gia. Nhưng các quốc gia châu Phi nhận được số lượng vaccine ít nhất.

Chuyên gia về Trung Quốc Ian Chong tại Đại học Quốc gia Singapore nói với BBC rằng việc Bắc Kinh thúc đẩy bán hoặc tặng vaccine trên toàn thế giới là “một nỗ lực nhằm kết thúc câu chuyện rằng các ca nhiễm được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, và nhằm chứng tỏ rằng [Trung Quốc là] một cường quốc khoa học.”

Các chuyên gia y tế dự báo rằng những quốc gia này cũng sẽ cần tiêm vaccine nhắc lại nếu kế hoạch của Trung Quốc tiến triển.

Chong nói với BBC rằng các quốc gia ngừng sử dụng vaccine Trung Quốc “thực chất là đặt câu hỏi về năng lực kỹ thuật của Trung Quốc.”

Tuy nhiên, các nhà phân tích không nhìn thấy lợi ích nào từ việc loại bỏ chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

“Vào thời điểm vaccine khan hiếm và chậm được phân phối đến Nam bán cầu, các mối quan hệ ngoại giao giữa các nước nhận vaccine và Trung Quốc hầu như sẽ vẫn được đánh giá cao,” Jason Li từ Trung tâm Stimson cho biết. “Mặt trận và trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao vaccine ban đầu của Trung Quốc là nhấn mạnh vào hợp tác Nam-Nam.”

“Động thái này chắc chắn sẽ làm lung lay những lợi ích đạt được về mặt ngoại giao. Nhưng không rõ liệu nó có hủy hoại hoàn toàn những lợi ích đó không bởi vì ai cũng thấy rằng người Trung Quốc đã rất hào phóng trong việc chia sẻ vaccine,” Morrison tại CSIS kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới