Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGiá xăng dầu tăng liên tiếp trong 7 tháng qua, nhiều doanh...

Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong 7 tháng qua, nhiều doanh nghiệp dầu khí báo lãi sốc

Giá xăng dầu liên tiếp tăng trong 7 tháng qua đã trở thành động lực giúp nhiều doanh nghiệp dầu khí lãi lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chuyển lỗ thành lãi. Theo thống kê của Dân Việt, tổng lợi nhuận của 10 doanh nghiệp dầu khí đạt khoảng 13.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng tới 1333% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối ngành Dầu khí có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 257%, vượt ngân hàng.

Thống kê của FinnGroup cho thấy, tính đến 31/7 đã có 674/1.738 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM (chiếm 86,1% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh chính thức hoặc ước tính cho quý II/2021.

Trong đó bao gồm 26 ngân hàng (chiếm 99,5% vốn hóa ngành) và 622 doanh nghiệp (chiếm 81,4% vốn hóa khối Phi tài chính).

Trong quý II, doanh thu của khối ngân hàng tăng 44,2% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại do gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của nhà nước bao gồm Vietcombank (VCB) và Vietinbank (CTG).

Doanh thu của khối doanh nghiệp phi tài chính tăng 32%, lợi nhuận sau thuế tăng 86,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong số này doanh nghiệp dầu khí là ngành có lợi nhuận tăng tốc mạnh thứ 2, với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 257%. Thống kê ngẫu nhiên tại 10 doanh nghiệp dầu khí cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này trên 13.600 tỷ đồng 6 tháng đầu năm. Kết quả này tăng tới 1333% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp “lật ngược thế cờ” chuyển từ lỗ sang lãi.

Như vậy, so với ngành có mức lợi nhuận khủng là ngân hàng, lĩnh vực dầu khí vẫn vượt xa về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Giá xăng dầu tăng vọt trong 7 tháng qua, nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn

Báo cáo tài chính quý II/2021 và nửa đầu năm nay của 10 doanh nghiệp trong ngành Dầu khí được Dân Việt thống kê ngẫu nhiên cho thấy, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này đạt khoảng 13.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, con số của cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 950 tỷ do nhiều doanh nghiệp báo lỗ, với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này lên tới 1333%. Động lực giúp doanh nghiệp xăng dầu báo lãi lớn là nhờ giá xăng liên tiếp tăng trong hơn 7 tháng qua (từ ngày 11/11/2020 đến 12/7/2021), giá xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 5.875 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 6.215 đồng/lít.

Dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm này là Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (HOSE: GAS). Lũy kế 6 tháng đầu năm, GAS đã đem về 40.272 tỷ đồng doanh thu thuần. GAS lãi trước thuế 5.570 tỷ đồng và 4.292 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 23% và 5% so cùng kỳ. Ông lớn ngành dầu khí đã thực hiện 62% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho 2021.

Riêng trong quý II/2021, GAS ghi nhận doanh thu thuần tăng 45%, đạt 22.702 tỷ đồng nhờ giá dầu bình quân trong quý II/2021 tăng 133%.

CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) cũng hưởng lợi lớn từ giá dầu trong nửa đầu năm nay. BSR cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 giá dầu thô (giá Dated Brent) giảm mạnh từ mức 63,5 USD/thùng bình quân tháng 01/2020 xuống còn 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4/2020 (giảm 45 USD/thùng). Trong khi đó, 06 tháng đầu năm 2021 giá dầu thô đang trên đà phục hồi.

Giá Dated Brent liên tục tăng từ 49,9 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 73 USD/thùng bình quân tháng 6/2021 đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty.

Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2021 khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính trong quý này tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đó, BSR “lật ngược thế cờ” thành công từ lỗ 4.245 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nửa đầu năm nay BSR báo lãi trước thuế 3.590 tỷ đồng.

Kịch bản tương tự với “ông lớn” Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex – HOSE: PLX) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOil -UPCoM: OIL).

Theo đó, hết quý II/2021, Petrolimex báo lãi 2.741 tỷ đồng trước thuế, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 920 tỷ đồng.

Tại PVOil, lũy kế 6 tháng đầu năm, PVOil báo lãi trước thuế 533 tỷ đồng và lãi ròng 359 tỷ đồng.

Nhìn lại giai đoạn nửa đầu năm 2020, PVOil đã phải thua lỗ trước thuế 306 tỷ đồng do tác động kép của dịch Covid-19 và xu hướng giá dầu thấp.

Năm 2021, PVOil đặt mục tiêu doanh thu 55.750 tỷ đồng và lãi sau thuế 320 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và vượt 45% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Một số doanh nghiệp tăng trưởng dương về lợi nhuận gồm: Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH); Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT) và Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (HoSE:PGD).

Không nằm trong thống kê của Dân Việt vì chưa công bố báo cáo tài chính, xong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam – PVN) ước tính tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 299.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 21,300 tỷ đồng, lần lượt vượt 20% và vượt 165% kế hoạch 6 tháng.

Trong khi đó, cả năm 2020 PVN lãi trước thuế chỉ vào khoảng 17,500 tỷ đồng trong năm 2020.

Chiều ngược lại, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi nhuận đi lùi trong nửa đầu năm. Đơn cử như Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP (PVChem – HNX: PVC)  lãi ròng lũy kế nửa đầu năm 75 triệu đồng, giảm 98% so cùng kỳ.

Tương tự, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) lãi trước thuế “bốc hơi” 178 tỷ so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 183 tỷ đồng, giảm 37%.

Cá biệt, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling – HOSE: PVD) thậm chí còn thua lỗ trong nửa đầu năm nay với với số lỗ 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi 94 tỷ đồng.

Khối nợ vay “phình” to

Thống kê của Dân Việt tại 10 doanh nghiệp Dầu khí này cũng cho thấy, tổng nợ vay và thuê tài chính tiếp tục “phình” to.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ vay và thuê tài chính của các doanh nghiệp được thống kê là trên 51.110 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lợi nhuận khả quan nhất GAS cũng chính là “ông lớn” có số nợ vay “phình to” nhất trong số này với 2.659 tỷ đồng (tương ứng tăng 89%).

Tiếp theo là PVT với mức tăng lên tới 29%, đạt 3.350 tỷ đồng nợ vay đến cuối tháng 6/2021.

4 doanh nghiệp giảm nhẹ vay nợ trong nửa đầu năm bao gồm : BSR (giảm 1%); PVS (giảm 2%); PSH (giảm 5%) và PLX (giảm 2%).

RELATED ARTICLES

Tin mới