Trung Quốc ngày càng đạt nhiều thành tựu về kinh tế, khoa học-công nghệ. Lẽ ra, điều đó phải khiến cộng đồng quốc tế vui mừng. Vậy mà trong thực tế, điều đó gần như không xảy ra. Tại sao vậy?
Giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014
Thí dụ cụ thể cho sự “mừng ít, lo nhiều” nêu trên là việc những ngày đầu tháng 8/2021, các phương tiện truyền thông Trung Quốc, trong đó có các cơ quan trọng yếu, như Thời báo Hoàn Cầu – ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo – cơ quan của Đảng CSTQ, và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), căn cứ Thông cáo báo chí của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), loan tin rằng: “…dự án dầu khí nước sâu độc lập đầu tiên của nước này – cụm mỏ dầu Lưu Hoa 16-2 (Liuhua 16-2) ở Biển Đông, hiện đang hoạt động hết công suất…”.
Với dư luận, CNOOC không những không phải là cái tên xa lạ, mà còn là cái tên cần cảnh giác. Liên quan câu chuyện Biển Đông, cái tên đó càng trở nên nhạy cảm. Chính CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan dầu Hải dương 981 đã hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tháng 5/2014, gây náo loạn dư luận. Thời điểm đó, đây là giàn khoan dầu biển sâu kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá. Còn nhớ, Trung Quốc chỉ chịu rút lui khi bị Việt Nam phản đối kịch liệt và bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ.
Trong thông cáo báo chí được truyền thông Trung Quốc đưa lần này, CNOOC còn phô rằng: “Cụm mỏ dầu Lưu Hoa nằm ở phía Đông Biển Đông, cách thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) 250 km về phía Đông Nam, bao gồm các mỏ dầu Lưu Hoa 16-2, Lưu Hoa 20-2 và Lưu Hoa 21-2, độ sâu trung bình 412m. Đây là dự án nước sâu sâu nhất trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc. CNOOC đánh giá tiến độ mới tại cụm mỏ dầu này là thành tựu quan trọng của tập đoàn sau khi CNOOC bắt đầu sản xuất tại mỏ khí “Biển sâu số 1” (Thâm Hải Số 1).
Các chuyên gia của CNOOC nhấn mạnh con số 437 m là độ sâu nhất của cụm mỏ này. Hàm ý của “con cá mập” dầu khí Trung Quốc, tức CNOOC, muốn khẳng định kỷ lục mới nhất về độ sâu phát triển mỏ dầu ngoài khơi của CNOOC và Trung Quốc, đã “không chỉ đạt mà còn vượt tầm thế giới”. Nghĩa là, từ nay, nói đến công nghệ và khả năng khai thác dầu khí, CNOOC đường đường chính danh không còn phải nể nang, lép vế trước bất kỳ tập đoàn dầu khí phương Tây nào…
Chưa hết, chẳng ai khảo, như được bật đèn xanh, CNOOC còn không chút che dấu sự hồ hởi khi loan ra những số liệu kết quả khiến các tập đoàn, hãng dầu khí sừng sỏ nhất trên thế giới phải ghen tỵ rằng, tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, hai mỏ dầu đầu tiên của cụm mỏ Lưu Hoa 16-2 đã liên tiếp được đưa vào khai thác. Cuối tháng 7 năm nay, sản lượng dầu thô cộng dồn đã vượt 3 triệu tấn, dự kiến sẽ 3,5 triệu tấn. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực mới cho việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội của vùng Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Ma Cao.
Trung Quốc thì cộng đồng quốc tế không lạ. Một khi họ khoe khoang thành tựu về thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông; một khi họ đề cập cái gọi là “an ninh năng lượng quốc gia”, thì những nước vùng duyên hải Biển Đông hãy… coi chừng. Bởi lẽ, từ thành tựu khoa học và công nghệ đó, “vòi” của những giàn khoan nước sâu khổng lồ cỡ như Hải Dương 981 trở lên của CNOOC, sẽ di chuyển và sẵn sàng cắm vào bất kỳ điểm nào trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.