Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ quyết không để mất Đài Loan vào tay TQ

Mỹ quyết không để mất Đài Loan vào tay TQ

Sau 9 ngày tấn công nhanh chóng, đến 15/8 Taliban đã khống chế được thủ đô Kabul, Afghanistan. Điều kỳ lạ là mặc dù binh lính của chính phủ Afghanistan lúc này là 300 nghìn người (gấp 4 lần số quân của Taliban) nhưng khi Taliban tấn công, binh lính của chính phủ lại “không chiến mà hàng”. Còn Tổng thống Afghanistan là Ashraf Ghani chạy sang Tajikistan.

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu ở Tòa Bạch Ốc hôm 16/8 đã khẳng định, ông không hối tiếc khi rút quân khỏi Afghanistan và quân đội Mỹ sẽ không có ý định quay lại.

Các quốc gia dân chủ như Canada, Anh, Đức, Pháp, Úc… trên cơ bản có thái độ giống Mỹ về vấn đề Afghanistan.

Tình huống ở Afghanistan cần làm rõ 5 vấn đề như sau:

+ Mục đích Mỹ tiến vào Afghanistan?

+ Tại sao Hoa Kỳ muốn rút quân khỏi Afghanistan?

+ Sau khi rút quân, tình hình của Afghanistan có ảnh hưởng đến thế giới như thế nào?

+ Sai lầm của Mỹ ở Afghanistan là gì và tại sao Afghanistan không có đủ dũng khí bảo vệ chính mình?

+ Liệu Mỹ có ‘buông bỏ’ Đài Loan như đã làm với Afghanistan?

Mục đích Hoa Kỳ tiến vào Afghanistan

“Mục đích Hoa Kỳ phát động cuộc chiến ở Afghanistan là chống khủng bố, bắt thủ phạm vụ 11/9 là Bin Laden và đánh bại Al-Qaeda. Mục tiêu này đã đạt được cách đây 10 năm tức năm 2011, nhưng Hoa Kỳ không rút quân vào thời điểm đó. Đây là những sai lầm của chính quyền Obama”, theo học gải Đường Tĩnh Viễn đăng trên Viễn kiến Khoái bình ngày 17/8.

“Năm 2011, Hoa Kỳ đã đạt được mục đích là tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden nhưng tại sao lại chưa rút quân? Bởi vì Hoa Kỳ còn muốn lập nên một chính phủ dân chủ ổn định ở Afghanistan để sau khi Mỹ rút quân, chính phủ này có đủ năng lực bảo vệ bản thân. Nhưng sứ mệnh này đã thất bại”, theo học giả Văn Chiêu đăng trên “Văn Chiêu – Đàm cổ luận kim” ngày 17/8.

Tại sao Mỹ muốn rút quân khỏi Afghanistan?

Afghanistan được xem là… “Nghĩa trang đế quốc”, 80% diện tích Afghanistan là đồi núi, vùng đất này bị chia cắt thành rất nhiều mảnh nhỏ, giống như những bộ lạc và cách xa trung ương. Địa hình nơi đây rất phức tạp, cho nên vùng đất giống như Afghanistan rất khó thống nhất.

Mỹ thật sự muốn đánh Afghanistan, họ chỉ đánh được một vài thành phố hơi lớn một chút giống như thủ đô Kabul. Nhưng phần lớn là vùng nông thôn hoặc không phải thành thị, quân đội Mỹ không thể bao phủ hết được. Vậy nên rất khó thống nhất Afghanistan. Đối với Anh, Mỹ, Nga thì Afghanistan giống như đầm lầy, họ càng lún sâu thì càng không rút ra được. Mỹ thật sự đã sa lầy ở đây.

Thêm vào đó Afghanistan không có tài nguyên, chính phủ ở đây không có tiền, không có nguồn thuế để thu thì không thể nuôi được quân đội. Chính phủ Afghanistan chỉ dựa vào viện trợ/chi phí mà quân đội Mỹ đổ vào, họ không có khả năng tự nuôi mình cho nên không thể duy trì được.

Trong 20 năm, Hoa Kỳ đã chi 1000 tỷ đô-la Mỹ (gần 23 triệu tỷ VNĐ), đã huấn luyện và trang bị cực kỳ tốt cho lực lượng quân đội Afghanistan khoảng 300 nghìn người, nhưng dũng khí để tự bảo vệ mình thì Afghanistan không có. Vậy nên Mỹ đành rút quân.

Tình hình ở Afghanistan ảnh hưởng đến thế giới như thế nào?

Sau khi Mỹ rút quân, ở Afghanistan nhiều khả năng sẽ xảy ra thảm hoạ nhân đạo. Những người chịu ảnh hưởng gồm có phụ nữ Afghanistan, họ có thể sẽ quay lại thời kỳ đen tối, bị ép tảo hôn, không được đi học, nô lệ tình dục… Còn có những người từng làm thông dịch viên cho phương tây, Taliban xem họ như những người phản bội cho nên đây cũng là đối tượng gặp nguy hiểm. Nhưng Mỹ có thể dùng quân bài: Sử dụng máy bay không người lái mang theo bom đao phủ để tiêu diệt những kẻ đứng đầu Taliban nếu tổ chức này có hành động đi quá giới hạn.

Tình hình Afghanistan hiện nay có ảnh hưởng đến cục diện thế giới không? Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 17/8 có nhận định như sau:

“Afghanistan là quốc gia ‘tiền hiện đại’. Nếu chúng ta chia phát triển văn minh thành các giai đoạn: xã hội nông nghiệp, xã hội công nghiệp,xã hội thông tin… thì Afghanistan không phải là xã hội công nghiệp, cũng không phải là xã hội nông nghiệp. Afghanistan không phải là văn minh nông nghiệp mà là văn minh du mục, so với văn minh nông nghiệp thì nó còn kém xa.

Afghanistan không có mặt hàng xuất khẩu chiến lược, về đối ngoại không có hoạt động ngoại giao đặc biệt nào, không có thương mại hoặc giao lưu kinh tế với các nước khác. Nhiều địa phương ở đây thậm chí không có điện. Về mạng internet, chip, công nghệ cao… Afghanistan hoàn toàn không để tâm.  

Địa hình của Afghanistan quá trắc trở, 80% là đồi núi. Kinh tế ở đây là kinh tế cao nguyên. Ở một nơi như vậy, nếu dựa vào thu thuế thì không thể nuôi được chính phủ và quân đội.

Với địa lý, kinh tế, thực lực như vậy, họ không có tài nguyên xuất khẩu chiến lược, không có giao lưu kinh tế, do đó ảnh hưởng không lớn đối với quốc tế.

Có một số người không tin điều này, kỳ thực xem thị trường chứng khoán là sẽ hiểu. Vốn (tư bản) sợ nhất là sự bất ổn định. Giả sử Israel hoặc Iran xảy ra chiến loạn, thị trường chứng khoán thế giới lập tức tăng hoặc giảm mạnh. Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng với những bất ổn như thế.

Nhưng bạn thấy khi Taliban đánh chiếm thủ đô Kabul Afghanistan vào ngày 15/8, bạn thấy thị trường chứng khoán ngày hôm đó hầu như không có phản ứng gì. Nhìn vào phản ứng của cổ phiếu bạn sẽ biết rằng vấn đề của Afghanistan đối với xã hội quốc tế không có ảnh hưởng gì lớn”.

Mỹ quyết không để mất Đài Loan

Làm phép so sánh giữa Đài Loan và Afghanistan ta sẽ giải được 2 câu hỏi cuối với 3 ý như sau:

+ Liệu Mỹ có buông bỏ Đài Loan.

+ Tại sao Afghanistan không có dũng khí bảo vệ chính mình.

+ Sai lầm lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan.

Truyền thông ĐCSTQ có thói quen cười trên nỗi đau của người khác. Lần trước là cười trên nỗi đau của Ấn Độ với 2 tấm ảnh “nhóm lửa”, còn lần này sau khi Mỹ rút quân, truyền thông ĐCSTQ và các tiểu phấn hồng rất phấn khích, nói rằng: Taliban thống nhất Afghanistan trong 9 ngày, thì ĐCSTQ có thể đánh chiếm Đài Loan… trong vài giờ. Đây là tiểu phấn hồng và truyền thông ĐCSTQ nói, thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Giáo sư Chương Thiên Lượng nhận định thêm như sau:

“Thứ nhất về địa chiến lược, Đài Loan và Afghanistan không giống nhau. Nếu Mỹ rút quân khiến chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan gia tăng, Mỹ không cần dùng quân đội, họ chỉ cần dùng máy bay không người lái là giải quyết được vấn đề.

Nhưng nếu mất Đài Loan, Mỹ sẽ mất ‘người đứng gác’ chuỗi đảo thứ nhất. Chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, đến Philippines. Chuỗi đảo thứ nhất có quân Mỹ đóng quân. Nếu Mỹ giữ được chuỗi đảo này sẽ khống chế được dã tâm xưng bá thế giới của ĐCSTQ.

Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ Nam Hàn đến Philippines chụp từ Google map. Đài Loan đóng vai ‘người đứng gác’ trong chuỗi đảo trên.  

Nếu mất Đài Loan, ĐCSTQ sẽ tiến được một bước để khống chế được Biển Đông, mở rộng thế lực ra Thái Bình Dương, điều này đối với Mỹ là không thể chấp nhận. Điều này tương đương với việc chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi khi đó Afghanistan lại là ‘Nghĩa trang đế quốc’ là đầm lầy, càng vào càng lún sâu.

Đây là là điểm mà Đài Loan khác với Afghanistan. Mỹ không muốn trả cái giá quá đắt khi mất Đài Loan.

Thứ hai, quân đội chính phủ Afghanistan không có quyết tâm bảo vệ chính mình nhưng Đài Loan không như vậy. Ở đây có một vài điểm quan trọng cần phân tích rõ.

Một là, Afghanistan là xã hội bộ lạc. Nước này 80% là đồi núi, giữa các bộ lạc với nhau không có liên hệ hoặc giao tiếp với nhau. Dưới tình huống như vậy, quốc gia như thế căn bản không có thực lực để khuếch trương hoặc xưng bá thế giới. Nếu không vì Bin Laden trốn ở Afghanistan, Mỹ sẽ không quản nước này. Vậy nên từ quân sự, kinh tế, tài nguyên chiến lực phương pháp quản lý xã hội… Afghanistan là quốc gia tương đối phong bế. Nếu họ muốn mở rộng thì không tiền, không vũ khí, không có tài nguyên chiến lược, quản lý không được, cho nên khả năng họ khuếch trương là không thể.

Nếu Đài Loan rơi vào tay ĐCSTQ, thì như phân tích ở trên, ĐCSTQ sẽ mở rộng vùng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, khống chế Biển Đông, bành trướng dã tâm xưng bá toàn cầu, uy hiếp đến những quốc gia châu Âu. Liên minh châu Âu hầu hết là quốc gia nhỏ, nước lớn như Anh, Pháp, Đức mỗi nước có 80 triệu dân, Ý có 60 triệu nhân khẩu. Cộng dân số các nước đó cũng không bằng Trung Quốc. Họ chắc chắn sẽ sợ hãi trước mối đe doạ từ Trung Quốc. Cân bằng trật tự thế giới sau Thế chiến hai bị phá vỡ. Vậy nên Hoa Kỳ không thể khoan nhượng vấn đề Đài Loan.

Hai là, quân đội Afghanistan không có quyết tâm tự bảo vệ mình, đây là do văn hoá quyết định.

Afghanistan vốn là xã hội bộ lạc, lấy cộng đồng nhỏ làm nền tảng. Xã hội bộ lạc có đặc điểm là: mỗi cá nhân chỉ muốn bảo vệ an toàn của bộ lạc mình, họ không có nguyện vọng duy trì ổn định cho trung ương tập quyền. Bộ lạc với chính phủ trung ương không có quan hệ gì với nhau. Người trong bộ lạc đó không nộp thuế, họ chỉ cần sống ổn trong bộ lạc là được rồi.

Vậy nên bạn sẽ thấy những người trong cộng đồng nhỏ họ chỉ chiến đấu vì bộ lạc của mình.

Bản thân Afghanistan có nhiều núi, ở núi này có một nhóm, ở núi kia có một nhóm, giao thông và tin tức không thuận tiện, về cơ bản bạn không thể thiết lập quốc gia trung ương tập quyền. Afghanistan bảo lưu trạng thái bộ lạc, cộng đồng nhỏ này đã mấy chục hoặc mấy trăm năm rồi.

Nhưng Đài Loan lại hoàn toàn khác. Đài Loan không phải lấy cộng đồng nhỏ làm nền tảng mà là ‘xã hội dân sự’ (civil society). Hơn nữa người Đài Loan rất yêu tự do. Nếu người Đài Loan không yêu tự do, họ đã không chọn bà Thái Anh Văn – người có lập trường cứng rắn với ĐCSTQ. Khi họ chọn bà Thái, ĐCSTQ không dám uy hiếp hòn đảo này. Người Đài Loan thấy thảm cảnh của Hồng Kông, họ sẽ càng trân quý tự do của Đài Loan.

Nói cách khác, Đài Loan là xã hội dân sự, bảo vệ Đài Loan chính là mỗi công dân bảo vệ phương thức sinh sống của chính mình. Còn ở Afghanistan, bảo vệ chính quyền trung ương lại không phải là cách bảo vệ cuộc sống của họ, bởi vì chính quyền trung ương hầu như không có liên hệ với những bộ lạc phân tán.

Hiểu rõ vấn đề này chúng ta sẽ biết sai lầm lớn nhất của Mỹ trong 20 năm ở Afghanistan là gì.

Trong loạt ‘Trung Hoa văn minh sử’ giáo sư Chương Thiên Lượng đã giảng vấn đề này. Một đế quốc không thể chỉ dựa vào bạo lực. Nếu một quốc gia chỉ dựa vào bạo lực để duy trì sẽ rất nhanh sụp đổ. Một khi ‘kẻ mạnh’ đó ra đi, quốc gia sẽ nhanh chóng tiêu mất. Giống như đế quốc Ba Tư, Macedonia… những quốc gia cổ đại xung quanh Địa Trung Hải, rất nhanh sau đó bị tiêu mất. Tại sao? Bởi vì họ dựa vào kẻ mạnh, quân lực cường đại để khuếch trương lãnh thổ, nhưng họ không có nền tảng văn hoá, một khi kẻ mạnh không còn thì đế quốc cũng tiêu mất.

Nước Mỹ vào quân lực lớn mạnh để duy trì chế độ ở Afghanistan. Chế độ dân chủ trước khi Taliban chiếm trên thực tế là dựa vào bạo lực chứ không phải dựa vào văn hoá để duy trì.

Chế độ dân chủ dựa vào nền tảng văn hoá, từ đó mới hình thành chế độ. Văn hoá giống như nền móng, chế độ dân chủ xây lên từ đó. Nếu không có nền tảng văn hoá, chế độ dân chủ không thể trụ vững.

Vậy nên bạn muốn kiến lập một chế độ dân chủ, đầu tiên bạn phải thay đổi văn hoá. Văn hoá ở đây là văn hoá có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng lớn.

Muốn xây dựng chế độ dân chủ ở Afghanistan, phải thay đổi văn hoá mới được. Thông qua giáo dục, truyền thông, nghệ thuật để thay đổi. 20 năm là một thế hệ, theo lý thì có đủ thời gian để làm nhưng Mỹ ở Afghanistan chưa bao giờ nỗ lực về phương diện này trong 20 năm. Đây mới là vấn đề lớn nhất”.

RELATED ARTICLES

Tin mới