Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biển'Giải mã' tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị về...

‘Giải mã’ tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị về Biển Đông

Tôn trọng thứ 2, mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề cập là: tôn trọng luật pháp, tuy nhiên điều đáng nói đó không phải là luật pháp quốc tế với tư cách là quy tắc xử sự chung mà lại là luật pháp theo cách hiểu của Trung Quốc, “luật” của kẻ mạnh.

Đảo Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép

Ông Vương Nghị tuyên bố: “Phù hợp với luật pháp quốc tế, Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và tất nhiên là có các quyền và lợi ích trên biển tương ứng. Điều đó không hề mâu thuẫn với các quy định của UNCLOS1982. Trung Quốc không bao giờ thay đổi cơ sở của những yêu sách của mình và cũng không bao giờ có thêm yêu sách mới. Luận điệu cho rằng Trung Quốc yêu sách tất cả vùng biển nằm trong đường đứt khúc là nội thủy và lãnh hải là xuyên tạc có chủ ý đối với lập trường của Trung Quốc.”

Phớt lờ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị chiếm đóng trái phép

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, phù hợp với luật pháp quốc tế, Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (là quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng số lượng các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa theo quan niệm của Việt Nam khác xa với quan niệm của Trung Quốc). Trong bài viết này, chúng tôi một lần nữa xin khẳng định rằng nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành mà Việt Nam luôn luôn tuân thủ đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”.

Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ khi chúng còn là đất vô chủ (res-nullius), theo những tài liệu của cả Việt Nam và thế giới còn lưu lại, những chứng cứ rõ ràng xuất hiện muộn nhất, cũng là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, rõ ràng, hòa bình và liên tục, phù hợp với nguyên tắc pháp lý hiện hành của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế. Việt Nam có đầy đủ các băng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này.

Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu, sách, báo trong và ngoài nước đã trích dẫn khá nhiều bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để ủng hộ và bảo vệ quan điểm pháp lý của Việt Nam.

Một điểm đáng lưu ý, khi đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo ở giữa Biển Đông, ông Vương Nghị chỉ khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo “Nam Sa”, không hề nhắc đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là quần đảo “Tây Sa”. Thực tế quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng đoạt bằng sức mạnh vào các thời điểm năm 1909, 1946,1956 và 1974.

Theo chúng tôi, đây là một sự phớt lờ có chủ ý của Trung Quốc. Họ áp đặt rằng quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) vốn dĩ từ lâu trong lịch sử đã thuộc chủ quyền của Trung Quốc, không có vấn đề tranh chấp, không cần bàn cãi. Những đồng thời cũng đồng nghĩa, ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã ngầm thừa nhận quân đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép. Cho nên Trung Quốc mới cố tình phớt lờ thực tế hiển nhiên đó.(!?)

Phải chăng đây cũng chính là “luật” mà Trung Quốc muôn áp đặt bằng sức mạnh, là “luật của kẻ mạnh”.

Cố tình giải thích, áp dụng sai Công ước Luật biển

Ông Vương Nghị đã viện dẫn Công ước của Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, để khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo “Nam Sa”, và cho rằng “tất nhiên là có các quyền và lợi ích trên biển tương ứng. Điều đó không hề mâu thuẫn với các quy định của UNCLOS1982…”

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đi sâu phân tích về phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và hiệu lực của các thực thể địa lý tồn tại trên biển trong việc xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa xung quanh chúng để thấy Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước.

Về căn cứ thiết lập đường cơ sở của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông, tại Phần IV, Điều 46, UNCLOS1982, đã định nghĩa về Quốc gia quần đảo và quần đảo:

“Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa.

“Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Đồng thời Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1…

Mặc dù, Phần IV, UNCLOS1982, không có điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở của quần đảo không phải là quốc gia quần đảo, nhưng, ngày 15/5/1996, Trung Quốc vẫn ra tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo.

Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa, sau khi tìm cách chiếm đóng thêm các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.

Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” đến 200 hải lý xung quanh các quần đảo ở giữa Biển Đông. Đây cũng là sự cố tình giải thích và áp dụng sai quy định của UNCLOS1982 về hiệu lực để xác lập các vùng biển và thềm lục địa xung quanh các thực thể địa lý ở giữa biển.

UNCLOS1092, tại Phần VIII, Điều 121 quy định:

1.“Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”.

2. “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.”

Theo Phán quyết của Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sông kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý.

Từ những điều nói trên có thể khẳng định “Luật” mà ông Vương Nghị đề cập trong phát biểu của mình vừa qua là “Luật” của kẻ mạnh. “Luật” này là kết quả của việc Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS1982. Nó hoàn toàn trái với Công ước của Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982. Viện dẫn Công ước Luật biển nhưng Trung Quốc lại thẳng tay phủ nhận phán quyết của Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của chính Công ước.

Chắc chắn công đồng quốc tế đã và sẽ không bao giờ “tôn trọng” thứ “luật” của riêng Trung Quốc này!

RELATED ARTICLES

Tin mới