Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnLo TQ ngày càng bành trướng, Ấn Độ tăng cường hiện diện...

Lo TQ ngày càng bành trướng, Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Các tàu chiến của Ấn Độ đã được triển khai đến Biển Đông và tham gia các cuộc tập trận chung với nhóm Bộ Tứ (Quad), động thái cho thấy mối quan ngại ngày càng lớn của New Delhi đối với Trung Quốc.

Quân đội Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận với nhóm Bộ Tứ vào năm 2020

Các cuộc tập trận chung của Ấn Độ với nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) và các nước khác trong khu vực ở Biển Đông phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của New Delhi đối với Bắc Kinh, các chuyên gia cho biết.

Theo SCMP, vào tháng trước, 4 tàu chiến của Ấn Độ đã được triển khai đến khu vực Biển Đông trong một nhiệm vụ kéo dài 2 tháng. Nhóm 4 tàu chiến Ấn Độ gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Ranvijay, tàu khu trục hạng nhẹ mang tên lửa dẫn đường Shivalik, tàu hộ tống chống ngầm Kadmatt và tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường Kora.

Hai trong số này tham gia cuộc tập trận chung hàng năm Malabar 2021 với Mỹ, Nhật Bản và Australia ở ngoài khơi đảo Guam, và vừa kết thúc hôm 29/7. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, cuộc tập trận Malabar 2021 đã nhấn mạnh tầm nhìn chung của nhóm Bộ Tứ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Theo nhóm này, các tàu chiến cũng tham gia các cuộc tập trận song phương với hải quân các nước khác như Philippines, Singapore, Indonesia nhằm tăng cường phối hợp giữa “các quốc gia thân thiện” về cam kết tự do hàng hải.

Các nhà quan sát cho rằng, ngoài mục đích kinh tế, sự hiện diện của quốc gia Nam Á này ở Biển Đông, cho thấy New Delhi muốn bắt tay cùng các nước đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, khu vực này có giá trị hơn 5.000 tỷ USD thương mại, trong đó hơn 55% thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông và eo biển Malacca giữa Malaysia và Singapore.

Phó giáo sư Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Đại học Nalanda của Ấn Độ cho rằng, Biển Đông là một hành lang quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đối với thương mại hàng hải và hải quân. “Một vùng biển an toàn và ổn định là yếu tố sống còn đối với sự phát triển công nghiệp, kinh tế và tăng trưởng thương
mại của Ấn Độ”.

Ông Chaturvedy nói, sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Ấn Độ ngày càng lo ngại. Bởi New Delhi cũng cần có quyền tự do đi lại và giải quyết hòa bình tranh chấp trên các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Theo một số chuyên gia, Ấn Độ từng thận trọng hơn đối với các vùng biển tranh chấp, nhưng giờ đây sẽ duy trì quan điểm cứng rắn hơn, đặc biệt là kể từ khi quan hệ Trung – Ấn leo thang căng thẳng sau vụ đụng độ ở Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020.

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 vào tháng 11/2020, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng kể của New Delhi trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Theo ông Long Xingchun, một nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Nghiên cứu các vấn đề Đối ngoại Bắc Kinh, các cuộc tập trận lần này phần nào thể hiện nỗ lực của Ấn Độ trong chiến lược hợp tác với Mỹ để chống lại sự bành trướng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Hồi tháng 7, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Ấn Độ, hai nước cam kết mở rộng quan hệ đối tác an ninh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng sâu sắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới