Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBộ trưởng Quốc phòng Nhật bản nói về tham vọng bành trướng...

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản nói về tham vọng bành trướng trên biển của TQ

Sau chuyến thăm Việt Nam hôm 12/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tiếp tục lên tiếng kiên trì bảo vệ quan điểm: Cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nỗ lực răn đe chống lại việc Trung Quốc lấn lướt, mở rộng lãnh thổ, gia tăng quân sự trên Biển Đông.

Cách đây gần hai tuần khi nói chuyện với các sĩ quan cao cấp thuộc Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông Nobuo Kishi đã rất cởi mở, nói câu chuyện “trong nhà” về việc, tại sao Trung Quốc lại hung hăng đến thế trên biển Hoa Đông và Biển Hoa Đông? Mặc dù các nước trong khu vực, cùng với Mỹ và đồng minh liên tiếp đưa ra những thông điệp và hành động ngăn chặn cái vòi bạch tuộc của Bắc Kinh, nhưng họ vẫn bất chấp, thực thi những chủ trương trái ngược luật pháp quốc tế, trái ngược luân thường đạo lý.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho rằng: “Nhật Bản và Việt Nam, có chung đức tính cam kết giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn. Và theo như đức tính này, chúng ta chia sẻ những giá trị phổ quát khác có vai trò thiết yếu để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Một trong số đó là “sự thượng tôn pháp luật” trên biển”.

Tiếp đó, ông không ngần ngại chỉ đích danh Trung Quốc, vì giấc mộng bá quyền, đã gây nên biết bao sóng gió trên Biển Đông: “Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các địa hình tranh chấp, thường xuyên tiến hành tập trận quân sự và được cho là đã phóng tên lửa đạn đạo, leo thang hành động của họ. Nhật Bản cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép và bất kỳ hoạt động nào gây căng thẳng, đồng thời chia sẻ quan ngại với Việt Nam”.

Ông Kishi khẳng định: “Luật Hải cảnh và Luật sửa đổi Hàng hải của Trung Quốc có các quy định sai trái về tính nhất quán với luật quốc tế, chẳng hạn như áp dụng luật đối với các khu vực biển không rõ ràng và liên quan đến thẩm quyền sử dụng vũ khí. Nhật Bản và Việt Nam kiên quyết bảo vệ các quyền chính đáng, không bao giờ được làm suy yếu. Chúng ta không bao giờ dung thứ cho bất cứ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Mượn diễn đàn tại một quốc gia láng giềng, người lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản – một trong những cường quốc biển – đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Chưa thấy Hà Nội bình luận gì. Xem ra đây là câu chuyện nội bộ giữa hai quân đội, vì không thấy báo chí loan tin. Âu cũng là do Việt Nam phải khôn khéo để khỏi vướng, khỏi bổ ngã bởi sợi dây mà Trung Quốc đang giăng ra.

Tiếp tục quan điểm cứng rắn đó, hôm 20/9 trong cuộc phỏng vấn của tờ The Guardian, ông Kishi tiếp tục kêu gọi các nước Châu Âu lên tiếng chống lại những hành động ngoan cố của Trung Quốc. Ông nhận định, Trung Quốc tự xem nước này  ngày càng mạnh lên về chính trị, kinh tế, quân sự, cho nên họ đã tận dụng tối đa “sức mạnh” đó để đơn phương thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Về thái độ của Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh: “Tokyo có những quan ngại mạnh mẽ về sự an toàn và an ninh của không chỉ đất nước chúng tôi và khu vực mà còn đối với cộng đồng toàn cầu”.  

Thái độ của Bộ trưởng Kishi phát đi tín hiệu mạnh mẽ về những lo ngại gia tăng của quốc tế đối với tham vọng quân sự của Trung Quốc tại các khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông, biên giới Ấn Độ nhất là eo biển Đài Loan. Giờ đây không chỉ có “Bộ tứ kim cương” (Mỹ-Nhật-Ấn Độ, Austraylia) mà còn có liên minh Aukus (Mỹ – Anh – Austraylia) vừa được công bố hôm 15/9. Tuy không nói cụ thể nhưng các liên minh này đều xác định mục tiêu kiên quyết ngăn chặn âm mưu thôn tính Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Các tổ chức quốc tế quan trọng khác như Nghị viện Châu Âu, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan cũng đều thể hiện sự ủng hộ “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Tuy nhiên để tạo nên một sức mạnh thì các quốc gia phải đồn loạt lên tiếng về tình hình này. Đó là một hàng rào sắt để ngăn chặn sự lấn lướt của Trung Quốc bằng đủ các mưu sâu kế hiểm nhằm thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu”, không đánh mà thắng.

Theo số liệu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, số lượng các cuộc “xâm nhập” của tàu Trung Quốc vào các khu vực tranh chấp đã tăng đáng kể từ năm 2012. Đầu năm 2021, Nhật Bản phát hiện các tàu Trung Quốc lảng vảng gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với tần suất kỷ lục là 157 ngày liên tiếp. Vậy là nước này vuốt mặt mà không hề nể mũi. Họ ra rả nói về tăng cường hợp tác, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Thế nhưng họ gây hấn với tất cả các quốc gia trong khu vực, khiến cho các vùng biển có tranh chấp luôn luôn nóng.

Khi một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á còn chưa hiểu hết dã tâm của nhà cầm quyền Bắc Kinh thì Trung Quốc đã hoàn thành một chiến lược biển tương đối toàn diện. Chiến lược biển được coi là một bộ phận của chiến lược quốc gia, nhằm biến đất nước hơn một tỷ dân này trước hết thành một cường quốc biển trong khu vực. Về lâu dài sẽ đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới, dự kiến vào giữa thế kỷ 21.

Những quan điểm của ông Kishi – Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản- là một thái độ tính cực, thẳng thắn và nhất quán. Nó không chỉ vì lợi ích của riêng Nhật Bản. Ít nhất nó cũng cảnh báo, thức tỉnh nhà cầm quyền ở một quốc gia nào đó trong khu vực còn mơ hồ, chập chờn, hãy cảnh giác với Trung Quốc và sẵn sàng hành động đúng lúc.

RELATED ARTICLES

Tin mới