Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Quyền anh, quyền tôi”?

“Quyền anh, quyền tôi”?

 Indonesia từng “nổi nóng” khi Trung Quốc đưa tàu cá và tàu hải cảnh vào vùng biển phía bắc quần đảo Natuna vào đầu năm 2020. Lần này, tàu cá Trung Quốc lại xuất hiện, thái độ của Jakarta sẽ thế nào?


Natuna – một điểm nóng trên Biển Đông

Vùng biển khu vực quần đảo Natuna vài bốn năm gần đây thành điểm nóng. Nhưng nóng nhất, là thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020. Khi đó, trước sự xuất hiện của hàng chục tàu cá TQ  được sự hỗ trợ của tàu hải cảnh, tại vùng biển giàu có đang thuộc quyền kiểm soát của mình, Jakarta đã phản ứng một cách giận dữ. Cùng với ra tuyên bố khẳng định Natuna thuộc chủ quyền của mình, Jakarta đồng thời triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối.
     
Dù vậy, đáp lại, Jakarta chỉ nhận được những lời ngang ngược của Bắc Kinh: Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và các vùng nước lân cận. Tuy cho rằng, Trung Quốc và Indonesia không có tranh chấp sau khi bị Indonesia dọa kiện ra tòa án quốc tế năm 2015, nhưng Bắc Kinh lại nói hai bên đều có những hoạt động đánh bắt cá “bình thường” tại đây.

Câu trả lời lạnh tanh, vô trách nhiệm, phi luật pháp của Trung Quốc càng khiến dư luận Indonesia phẫn nộ. Phẫn nộ, nhưng Jakarta không lạ bởi từng thấy, một quốc gia từng thò bút ký Công ước LHQ về Luật biển (Unclos) 1982, vậy mà Trung Quốc không ngần ngại, sỗ sàng gạt phắt phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) giữa năm 2016 về vụ kiện của Philippines, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc.

Nhưng quốc đảo này may mắn có ông tổng thống Widodo mạnh mẽ, không yếu đuối như ông Duterte của Philippines.

Cuối tháng 12/2019, khi tàu Trung Quốc vừa thấp thoáng tại Natuna, ông Widodo đã dõng dạc: “Liên quan đến Natuna, sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào, bởi vùng biển này nằm trong chủ quyền lãnh hải quốc gia của chúng ta”.
     
Đầu năm 2020, trước sự ngang ngược gia tăng của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Indonesia này tức tốc trở lại Natuna, tái khẳng định: “Natuna là một phần lãnh thổ của Indonesia, không có gì phải bàn cãi, nghi ngờ về điều này. Không có chuyện thương lượng về chủ quyền của chúng tôi”.
Chưa hết, như để thể hiện rằng không nói suông, Jakarta, ngay sau đó, đã điều hàng trăm tàu cá đến khu vực này tăng cường hiện diện kết hợp với thả lưới đánh bắt hải sản…

Sau lần đó, diễn biến tại khu vực Natuna bớt căng thẳng do sự kiềm chế của hai bên.

Tuy nhiên, nào có được lâu, gần đây, câu chuyện trở theo hướng khác. Cụ thể, giữa tháng 9 vừa qua, tàu Trung Quốc lại xuất hiện trong trong vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia. Không phải tàu cá, lần xuất hiện này là tàu khu trục Côn Minh 172 (Kunming 172) cùng một số tàu chiến khác, sau khi một tàu khảo sát Trung Quốc có  tàu hải cảnh hộ tống đi vào khu vực này.

Việt Nam lẫn Malaysia từng nếm mùi cái gọi là “khảo sát địa chấn” của tàu Trung Quốc. Và Việt Nam từng phản ứng một cách khôn khéo để “đuổi cổ” tàu Trung Quốc ra khỏi EEZ của mình. Với Indonesia, hiện tại, chưa có bằng chứng khẳng định tàu Trung Quốc đã thực hiện khảo sát – nghĩa là vi phạm quy định của nguyên tắc “tự do hàng hải” theo luật pháp quốc tế hay chưa. Tuy nhiên, dù thế, Indonesia không thể không lo ngại khi nghĩ tới tình huống sẽ “mệt với Trung Quốc” nếu Trung Quốc áp dụng lại kịch bản “khảo sát địa chấn”  như đã dùng với hai nước láng giềng nêu trên.  Bởi Jakarta biết: “khảo sát địa chấn” chỉ là cớ. Họ cũng cho rằng: Bắc Kinh hẳn chưa nóng ruột việc đánh bắt vài mớ cá nhỏ. Biến Biển Đông thành “ao nhà” mới là mục tiêu quan trọng nhất của họ. Vì thế, âm mưu của Bắc Kinh lúc này là dùng tàu khảo sát để gây sức ép, đồng thời, thử xem khả năng chịu đựng của Jakarta tới cỡ nào?

Nếu Indonesia tỏ ra non gan, Bắc Kinh sẽ được nước lấn tới buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán phân định “quyền anh, quyền tôi” trong khu vực nhạy cảm này.

Một khi như thế, coi như Bắc Kinh đi được một bước lớn trong hành trình không mệt mỏi hiện thực hóa ý đồ biến nơi không tranh chấp thành nơi tranh chấp, để rồi cuối cùng, đánh gục ý chí của đối thủ.

RELATED ARTICLES

Tin mới