Tuesday, January 28, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ muốn trừng phạt TQ, Vì sao?

Mỹ muốn trừng phạt TQ, Vì sao?

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Về đại thể, dự luật này gồm hai luận điểm lớn:

– Phong tỏa tài sản và từ chối thị thực với những công dân, tổ chức Trung Quốc tham gia các dự án phát triển trên Biển Đông hoặc có hành động, chính sách đe dọa hòa bình, ổn định tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

– Cấm phổ biến các tài liệu cho rằng các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông là của Trung Quốc và hạn chế viện trợ những nước có hành động này. Bộ Quốc phòng, tàu chiến và máy bay Mỹ cũng không được có hành động công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Nhìn từ Luật biển quốc tế

Xét về pháp lý, trong Biển Đông đang tồn tại 2 loại bất đồng, tranh chấp khác nhau: thứ nhất là tranh chấp trong xác lập các vùng biển và thềm lục địa, xuất phát từ việc giải thích và áp dụng khác nhau, thậm chí sai với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982); thứ hai là tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các thực thể địa lý nằm giữa Biển Đông, xuất phát từ lập trường, nguyên tắc pháp lý khác nhau.

Trước hết, dựa vào vị trí địa lý, cấu tạo tự nhiên và căn cứ theo UNCLOS 1982, có thể thấy trong Biển Đông có 3 loại thực thể địa lý được dùng làm căn cứ hoạch định.

Một là phần lục địa, được gọi là quốc gia ven biển như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái lan, Malaysia, Singapore, Brunei; hai là quốc gia quần đảo như Philippines, Indonesia; và ba là các quần đảo, hải đảo ở giữa Biển Đông như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa…

Dù còn chưa thật hoàn thiện, các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo đều đã công bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mình.

Về cơ bản, theo tôi, các quy định này đều bám sát những tiêu chuẩn của UNCLOS 1982. Trên thực tế đã có những vùng chồng lấn được các bên liên quan đàm phán thành công, một số đàm phán vẫn đang diễn ra.

Tuy nhiên còn một trở ngại rất lớn, đó là những yêu sách về phạm vi vùng biển, về chủ quyền lãnh thổ đối với các hải đảo do Trung Quốc tạo ra và đang tìm cách áp đặt trong Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc tìm mọi cách để hợp thức hóa yêu sách biển theo đường “lưỡi bò” vốn xuất phát từ việc giải thích và áp dụng hoàn toàn sai UNCLOS 1982, nhằm thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên giành vị trí số 1 thế giới.

Vì sao Mỹ muốn trừng phạt Trung Quốc? - Ảnh 2.

Tài khoản Twitter của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông báo về việc ủy ban này đã thông qua dự luật S.1657 ngày 19-10, cho biết dự luật đang được chuyển lên Thượng viện xem xét – Ảnh chụp màn hình

Vì sao Mỹ lên tiếng?

Một trong những thủ đoạn Trung Quốc đang áp dụng là cho rằng các nước ngoài khu vực không có quyền và lợi ích gì ở Biển Đông ngoài quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, mà các quyền này theo Trung Quốc là không hề bị cản trở.

Tuy nhiên, các chuyên gia luật biển cho rằng quan niệm này của Trung Quốc là không đúng với UNCLOS 1982.

Bởi vì trong Biển Đông, theo quy định của UNCLOS 1982, ngoài lãnh hải của các đảo theo định nghĩa tại điều 121 UNCLOS 1982, và ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo, sẽ là biển cả (High sea) và vùng (Zone) – tức là lòng đất dưới đáy nằm ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia.

Đó là tài sản chung của nhân loại, mà mọi quốc gia có biển hay không có biển trên thế giới đều có quyền và lợi ích hợp pháp ở đó.

Vì vậy, không thể loại các nước ở ngoài khu vực khi họ có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ và thực hiện, không chỉ các quyền tự do đi qua vùng đặc quyền kinh tế trong Biển Đông, mà còn cả các quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong phạm vi “biển cả” và “vùng” theo UNCLOS 1982.

Rõ ràng việc Trung Quốc lên án sự xuất hiện của tàu chiến các nước, ngay cả khi các tàu đó tuân thủ đúng Luật biển quốc tế, là không đủ căn cứ, chí ít là về mặt pháp lý như đã trình bày. Tất nhiên chúng ta cũng sẽ cảnh báo và không hoan nghênh các chuyến hải trình có động cơ gây xung đột, bất ổn và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Vì thế, ngay trong dự luật, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã chỉ ra: Bộ Quốc phòng, tàu chiến và máy bay Mỹ cũng không được có hành động công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Phải chăng đây chính là những lý do khách quan để ủy ban quyết định đệ trình lên Thượng viện để sớm thông qua dự luật quan trọng này? Xuất phát từ những lý do nói trên, nếu được sớm thông qua, dự luật chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Lộ trình phê chuẩn

Dự luật S.1657 đang trong giai đoạn đệ trình và còn trải qua nhiều khâu trước khi có thể thành luật:

– Sau khi SFRC đã thông qua, dự luật sẽ được trình lên Thượng viện để thảo luận và bỏ phiếu, nếu được phê chuẩn, dự luật sẽ chuyển tới Hạ viện.

– Nếu Hạ viện có điều chỉnh, hai viện sẽ đàm phán, dàn xếp khác biệt.

– Sau khi được lưỡng viện thông qua, dự luật chuyển lên tổng thống ký thành luật hoặc cũng có thể bị phủ quyết, trong vòng 10 ngày.

– Nếu tổng thống bác, dự luật sẽ quay về quốc hội để thảo luận lại. Tuy nhiên, quốc hội có thể bác quyền phủ quyết của tổng thống với 2/3 số phiếu tán thành ở cả hai viện.

Phạt ai và phạt thế nào?

Dự luật S.1657 đề xuất trừng phạt các trường hợp sau, lưu ý “cá nhân” ở đây được hiểu là người/tổ chức.

(1) Bất cứ cá nhân Trung Quốc nào đóng góp vào các dự án xây dựng hoặc phát triển, bao gồm bồi đắp, xây dựng đảo, hải đăng, các trạm cơ sở cho dịch vụ thông tin di động, các cơ sở cung cấp điện và nhiên liệu, các dự án cơ sở hạ tầng dân dụng hoặc đóng góp vào việc cung cấp các khu định cư mới phát sinh từ các dự án phát triển như vậy, trong các khu vực của Biển Đông có một hoặc nhiều thành viên của ASEAN tranh chấp.

(2) Bất cứ cá nhân Trung Quốc nào chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa, hoặc tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định của các khu vực ở Biển Đông có một hoặc nhiều thành viên của ASEAN tranh chấp, hoặc các khu vực ở biển Hoa Đông do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý, bao gồm cả việc dùng tàu thuyền, máy bay để áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trong các khu vực đó.

(3) Bất cứ cá nhân Trung Quốc nào tham gia hoặc cố gắng tham gia vào một hoạt động hay giao dịch có đóng góp vật chất hoặc có nguy cơ đóng góp vật chất cho một hoạt động được mô tả trong (1) hoặc (2).

Các biện pháp trừng phạt bao gồm: phong tỏa tài sản ở Mỹ; từ chối cấp thị thực và trục xuất khỏi Mỹ; hủy bỏ thị thực đã cấp.

Tại Biển Đông, các biện pháp trừng phạt sẽ áp dụng với cả những cá nhân tham gia hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, chứ không chỉ ở Trường Sa.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ được áp dụng với các tổ chức tài chính nước ngoài tiếp tay cho các cá nhân bị trừng phạt trong trường hợp giám đốc Tình báo quốc gia kết luận Trung Quốc đã:

(1) tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên bất kỳ phần nào của Biển Đông;

(2) bắt đầu công việc cải tạo tại một địa điểm tranh chấp khác trên Biển Đông, ví như tại bãi cạn Scarborough;

(3) giành quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây;

(4) triển khai tên lửa đất đối không tới bất kỳ đảo nhân tạo nào mà Trung Quốc đã xây dựng trong chuỗi đảo Trường Sa, bao gồm cả đá Chữ Thập, đá Vành Khăn hoặc đá Subi;

(5) thiết lập đường cơ sở lãnh thổ xung quanh chuỗi đảo Trường Sa;

(6) tái diễn việc quấy rối các tàu của Philippines;

(7) tái diễn các hành động khiêu khích tuần duyên Nhật Bản, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản hoặc các lực lượng Mỹ ở biển Hoa Đông.

Dự luật cũng liệt kê danh sách những cá nhân, tổ chức cần được lưu ý đặc biệt.

RELATED ARTICLES

Tin mới